Vào ngày 28/3, một trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã xảy ra tại Myanmar, khiến tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Thái Lan - quốc gia lân cận bị sập do rung chấn. Sau vụ việc, người đàn ông 50 tuổi tên Shamni đã xuất hiện tại hiện trường, khẳng định vợ anh, người đang mang thai 4 tháng, bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Hoàn cảnh của anh đã thu hút sự chú ý của mạng xã hội.
Theo tờ Thairath (Thái Lan), sau khi tòa nhà ở Bangkok sụp đổ, Shamni đã có mặt tại hiện trường, khóc lóc kể lại rằng vợ anh ta, Sobthip (23 tuổi, đang mang thai), là nhân viên văn thư ở tầng 4. Trước khi mất liên lạc, cô đã nhắn tin cho anh ta rằng "tòa nhà đang rung chuyển". Shamni đau buồn túc trực tại hiện trường, hy vọng vợ mình và những người mất tích khác được cứu sống. Câu chuyện này nhanh chóng lan truyền và thu hút sự quan tâm của dư luận.


Câu chuyện của người đàn ông ban đầu khiến cư dân mạng Thái Lan cảm động
Tuy nhiên, sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện lời khai của Shamni không trùng khớp với danh sách người mất tích chính thức. Vào ngày 31/3, một phụ nữ 25 tuổi tên Klawipa đã đến trình báo cảnh sát, tố cáo Shamni mạo danh cô. Cô khẳng định mình chưa bao giờ làm việc tại tòa nhà bị sập và cũng không hề quen biết Shamni. Cảnh sát xác minh thêm và xác nhận Shamni không có vợ. "Người vợ mang thai mất tích" mà anh ta nhắc đến hoàn toàn không tồn tại. Lời khai của Shamni chỉ là bịa đặt nhằm mục đích lợi dụng lòng trắc ẩn của xã hội để trục lợi.
Chiều cùng ngày, cảnh sát đã xác định được vị trí của Shamni khi anh ta đang di chuyển bằng xe máy đến ga tàu điện ngầm Mo Chit ở phía bắc Bangkok, có dấu hiệu bỏ trốn. Cảnh sát lập tức triển khai lực lượng truy đuổi và bắt giữ anh ta vào lúc 19h30 gần tòa nhà bị sập. Qua kiểm tra giấy tờ tùy thân, cảnh sát phát hiện Shamni chỉ là tên giả, càng khẳng định người đàn ông này liên tục nói dối.

Người đàn ông định lừa đảo tiền quyên góp đã bị bắt
Cảnh sát cũng phát hiện có người đã tin lời Shamni và quyên góp 10.000 baht (khoảng 7,5 triệu đồng) cho anh ta. Mặc dù nạn nhân đã lấy lại được tiền sau khi biết sự thật, nhưng hành vi của Shamni vẫn cấu thành tội lừa đảo. Cảnh sát nhấn mạnh Shamni sẽ phải đối mặt với nhiều cáo buộc như "phát tán thông tin sai lệch", "lừa đảo" và "vi phạm luật tội phạm máy tính". Họ cũng cảnh cáo bất kỳ ai cố gắng lợi dụng thảm họa để lừa đảo sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Hiện Shamni đang bị giam giữ tại Trung tâm thẩm vấn của cảnh sát Bangkok. Anh vẫn giữ im lặng trước các cáo buộc và chưa đưa ra lời khai chính thức.
Nguồn: Thairath