Ẩm thực Huế không chỉ tinh tế trong hương vị mà còn đậm sâu những tập tục dân gian. Tập tục đặt lá theo hình chữ thập lên món ăn là một trong những điều lạ kỳ ấy, tưởng chừng đơn giản nhưng ẩn chứa câu chuyện văn hóa đặc biệt.
Nếu ai đã từng về Huế, tham gia bữa cơm gia đình hay tận mắt chứng kiến cảnh bếp núc truyền thống, sẽ không ít lần ngạc nhiên khi thấy những chiếc lá được cắt vuông vức, nhẹ nhàng xếp thành hình chữ thập đặt lên trên nồi cơm, nồi bánh, hay thậm chí là trên xửng hấp bánh bèo, bánh nậm.
Không phải để trang trí, cũng chẳng phải công thức nấu ăn cầu kỳ, tập tục này đã xuất hiện trong các gia đình Huế từ rất lâu đời. Với người Huế, nấu ăn không chỉ để no bụng, mà còn là một nghi lễ nhỏ, gửi gắm ước nguyện về sự bình an, tròn đầy và may mắn.
Trong một video của mình giới thiệu về xứ Huế mộng mơ, TikToker Chi Đó Rất Huế cũng đã chia sẻ trải nghiệm này của mình. Bạn Quý (chủ nhân kênh Tiktok) đã chia sẻ rằng: "Người Huế tin rằng khi nấu nướng, có những năng lượng vô hình xung quanh, đôi khi có thể làm ảnh hưởng đến món ăn. Làm dấu chữ thập là cách nhắc nhẹ rằng: 'Món này dành cho người trần gian - xin đừng chạm vào'".

Lá chuối đặt hình chữ thập trên chậu bột bánh nậm. Nguồn: Chi Đó Rất Huế.
Vẫn biết, xứ Huế là mảnh đất giàu tín ngưỡng và tâm linh, được mệnh danh là xứ "Thần Kinh" (Kinh đô Thần bí), lắm những câu chuyện lịch sử, văn hóa phủ lên đôi bờ sông Hương. Thế nhưng, chỉ một thói quen nhỏ trong cuộc sống thường ngày cũng nói lên được rất nhiều về cách người Huế ứng xử với đức tin của chính mình, đó là mong mọi sự an lành theo thể thức "có thờ có thiêng, có kiêng có lành".
Cũng rất nhiều cư dân mạng cũng chia sẻ về tập tục này quen thuộc của gia đình mình:
- "Nếu không có là hắn chua. Ngoại nói rứa" (Nếu không có là nó chua. Ngoại nói vậy).
- "Hèn chi mạ của mình cũng làm vậy mà không biết để làm gì" (Hèn chi mẹ của mình cũng làm vậy mà không biết để làm gì).
- "Nhà mình cũng như ri. Nấu chỉ xong cũng bỏ lên rứa, giờ vẫn giữ thói quen đó đến lớn" (Nhà mình cũng như thế này. Nấu cái gì xong cũng bỏ lên vậy, giờ vẫn giữ thói quen đó đến lớn).
- "Sợ người âm vọc vô đó" (Sợ người âm quậy vào đó).
-"Cái mẹo ni từ thời bà mẹ của mình, mình giờ học theo cũng làm y như vậy (Cái mẹo này từ thời bà mẹ của mình, mình giờ học theo cũng làm y như vậy).
Ngoài đặt bằng lá, nhiều gia đình cũng thường dùng hai cái đũa đặt chéo nhau hình chữ thập như một cách thay thế. Không ít người dùng mạng gật gù đồng tình vì giống thói quen của gia đình mình như "Nhà em ngâm xôi qua đêm cũng bỏ đôi đũa vào" , "Mình cũng quen tay cứ để 2 cây đũa vắt chéo" ,...

Ảnh minh họa.
Ở Huế, mỗi khi nói đến việc giữ gìn đồ ăn hay bảo quản thực phẩm, người ta thường nhắc đến cụm từ "ngâu vọc" như một thói quen quen thuộc. "Ngâu vọc" - theo cách nói dân dã của người Huế mang ý nghĩa chỉ sự nghịch ngợm, phá phách, hay nói cách khác là hành động làm hỏng, làm hư hại một điều gì đó vốn đang yên lành. Trong đời sống ẩm thực, từ "ngâu vọc" lại càng trở nên gần gũi hơn, bởi nó ám chỉ tình trạng thức ăn bị hỏng, ôi thiu, mất đi hương vị ban đầu.

Vì thế, người Huế từ xưa không chỉ hình thành thói quen che đậy, đậy nắp kỹ càng các món ăn trong mâm cơm, không chỉ để ngăn côn trùng hay bụi bẩn, mà còn thêm thói quen đánh dấu bằng chữ thập để ngăn cái "ngâu vọc" vô hình của khí hậu và thời gian làm hỏng hương vị thanh khiết của món ăn. Với họ, giữ được mâm cơm ngon trọn vẹn không chỉ là chuyện ẩm thực đơn thuần, mà còn là giữ trọn sự tinh tế, gọn gàng và nếp sống tỉ mỉ đã ăn sâu vào đời sống thường ngày. Vì vậy, cái "ngâu vọc" ấy, dù chỉ là một cách nói dân gian, nhưng lại phản ánh rất rõ nét sự cẩn trọng, tinh tế và có phần kỹ lưỡng trong cách người Huế gìn giữ những giá trị đời sống, dù là nhỏ nhất.