Conic Boulevard

‘Tây Thi bán đào’ xứ tỷ dân: Nhan sắc xinh đẹp như minh tinh, nhưng câu chuyện ‘một tay gánh vác cả gia đình’ phía sau còn nức lòng hơn nữa!

Một cô gái nông thôn, dùng tay trái nâng đỡ năm tháng của cha mẹ và người thân, tay phải viết nên những vì sao của riêng mình, trở thành chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình.

Ở thôn Nam Tư Mã, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, có một cô gái trẻ 27 tuổi tên "Lý Phúc Quý". Trong video, cuộc sống thường ngày của Lý Phúc Quý là làm ruộng, bày sạp bán hàng. Cô thường xuyên xuất hiện ở ruộng đồng, chợ rau, phiên chợ và các con đường làng quê. Trong ấn tượng của nhiều người, việc rong ruổi khắp nơi để bày sạp buôn bán là rất vất vả. Phải dậy sớm về khuya, chịu nắng chịu gió, công việc mà phần lớn giới trẻ đều không muốn làm.

Thực ra, vài năm trước, Lý Phúc Quý cũng giống như bao cô gái trẻ khác, từng làm công sở ở thành phố. Cô có ngoại hình ưa nhìn, cao ráo - khó ai có thể đoán được cô xuất thân từ đâu, hay đã trải qua điều gì. Sau này, cô quay về quê để gánh vác gia đình, và nổi tiếng nhờ công việc bán hàng rong. Vậy đằng sau câu chuyện ấy là điều gì?

01.

Lý Phúc Quý, tên thật là Lý Á, sinh năm 1998 trong một gia đình nông thôn ở thành phố Vệ Huy, Tân Hương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Gia đình cô không chỉ nghèo, mà trong mắt người dân trong làng còn rất "khác thường". Cha cô chỉ có trí tuệ như một đứa trẻ 5 tuổi, có giấy chứng nhận khuyết tật, chỉ học đến lớp 2 tiểu học. Việc cưới vợ rất khó khăn, mãi mới nhờ mai mối cưới được mẹ của Lý Phúc Quý. Mẹ cô thì bẩm sinh bị tật, không biết nói chuyện, không tự đi vệ sinh, không thể tự lo sinh hoạt cá nhân, vóc dáng chỉ như một đứa trẻ sáu, bảy tuổi.

Thế nhưng, Lý Phúc Quý lại cao ráo, nước da trắng, gương mặt xinh xắn, hoàn toàn không thừa hưởng khuyết tật từ bố mẹ. Hàng xóm đều nói cô là con nuôi, như một "thiên thần" lạc vào gia đình đặc biệt này.

Vì bố mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, từ nhỏ cô sống cùng ông bà nội. Hai ông bà cần cù, tháo vát, dốc hết sức xây nhà mới cho bố và chú của Phúc Quý, đồng thời cũng nuôi lớn cô. Nhiều năm chứng kiến ông bà vất vả, cô ghi nhớ trong lòng, xót xa trong tim. Năm 2013, để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, cô gái còn nhỏ tuổi đã quyết định nghỉ học, lên thành phố Tân Hương đi làm.

Lúc mới bắt đầu, lương của cô chưa đến 1000 tệ (khoảng 3,5 triệu đồng), nhưng vẫn gửi về nhà một nửa, dù bản thân sống rất eo hẹp.

Năm 2017, muốn học một nghề, Lý Phúc Quý xin làm trợ lý trang điểm ở một studio. Cũng như ông bà, cô không ngại vất vả. Sau nửa năm, lương tăng lên 2500 tệ (khoảng 9 triệu đồng), cô còn học được kỹ năng quay và chỉnh sửa video - thu nhập và tay nghề cùng lúc tăng, đủ để cô ổn định cuộc sống ở thành phố.

Cô gái có ngoại hình ưa nhìn, tính cách hòa nhã ấy sau đó đã kết hôn với một người thành phố, bước vào một giai đoạn mới trong đời. Một mình bươn chải bên ngoài, sự nghiệp, hôn nhân và cuộc sống của cô ngày càng khởi sắc.

Nhưng đời không như là mơ. Khoảng năm 2018, người chú vốn đã có vấn đề về trí tuệ bị tai nạn lao động, chân bị thương nặng, sau phẫu thuật để lại di chứng, đi lại khập khiễng, trở thành người khuyết tật nặng hơn, chỉ có thể làm việc vặt trong làng.

Năm 2020, bà nội của Phúc Quý qua đời. Vợ của chú từ nơi khác gả về, không chịu nổi áp lực của gia đình giờ càng thêm khó khăn, đành "bỏ trốn" về nhà mẹ đẻ. Để đón thím về, ông nội dẫn theo Lý Phúc Quý và họ hàng lặn lội đến tận Quý Châu, nhưng cuối cùng vẫn bị từ chối. Nhà thím không cho quay lại, vì khi còn bà nội thì còn người cùng chia sẻ gánh nặng, hiện tại bà đã mất, nếu về, e là thím sẽ không chịu nổi.

Lý Phúc Quý hiểu và không trách thím. Nhưng sau khi thím rời đi, người em họ vừa trưởng thành, em gái họ còn đang học tiểu học, người chú khuyết tật, cha mẹ cô - tất cả đều rơi vào cảnh túng quẫn.

Gánh nặng nuôi cả nhà đổ dồn lên vai ông nội đã ngoài 80 tuổi. Gia đình yếu ớt đầy bệnh tật ấy, sau liên tiếp những biến cố, đã sắp sụp đổ. Lý Phúc Quý do ông nội nuôi lớn, tình cảm rất sâu đậm. Nhìn ông đã già lại còn phải chăm lo cho cả nhà, lòng cô đau như cắt.

