Conic Boulevard

Nhiệt độ cao kỷ lục lên tới hơn 50 độ C tại UAE

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hôm 23/5 đã phải hứng chịu nhiệt độ như thiêu đốt lên tới 50,4°C.

Đây là mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trong tháng 5 kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi chép vào năm 2003. Theo đó, vào ngày 23/5 vừa qua, Trung tâm Khí tượng quốc gia UAE (NCM) ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 50,4°C tại khu vực Al Shawamekh ở thủ đô Abu Dhabi - vượt qua kỷ lục cũ là 50,2°C vào năm 2009.

Với nền khí hậu sa mạc, UAE thường xuyên trải qua thời tiết nắng nóng cực đoan - được ví như lò nướng trong các tháng hè. Tuy nhiên, năm nay, nhiệt độ tại UAE đã tăng cao bất thường, ngay cả trước khi mùa hè bắt đầu. Dù đã quen với nắng nóng nhưng nhiệt độ cao hơn 50°C đi kèm với độ ẩm lên tới 80% đã khiến người dân choáng váng, làm gia tăng cảm giác ngột ngạt và nguy cơ sốc nhiệt cho người dân, đặc biệt là những người phải làm việc ngoài trời.

Tháng trước, UAE cũng ghi nhận tháng 4 nóng nhất từ trước đến nay, với nhiệt độ cao trung bình hàng ngày là 42,6°C - cao hơn mức 42,2°C vào tháng 4/2017.

Các nhà khoa học cho rằng những đợt nắng nóng ngày càng nghiêm trọng là hệ quả rõ ràng của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Và hiện tượng thời tiết này sẽ diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và dữ dội hơn. Không chỉ ở UAE, số ngày cực kỳ nóng trên toàn cầu đã gần tăng gấp đôi trong ba thập kỷ qua.

Nhiệt độ cao kỷ lục lên tới hơn 50 độ C tại UAE- Ảnh 1.

Người dân sử dụng ô để bảo vệ mình khỏi ánh nắng mặt trời gay gắt (Ảnh: GN Archives)

Nghiên cứu của tổ chức Greenpeace năm 2022 cũng cho biết khu vực Trung Đông đang ấm lên gần gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu và đứng trước nguy cơ thiếu nước, thiếu lương thực, cùng các đợt nắng nóng cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

Trước tình hình trên, Trung tâm Khí tượng Quốc gia UAE đã khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp an toàn bảo vệ sức khỏe như ở yên trong nhà, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, uống nhiều nước, mặc trang phục phù hợp và sử dụng kem chống nắng để hạn chế tác hại từ thời tiết cực đoan.

Theo báo cáo vào năm 2024 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 83,6% lao động ở các quốc gia Arab bị phơi nhiễm nhiệt quá mức do tiếp xúc với nhiệt độ quá cao khi làm việc ngoài trời - tỉ lệ cao nhất trên thế giới.

Trước đó, hồi tháng 6/2024, hơn 1.300 người thiệt mạng trong lúc hành hương Hajj tại Saudi Arabia - phần lớn là những người hành hương không được cấp phép - do phải chịu đựng thời tiết nắng nóng gay gắt ngoài trời trong thời gian dài.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, nhưng cũng đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo. UAE cũng từng tổ chức Hội nghị khí hậu COP28 vào năm 2023.