Conic Boulevard

Rót 1,6 tỷ USD vào Bắc Ninh, ông trùm bán dẫn Amkor dự kiến tăng gấp 4 lần sản lượng, khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục là một thị trường mạnh

Amkor cho biết các khách hàng của mình chưa đưa ra thay đổi đáng kể nào trước chính sách thuế đối ứng.

Tại cuộc họp tổng kết quý I/2025 diễn ra vào cuối tháng trước, Amkor Technology cho biết chi phí vốn đầu tư (capital expenditure) cả năm 2025 sẽ khoảng 850 triệu USD.

Về ảnh hưởng do thuế đối ứng có thể áp dụng với Việt Nam, Chủ tịch-CEO Giel Rutten cho biết Amkor hiện tại không có dự định thay đổi đáng kể nào về vốn đầu tư. Tuy nhiên, Amkor cũng sẽ duy trì khả năng đầu tư linh hoạt trước các biến động trong năm nay.

Phó Chủ tịch-CFO của Amkor Megan Faust cho biết  chưa có thay đổi đáng kể nào từ phía khách hàng nên Amkor chưa thay đổi kế hoạch chi phí vốn đầu tư và sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình.

Amkor vẫn thấy tiềm năng lớn ở Việt Nam dù chính sách thuế thay đổi có thể gây ảnh hưởng. Qua làm việc với các khách hàng, Amkor có tính toán phương án đối phó là trì hoãn việc chuyển một vài lô hàng. Về trung hạn và dài hạn, Việt Nam sẽ tiếp tục là một thị trường mạnh và Amkor cũng đầu tư vào việc phát triển năng lực và kiểm tra thiết bị, theo ông Giel Rutten.

Ông Giel Rutten cho biết thêm 70% khoản đầu tư của Amkor dành cho việc nâng cao năng lực và khả năng sản xuất, 25% dành cho cơ sở vật chất và xây dựng (gồm 5-10% dành cho cơ sở ở Bồ Đào Nha và Arizona ở Mỹ).

Phần 70% này phần lớn dành cho thị trường tính toán hiệu suất cao, bao gồm các ứng dụng khác nhau từ máy tính cá nhân đến kết nối mạng.

Ngoài ra, Chủ tich-CEO Giel Rutten cho biết cơ sở tại Việt Nam được xây dựng trong 18 tháng (tính từ thời điểm động thổ công trình tới lúc lắp đặt máy móc). Đây là một 'kỳ tích' về tốc độ xây dựng, mà Amkor đang cố gắng để đẩy nhanh tiến độ tương tự tại Dự án nhà máy Arizona 2 tỷ USD tại Mỹ.

Amkor Technology thành lập năm 1968, là tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đóng gói và kiểm thử chip bán dẫn, với doanh thu khoảng 6 tỷ USD.

Amkor Technology có trụ sở tại Arizona, Mỹ, nhưng "quê hương" là Hàn Quốc, được sáng lập bởi ông Hyang-Soo Kim vào năm 1968 với tên gốc là Anam Industrial. Công ty sau đó đổi tên thành Amkor Electronics vào năm 1970 rồi Amkor Technology vào 1998.

Amkor đã có các dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD. Nhà máy bán dẫn Amkor được khánh thành tại tại KCN Yên Phong II-C tỉnh Bắc Ninh ngày 11/10/2023 với vốn đầu tư ban đầu là 520 triệu USD.

Tháng 7/2024, tỉnh Bắc Ninh đã trao Giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam, tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD. Việc tăng vốn này nhanh hơn 11 năm so với kế hoạch ban đầu là năm 2035.

Nhà máy chính thức đi vào hoạt động từ quý III/2024 và đã đạt được doanh thu xuất khẩu 337,5 tỷ đồng trong năm 2024.

Tháng 2/2025, Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam xin ý kiến báo cáo đánh giá tác động môi trường về việc mở rộng hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh. Công ty dự kiến tăng sản lượng hàng năm từ 420 tấn lên 1.600 tấn.

Nhà máy dự kiến sẽ đồng thời vận hành và mở rộng vào tháng 9/2025, sau đó đi vào hoạt động sản xuất ổn định từ tháng 10/2025. Nhà máy Amkor đang hoạt động một phần với công suất 420 triệu sản phẩm (147 tấn một năm), tương đương 11,6% công suất ổn định sau mở rộng.