Conic Boulevard

Người phụ nữ gửi tiết kiệm 35 tỷ đồng, 4 tháng sau tài khoản chỉ còn 2.000 đồng, tòa án phán: "Do cô làm lộ thông tin cá nhân"

Một nữ khách hàng tại Trung Quốc gửi số tiền lớn vào ngân hàng, nhưng sau chuyến công tác nước ngoài, cô kiểm tra tài khoản thì phát hiện toàn bộ số tiền đã biến mất.

Chọn gửi tiết kiệm ở ngân hàng lãi suất cao

Cô Lý là một nhân viên cấp cao làm việc trong lĩnh vực tài chính, mức lương hằng tháng vô cùng khả quan. Sau 15 năm công tác trong ngành, vì công việc bận rộn, chưa kết hôn sinh con cùng với việc bố mẹ đều có lương hưu và sức khỏe ổn định, cô đã tích lũy được một khoản tài sản 10 triệu NDT (Khoảng 35 tỷ đồng), được gửi ở ngân hàng.

Với ý thức phòng ngừa rủi ro tài chính, cô Lý lựa chọn gửi tiền tại nhiều ngân hàng khác nhau. Dạo trước, khi được đồng nghiệp giới thiệu một ngân hàng đang có mức lãi suất gửi tiền cao hơn mặt bằng chung, sau khi tìm hiểu kỹ thông tin, cô Lý quyết định chuyển toàn bộ tiền gửi sang ngân hàng này.

Người phụ nữ gửi tiết kiệm 35 tỷ đồng, 4 tháng sau tài khoản chỉ còn 2.000 đồng, tòa án phán: "Do cô làm lộ thông tin cá nhân"- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Do khoản tiền gửi lớn, đích thân quản lí kinh doanh của ngân hàng – ông Vi đã ra đón tiếp cô.

Ông Vi đã giới thiệu đến cô các sản phẩm tài chính với cam kết lợi nhuận cao hơn gửi tiết kiệm thông thường. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chuyên môn cao, sau khi xem xét kỹ thông tin sản phẩm, cô đã dứt khoát từ chối và yêu cầu chỉ thực hiện gửi tiết kiệm thông thường. Cuối cùng, ông Vi đành hoàn tất thủ tục gửi tiết kiệm cho cô.

Tài sản "bốc hơi" sau chuyến công tác

Không lâu sau đó, cô Lý được chỉ định đi công tác nước ngoài. Thế nhưng, khi trở về nước và đến ngân hàng để rút tiền, cô sốc nặng khi được thông báo rằng tài khoản của mình chỉ còn... 0,62 NDT (khoảng 2.000 đồng).

Ngay lập tức, cô Lý yêu cầu ngân hàng kiểm tra lại, vì cô mới gửi tiền cách đây 4 tháng và chưa hề thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu lần hai, phía ngân hàng vẫn đưa ra kết quả tương tự.

Không nhận được lời giải thích thỏa đáng, cô Lý yêu cầu biết thông tin về dòng tiền rút ra khỏi tài khoản, song nhân viên ngân hàng cho biết cô "không có quyền tra cứu thông tin luân chuyển tiền mặt". Trước cách giải quyết của ngân hàng, cô Lý quyết định báo cảnh sát.

Quá trình điều tra sau đó đã hé lộ một âm mưu lừa đảo tinh vi: chính ông Vi – người từng gặp cô Lý và đề nghị mua sản phẩm tài chính kia, đã bí mật chuyển hết số tiền trong tài khoản của cô.

Theo kết quả điều tra, ông Vi đã cấu kết với một công ty tín thác địa phương, giả mạo chữ ký của cô Lý để lập hợp đồng ủy quyền sử dụng toàn bộ số tiền gửi vào. Trong vòng một tuần ngắn ngủi, toàn bộ số tiền bị chia nhỏ và phân tán đến nhiều quốc gia khác nhau, có lúc lên đến 81 giao dịch trong một ngày.

Người phụ nữ gửi tiết kiệm 35 tỷ đồng, 4 tháng sau tài khoản chỉ còn 2.000 đồng, tòa án phán: "Do cô làm lộ thông tin cá nhân"- Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Kiện ngân hàng ra tòa nhưng bị bác đơn vì "rò rỉ thông tin cá nhân"

Theo cô Lý, nhân viên chuyên môn của ngân hàng lẽ ra phải nhận ra hợp đồng giả mạo kia không có giá trị pháp lý. Do đó, ngân hàng phải chịu trách nhiệm về khoản tổn thất nghiêm trọng mà cô đang gánh chịu. Tuy nhiên, phía ngân hàng chọn cách giữ im lặng, không đưa ra phản hồi chính thức.

Điều khiến cô Lý nữa bức xúc là trong suốt quá trình bị rút tiền, cô không nhận được bất kỳ tin nhắn cảnh báo nào từ ngân hàng, dù đã đăng ký dịch vụ thông báo biến động số dư. Phía ngân hàng chỉ giải thích rằng "hệ thống có thể gặp sự cố", một lý do mà cô không thể chấp nhận.

Khi đề nghị bồi thường toàn bộ số tiền bị mất, cô Lý tiếp tục vấp phải sự từ chối từ ngân hàng với lập luận đây là "hành vi cá nhân của nhân viên, không thuộc trách nhiệm tổ chức". Không chấp nhận cách xử lý này, cô quyết định đưa vụ việc ra tòa.

Tại phiên xét xử sơ thẩm, ngân hàng trình bày rằng họ hoàn toàn không biết về hành vi của nhân viên Vi và khẳng định đã làm việc với công ty tín thác trên. Phía công ty này đã cung cấp các thông tin cá nhân của cô Lý như số CCCD, số điện thoại và giấy tờ chứng minh khác, các giấy tờ này có giá trị pháp lí.

Do không đủ bằng chứng chứng minh cô Lý hoàn toàn không liên quan đến vụ việc, tòa án nhận định rằng việc để lộ thông tin cá nhân là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự việc. Kết quả, tòa sơ thẩm đã bác đơn kiện của cô Lý, yêu cầu cô tự chịu trách nhiệm về toàn bộ tổn thất.

Không đồng ý với phán quyết này, cô Lý quyết định khởi kiện lần 2. Kết quả, tòa phúc thẩm phán quyết ngân hàng phải bồi thường cho cô Lý một nửa khoản tổn thất, tương đương 5 triệu NDT (khoảng 17,8 tỷ đồng), đồng thời chi trả toàn bộ khoản lãi suất phát sinh trong suốt 4 tháng gửi tiền.

Dù không thể lấy lại toàn bộ số tiền nhưng cô Lý cho biết đây chỉ là một bước nhỏ thôi.

"So với việc không nhận được gì thì ít nhất tôi cũng lấy lại được một phần. Nhưng tôi sẽ không dừng lại ở đây, tôi sẽ tiếp tục kháng cáo cho đến khi sự việc được giải quyết hợp lí." cô Lý kiên định nói.

Theo Baidu