Conic Boulevard

Tào Tháo khôn ngoan, nắm trọn quyền hành nhưng tại sao cả đời nhất quyết không xưng đế? Lý do không như nhiều người vẫn nghĩ

“Là một nhân vật quyền lực bậc nhất thời Tam Quốc, tại sao Tào Tháo không xưng đế như Lưu Bị hay Tôn Quyền?” Đây là câu hỏi được không ít người tranh luận.

Tào Tháo là nhà chính trị, nhà quân sự và còn là một nhà thơ nổi tiếng cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Trái với suy nghĩ của nhiều người, sinh thời Tào Tháo chưa bao giờ chính thức xưng đế. Mặc dù nắm giữ quyền lực tối cao, thao túng triều đình nhà Hán và được phong làm Ngụy vương, ông vẫn giữ danh nghĩa “bề tôi” của nhà Hán cho đến khi qua đời vào năm 220. Tuy nhiên, việc ông không xưng đế không đồng nghĩa với việc ông không có tham vọng đế vương. Vậy tại sao Tào Tháo lại chọn con đường này?

Theo học giả người Trung Quốc Dịch Trung Thiên, tác giả của “Luận Anh Hùng” và “Phẩm Tam Quốc”, Tào Tháo không lên ngôi hoàng đế không phải vì thiếu năng lực hay điều kiện, mà đó là một toan tính chiến lược sâu xa, đồng thời cũng phản ánh những trăn trở của ông.  

Con đường quyền lực của Tào Tháo  

Nếu như nói, chí hướng ban đầu của Tào Tháo chỉ là làm một năng thần, hoặc là sau khi qua đời, có được dòng chữ trên bia mộ: “Mộ của cố Chinh tây tướng quân Tào hầu”. Năm 174 Công nguyên, hai mươi tuổi, Tào Tháo được cứ là hiểu liêm. Hiểu là hiểu tứ, liêm là liêm sỉ, có được xưng hiệu đó là có được bước thứ nhất vào chốn quan trường. Nhiều năm làm quan sau đó, Tào Tháo chứng kiến nhiều vấn đề bèn dâng thư lên triều đình, nói hết mọi điều tệ hại, nhưng như cát lún xuống không có hồi âm. 

Tuy nhiên, thực tế quyền lực đã khiến bước chân của Tào Tháo dù vô tình hoặc cố ý đến gần sát ngai vàng. Năm 196, Tào Tháo đưa Hiến Đế về Hứa Đô, chính thức nắm quyền kiểm soát triều đình. Đến năm 208, ông giữ chức Thừa tướng, loại bỏ tam công, tập trung quyền hành vào tay mình.  

Bước sang năm 213, Tào Tháo được phong Nguỵ Công, nhận cửu tích. Sách “Cương mục” có chú thích rằng, theo chế độ phong kiến xưa ở Trung Quốc, khi thiên tử muốn tỏ ý ưu đãi một đại thần nào thì ban cho đồ quý giá và cho hưởng nghi lễ đặc biệt để biểu dương khác với mọi người. Chín thứ ban cho ấy gọi là “cửu tích”. Điều này càng cho thấy Tào Tháo đã nắm cả danh tiếng và quyền lực.

Cùng năm đó, ông lập tông miếu xã tắc tại Nghiệp Thành, thiết lập cơ cấu chính quyền riêng cho nước Nguỵ, trên thực tế đã trở thành quân chủ một nước. Chỉ hai năm sau, ông được đãi ngộ như bậc vương tước và đến năm 216, chính thức nhận tước hiệu Nguỵ Vương, hưởng đầy đủ nghi lễ thiên tử. Lúc này, dù chưa mang danh hiệu hoàng đế, nhưng quyền lực và ảnh hưởng của ông không khác gì một vị vua thực thụ.  

Tào Tháo khôn ngoan, nắm trọn quyền hành nhưng tại sao cả đời nhất quyết không xưng đế? Lý do không như nhiều người vẫn nghĩ- Ảnh 1.

