Ngày Cá tháng Tư, còn gọi là ngày nói dối (1/4) là dịp để mọi người giải trí bằng những trò đùa thú vị, từ nhẹ nhàng đến táo bạo. Tuy nhiên, có những trò đùa của các tổ chức, công ty đã vượt khỏi tầm kiểm soát, gây chấn động toàn cầu, để lại dấu ấn khó phai trong trí nhớ của nhiều người. Dưới đây là một số trò lừa ngày Cá tháng Tư nổi tiếng nhất mà thế giới từng chứng kiến.
"Tôi thề tôi chưa chết"
Năm 1708, Jonathan Swift, tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Gulliver's Travels” đã thực hiện một trò lừa đầy công phu. Dưới cái tên giả Isaac Bickerstaff, Swift tiên đoán về cái chết của nhà chiêm tinh học nổi tiếng John Partridge vào ngày 29/3.
Tin tức này nhanh chóng được lan truyền vào ngày 30/3, nhiều người tập trung trước cửa nhà Partridge để dự lễ tang. Sự thật là Partridge vẫn sống khỏe mạnh và buộc phải phủ nhận mọi tin đồn về cái chết của mình: "Tôi thề tôi chưa chết".
Đến lúc qua đời 7 năm sau đó, Partridge vẫn chưa thể khám phá danh tính của kẻ đã trêu chọc mình.
Phát hiện sự sống trên Mặt trăng
Ngày 1/4/1835, tờ New York Sun đăng bài báo với nội dung gây sốc: Nhà thiên văn học John Herschel đã phát hiện sự sống trên Mặt trăng. Bài viết miêu tả cảnh tượng sống động với những đàn bò rừng và ngựa một sừng. Uy tín của Herschel khiến nhiều người tin vào câu chuyện cho đến khi họ phát hiện ra rằng đó chỉ là một trò đùa nhân ngày Cá tháng Tư.
Trò lừa tắm sư tử trắng ở London
Năm 1860, một lời mời kỳ lạ lan truyền ở London, Anh: "Lâu đài Tháp London thân mời mọi người tới dự lễ tắm rửa sư tử trắng thường niên, diễn ra trong ngày 1/4/1860. Chỉ đón khách ở Cổng trắng". Lời mời nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi, khiến nhiều người tò mò và háo hức chờ đợi sự kiện đặc biệt này.
Trưa 1/4, đám đông háo hức đã tụ tập bên ngoài lâu đài Tháp London và rồi ngớ người ra khi phát hiện đây chỉ là một trò lừa. Tòa lâu đài không hề có bất kỳ con sư tử nào, huống chi là sư tử trắng. Niềm vui háo hức nhanh chóng chuyển thành sự thất vọng. Người bực dọc, tẽn tò, người bật cười vì nhận ra mình đã là nạn nhân của một trò đùa công phu ngày Cá tháng Tư.

Lâu đài Tháp London thân mời mọi người tới dự lễ tắm rửa sư tử trắng thường niên.
"Thomas Edison sáng chế ra máy tạo đồ ăn từ... đất"
Ngày Cá tháng Tư năm 1878, tờ The Daily Graphic tuyên bố Thomas Edison đã tạo ra một chiếc máy biến đất, nước và không khí thành thực phẩm. Bài báo khẳng định rằng sáng chế này có thể giải quyết nạn đói trên toàn cầu. Mặc dù đây chỉ là một trò đùa, nhiều người đã gửi đơn đặt hàng tới Edison. Đáp lại, Edison chỉ cười và viết một lời nhắn ngắn gọn cho tòa soạn: “Thật là ngoạn mục”.
Bộ Tài chính Mỹ bị cướp
Ngày 1/4/1905, tờ báo Đức Berliner Tageblatt khiến cả châu Âu xôn xao khi đưa tin về một vụ cướp táo bạo. Một nhóm tội phạm đã đào hầm dưới trụ sở Bộ Tài chính Liên bang Mỹ tại Washington, D.C. và cuỗm đi số vàng trị giá 268 triệu USD. Bài báo miêu tả chi tiết cách nhóm cướp thực hiện phi vụ trong 3 năm và sự truy lùng gắt gao của giới chức Mỹ. Thông tin này nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu, gây nên cơn địa chấn truyền thông.
Chỉ đến khi sự việc được xác nhận là trò đùa của Louis Viereck, một phóng viên viết bài dưới bút danh giả, công chúng mới thực sự thở phào nhẹ nhõm.
Cú lừa ngày tận thế
Ngày 31/3/1940, viện Franklin ở Philadelphia, Mỹ phát hành thông cáo báo chí khẳng định cả thế giới sẽ bị hủy diệt vào ngày hôm sau, tức 1/4. Thông điệp này còn được đài phát thanh KYW đưa tin một cách nghiêm túc, khiến nhiều thính giả lo lắng tột độ.
“Các nhà khoa học đã dự đoán và nói ra nỗi sợ hãi nhất của con người, rằng thế giới sẽ kết thúc vào lúc 15h. Và đây không phải là trò đùa cho ngày Cá tháng Tư" , thông tin này nhanh chóng gây hoang mang cộng đồng. Chính quyền địa phương đã phải vật lộn với vô số cuộc điện thoại từ người dân đang hoảng loạn.
Sự căng thẳng chỉ dịu xuống sau khi viện Franklin lên tiếng phủ nhận và khẳng định đó chỉ là trò đùa của William Castellini, một đại diện báo chí của viện.
Mỳ Spaghetti mọc trên cây
Một trong những trò đùa Cá tháng Tư nổi tiếng nhất đến từ đài BBC vào ngày 1/4/1957. Trong một chương trình truyền hình, MC thông báo một vụ mùa mỳ spaghetti bội thu tại Ticino, Thụy Sĩ. Những cảnh quay đặc sắc cho thấy người dân đang thu hoạch mỳ spaghetti từ trên cây. Thời điểm đó, nhiều người Anh tin rằng đó là sự thật. Một số khán giả thậm chí còn liên hệ với đài BBC để hỏi cách trồng loại cây đặc biệt này tại nhà.

