Conic Boulevard

So sánh thực lực quân sự Ấn Độ - Pakistan

Khi Ấn Độ và Pakistan trong tình trạng báo động cao, giới phân tích quốc phòng cảnh báo bất kỳ bước đi sai lầm nào cũng có thể khiến xung đột mở rộng.

Bên dưới đây là so sánh về thực lực quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan trong năm 2025 của tờ Business Standard.

Quân số và ngân sách

Ấn Độ đang đứng thứ 4 trong Bảng xếp hạng Chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu năm 2025, trong khi Pakistan ở vị trí thứ 12.

Ấn Độ duy trì khoảng 1,46 triệu quân nhân tại ngũ và 1,15 triệu lính dự bị. Quân số thường trực của Pakistan là 654.000 người, được 500.000 nhân viên bán quân sự hỗ trợ.

Ấn Độ cũng có ngân sách quốc phòng lớn hơn, khoảng 79 tỉ USD cho năm tài chính 2026, đánh dấu mức tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Về phía Pakistan, ước tính phân bổ quốc phòng của nước này cho cùng năm tài chính là 7,6 tỉ USD. Điều này phản ánh khoảng cách đáng kể, tác động đến năng lực hoạt động và hiện đại hóa.

Sức mạnh xe tăng và xe bọc thép

Quân đoàn tăng thiết giáp của Ấn Độ có hơn 4.200 xe tăng, trong đó bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 Bhishma do Nga chế tạo và các biến thể Arjun nội địa. Trong khi đó, Pakistan có khoảng 2.627 xe tăng.

Đội xe bọc thép gồm 148.594 chiếc của Ấn Độ cũng gấp 3 lần Pakistan, cho thấy lợi thế rõ ràng trong chiến đấu trên bộ bằng cơ giới.

So sánh thực lực quân sự Ấn Độ - Pakistan- Ảnh 1.

Lực lượng tăng thiết giáp của Ấn Độ có hơn 4.200 xe tăng, còn Pakistan có khoảng 2.627 chiếc. Ảnh: The Business Standard

Sức mạnh không quân

Ấn Độ vận hành 2.229 máy bay quân sự, bao gồm 513 máy bay chiến đấu như Rafale, Su-30MKI và Tejas. Với 1.399 máy bay các loại và 328 máy bay chiến đấu, Pakistan thua kém đáng kể về cả số lượng và năng lực.

Bên cạnh đó, Ấn Độ có lợi thế về trực thăng và máy bay tiếp nhiên liệu trên không, với 899 trực thăng so với 373 của Pakistan, cũng như 6 máy bay tiếp dầu trên không so với 4 chiếc của Pakistan.

Mặc dù có quy mô nhỏ hơn, không quân Pakistan vận hành các máy bay tương đối hiện đại như máy bay chiến đấu JF-17 Thunder và F-16.

Thêm nữa, Pakistan sở hữu nhiều máy bay huấn luyện quân sự hơn, 565 chiếc so với 351 của Ấn Độ, giúp tăng cường khả năng huấn luyện của nước này.

Sức mạnh hải quân

Hạm đội hải quân của Ấn Độ có 293 tàu, đứng thứ 6 trên toàn cầu, bao gồm 2 tàu sân bay (INS Vikramaditya và INS Vikrant), 13 tàu khu trục và 18 tàu ngầm.

Có thể nói, sức mạnh hải quân này bảo đảm Ấn Độ mở rộng phạm vi hoạt động vượt ra ngoài vùng biển khu vực, đủ điều kiện trở thành lực lượng hải quân "biển xanh" (blue-water navy) có thể hoạt động xa bờ.

Ở chiều ngược lại, hải quân Pakistan vận hành 121 tàu mà không có tàu sân bay hay tàu khu trục nào, duy trì một hạm đội tàu ngầm gồm 8 chiếc.

Phạm vi hoạt động hạn chế dọc theo biển Ả Rập khiến hải quân Pakistan được xếp vào loại hải quân "xanh lục" (green-water navy), chủ yếu giới hạn ở phòng thủ ven bờ.

Năng lực hạt nhân và tên lửa

Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân và hệ thống phóng. Tên lửa Agni-V của Ấn Độ, có tầm bắn vượt quá 5.200 km, đang phát triển phiên bản Agni-VI nâng cao khả năng răn đe.

Tên lửa tầm xa nhất của Pakistan là Shaheen-III, có tầm bắn khoảng 2.750 km. Dường như nước này đang nỗ lực mở rộng tầm bắn lên hơn 3.000 km.

Lợi thế nhân khẩu học và nhập khẩu khí tài

Ấn Độ có lợi thế nhân khẩu học, với gần 24 triệu người đến tuổi nhập ngũ hàng năm so với 4,8 triệu người của Pakistan.

Nga là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ, tiếp theo là Pháp, Israel và Mỹ. Trong khi đó, Pakistan phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về thiết bị quân sự, tiếp theo là nguồn cung từ Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Nga.