Vậy vì sao Tào Tháo không xưng đế?

Có thể nói, Tào Tháo không thiếu tham vọng. Thời bấy giờ, ai cũng muốn làm hoàng đế, như câu nói của Vương Xán: “Người người mong làm đế vương, nhà nhà khao khát công hầu.” Tuy nhiên, ông hiểu rõ rằng danh nghĩa là yếu tố quan trọng nhất trong chính trị.  

Từ khi khởi binh năm 189, Tào Tháo luôn lấy danh nghĩa “phò tá nhà Hán, bảo vệ thiên tử” để chinh chiến khắp nơi, đánh bại hàng loạt đối thủ như Đổng Trác, Viên Thuật, Lã Bố, Viên Thiệu, Lưu Biểu. Chính lá cờ chính nghĩa đó giúp ông thu phục nhân tâm và tập hợp lực lượng. Nếu tự mình tiếm vị, ông sẽ đánh mất chính ngọn cờ mà bấy lâu nay đã dựa vào.  

Nhìn vào lịch sử, những kẻ thất bại đều là người không có danh nghĩa chính đáng: Viên Thuật tự xưng hoàng đế rồi sụp đổ, Viên Thiệu không có ngọn cờ đủ mạnh nên thân bại danh liệt, Lã Bố, Tôn Sách dù có võ lực nhưng không thể đứng vững. Trong khi đó, Lưu Bị lại khéo léo tận dụng danh nghĩa hoàng thất để gây dựng cơ đồ. Những bài học này càng khiến Tào Tháo thận trọng hơn.  

Tào Tháo nhiều lần khẳng định: “Ta không cướp ngôi nhà Hán.” Ông tự ví mình với những nhân vật như Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công hay Chu Công, những người giúp ổn định vương triều thay vì tiếm vị. Ông biết rằng nếu mình xưng đế, sẽ tạo cơ hội cho Lưu Bị, Tôn Quyền và các phe phái trong triều đình chống đối, khiến tình thế trở nên rối ren.  

Thay vào đó, Tào Tháo chọn cách chờ đợi. Ông hiểu rõ nguyên tắc của đấu tranh chính trị: thời cơ chín muồi mới hành động. “Dưa chín thì cuống ắt rụng,” hành động quá sớm có thể gây phản tác dụng. 

Tào Tháo khôn ngoan, nắm trọn quyền hành nhưng tại sao cả đời nhất quyết không xưng đế? Lý do không như nhiều người vẫn nghĩ- Ảnh 2.

Vì thế, khi Tôn Quyền dâng biểu xưng thần, thuộc hạ khuyên nhủ, ông chỉ cười mà nói: “Chỉ cần có thực quyền, danh hiệu đâu quan trọng? Nếu trời đã định, ta làm Chu Văn Vương là đủ.”  

Theo tác giả Dịch Trung Thiên, câu nói này hàm chứa ý nghĩa sâu xa. Nó vừa cho thấy ông không có ý tranh ngôi, vừa ngầm để ngỏ khả năng con cháu sau này có thể thay đổi cục diện. Nếu hậu thế có thể làm được, ông sẽ trở thành Thái Tổ khai quốc; nếu thất bại, ông vẫn là một trung thần của nhà Hán.  

Dưới cái nhìn của tác giả, Tào Tháo là người thực tế. Ông từng nói: “Chớ chạy theo hư danh mà rước họa vào thân.” Ông không cần danh xưng hoàng đế, bởi vì trên thực tế, ông đã có tất cả những gì một thiên tử sở hữu. Và như thế, Tào Tháo trở thành một bậc thầy chính trị, khéo léo điều khiển thời cuộc theo cách có lợi nhất cho mình.

(*Tham khảo cuốn “Luận anh hùng” - Tác giả: Dịch Trung Thiên)