Đài BBC đưa tin mì spaghetti có thể trồng trên cây. (Ảnh: BBC)
Bầu tê giác vào hội đồng thành phố
Ở São Paulo (Brazil) năm 1959, một chiến dịch kỳ quặc diễn ra, các sinh viên quyết định bầu một con tê giác Cacareco vào hội đồng thành phố để phản đối hệ thống chính trị lúc bấy giờ. Thật đáng kinh ngạc, Cacareco giành được hơn 100.000 phiếu bầu, đánh bại mọi ứng viên khác. Dù cuối cùng chú tế giác không thể giữ chức vụ, sự kiện này vẫn là một biểu tượng cho làn sóng bỏ phiếu phản đối tại Brazil.
Lực hút Trái đất tạm biến mất
Sáng 1/4/1976, trên đài BBC, nhà thiên văn học Sir Patrick Moore thông báo rằng vào lúc 9h47 hôm đó, lực hấp dẫn của Trái đất sẽ giảm tạm thời do Sao Diêm Vương và Sao Mộc thẳng hàng. Không để những người làm chương trình thất vọng, chỉ một phút sau đó, hàng trăm thính giả đã gọi đến đài, khẳng định rằng họ đã trải qua cảm giác bay lên không trung.
Bịa ra cả một quốc gia
Trong ngày Cá tháng Tư năm 1977, tờ Guardian c ủa Anh khiến dư luận ngỡ ngàng với một phóng sự dài 7 trang về San Serriffe, một quốc gia nằm ở Ấn Độ Dương, được tạo thành từ nhiều hòn đảo, có hình dấu chấm phẩy. Bài viết đầy chi tiết và sống động khiến nhiều độc giả tò mò gọi điện hỏi thông tin về kỳ nghỉ tại quốc gia này.
Tuy nhiên, quốc gia San Serriffe không tồn tại và cả loạt phóng sự công phu đã chỉ là một trò đùa nhân ngày Cá tháng Tư.

Guardian vẽ bản đồ cho quốc gia không có thật. (Ảnh: Guardian)
Big Ben thành đồng hồ điện tử
Vào ngày 1/4/1980, đài BBC chơi khăm khán giả khi công bố rằng đồng hồ Big Ben sẽ được thay thế bằng đồng hồ kỹ thuật số cho phù hợp với thời đại mới. Trái với mong muốn mua vui cho công chúng, đài BBC sau đó phải lên tiếng xin lỗi sau khi phải đối mặt với cơn bão chỉ trích vì trò đùa nhảm của họ.
Dỡ bỏ tháp Eiffel
Tờ Le Parisien đã khiến người dân Paris chấn động với tin Chính phủ Pháp dự kiến dỡ bỏ tháp Eiffel. Không ít người đã rơi vào trạng thái kinh ngạc tột độ trước khi nhận ra đây chỉ là một trò đùa.
Nói đùa thị trưởng qua đời
Năm 1986, hai MC của chương trình phát thanh ở Boston (Mỹ) gây nên vụ scandal nghiêm trọng khi đùa rằng Thị trưởng Thomas Menino bị ám sát. Không ai xác nhận được thông tin do ông đang trên máy bay, vì thế nhiều người tin đó là sự thật và hết sức đau buồn.
Khi xuống máy bay, Thomas Menino thấy tin mình qua đời tràn ngập khắp nơi và lập tức nổi cơn thịnh nộ. Ông yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang đưa ra hình phạt với đài phát thanh. Kết quả, chương trình bị ngưng và những người liên quan bị sa thải.
Phát hiện tàu Titanic
Năm 2001, một DJ người Anh gây hoang mang khi thông báo rằng anh thấy một con tàu giống Titanic từ vách đá ở Beachy Head (hạt East Sussex, Anh). Đám đông đổ về khu vực này và không ít người thất vọng khi nhận ra đó chỉ là trò lừa. Dòng người này khiến vách đá bị nứt và sụp vài ngày sau đó.
Google sản xuất đồ uống
Ngày 1/4/2005, Google gây ấn tượng mạnh khi tuyên bố sẽ ra mắt sản phẩm đồ uống có tên Google Gulp, được cho là giúp tăng trí thông minh và tốt cho sức khỏe. Tất nhiên, đây chỉ là một trò đùa với cộng đồng công nghệ và người dùng.

Năm 2005, Google tuyên bố sắp lấn sân sang lĩnh vực sản xuất đồ uống.
Đĩa bay hạ cánh xuống trái đất
Một tờ báo ở Jordan khẳng định một UFO (vật thể bay không xác định) đã hạ cánh gần thị trấn Jafr, khiến thị trưởng ra lệnh sơ tán khẩn cấp 13.000 người. Trò đùa này không chỉ tạo ra sự rối loạn mà những người liên quan còn đối mặt với nguy cơ kiện tụng. Nhân viên tờ báo này đã công khai xin lỗi và nói rằng họ chỉ có ý giải trí chứ không muốn dọa nạt mọi người.