Nếu chỉ sống tốt cho riêng mình, mà người thân vẫn chìm trong khốn khó, thì với cô điều đó không có ý nghĩa. Không ngờ, vào lúc ấy, cô cũng đánh mất cả hạnh phúc của chính mình.

Trong mắt nhà chồng, được gả vào nhà họ, là phúc phận lớn của cô. Bản thân Lý Phúc Quý cũng có phần tự ti về gia cảnh, trong hôn nhân cô không có tiếng nói. Dù đã nhún nhường rất nhiều, cuối cùng cô vẫn không giữ được cuộc hôn nhân ấy. Cùng lúc mất đi cả người thân và hôn nhân, Lý Phúc Quý thấm thía sự trêu ngươi của số phận.

Nhưng cô không muốn buông xuôi, cô muốn thay đổi cuộc đời đầy vết mục nát ấy, trở thành "trụ cột" của cuộc đời mình và của gia đình.

Cuối năm 2022, Lý Phúc Quý nghỉ việc, trở về quê. Nhưng một cô gái muốn dựa vào sức mình để mưu sinh và nuôi cả nhà nơi thôn quê, chắc chắn sẽ gặp muôn vàn gian khó.

‘Tây Thi bán đào’ xứ tỷ dân: Nhan sắc xinh đẹp như minh tinh, nhưng câu chuyện ‘một tay gánh vác cả gia đình’ phía sau còn nức lòng hơn nữa!- Ảnh 1.

02.

Sau khi quay về làng, Lý Phúc Quý nhận ra điều khó nhất chính là kiếm tiền. Trong nhà chỉ có vài mẫu ruộng, trong làng cũng không có công việc nào phù hợp với người trẻ. Người em họ vừa trưởng thành vì muốn tìm một công việc ổn định và có thể diện, không muốn đi làm vặt, nên đến giờ vẫn ở nhà chờ việc. Còn Lý Phúc Quý thì không nghĩ nhiều đến vậy, cô cho rằng trước tiên phải sống được đã, nên bắt đầu từ những việc trong khả năng, mỗi ngày đều cùng ông làm ruộng.

Mùa xuân, cô cùng ông nội chân trần tưới ruộng, cúi người xới đất bón phân cho cây đào, trưa không về nhà, chỉ ăn tạm hành tây với bánh quy làm bữa trưa. Việc nặng, việc bẩn, việc cực nhọc gì cô cũng tranh làm, chỉ cần cô làm nhiều hơn một chút, thì ông nội sẽ vất vả ít đi một chút. Đến mùa hè, đào chín, nhưng người thu mua chê đào còn xanh, chỉ mua một nửa, hơn 500kg còn lại không bán được, sợ sẽ hỏng hết ngoài đồng.

Nhìn ánh mắt lo lắng của ông, Lý Phúc Quý đánh liều quyết định tự mình lên thành phố bán đào. Cô mượn chị hàng xóm một chiếc xe ba bánh điện, canh lúc chú và cha nghỉ trưa, chất hơn 500kg đào lên xe. Sáng hôm sau, hơn ba giờ cô đã lên đường. Đèn đường còn chưa tắt, cô đã bắt đầu ngày làm việc.

Thật ra cô cũng chưa từng bán đào, nhưng cô biết đời người ở đâu cũng là thử thách, chỉ có thể dũng cảm đối mặt. Đối diện với dòng người qua lại, cô vừa rao: "Đào nhà trồng, ngọt lắm đây!", vừa mời mọi người nếm thử.

Từ lúc trời hửng sáng đến khi mặt trời lặn, Lý Phúc Quý đi khắp năm, sáu địa điểm khác nhau, đứng dưới cái nắng gần 40 độ suốt cả ngày, khát thì uống nước mang theo, đói thì ăn vài miếng bánh bao. Có khách thấy cô còn đứng bán giữa trưa nắng, khuyên cô về nghỉ ngơi, nhưng vì chưa bán hết, cô không muốn quay về.

May mắn thay, cô buôn bán thật thà, nhiệt tình, lại còn chủ động bớt tiền cho khách. Vài ngày sau, đào đã bán hết, cô vui mừng trở về báo tin cho ông. Ông nội bưng một bát canh nóng từ trong nhà ra, ông chẳng hỏi đến tiền, chỉ dặn cô ăn cơm cho đàng hoàng.

Trong mắt cô, cuộc sống rất vất vả, gia đình thì nghèo, nhưng tình yêu thương của người thân khiến cô cảm nhận được hạnh phúc chân thực. Những ngày không có đào để bán, cô học cách làm bánh rán, rồi đem rau ra chợ bán. Ban ngày bán hàng, buổi tối cô cắt ghép video, chia sẻ cuộc sống của mình lên mạng xã hội. Dù là làm ruộng hay bán hàng, dù là trời nắng chang chang hay mưa gió bão bùng, trên gương mặt cô luôn là nụ cười rạng rỡ, sự nhiệt huyết với cuộc sống chưa bao giờ tắt.

Từng chút một, cô dựa vào việc bán hàng rong để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng Lý Phúc Quý còn có mong muốn lớn hơn: làm cho gia đình và môi trường sống của họ trở nên tốt đẹp hơn. Cô muốn dốc toàn lực để cứu lấy gia đình đang ngập trong khốn khó ấy - dù chỉ là những mảnh vá chắp nối.

‘Tây Thi bán đào’ xứ tỷ dân: Nhan sắc xinh đẹp như minh tinh, nhưng câu chuyện ‘một tay gánh vác cả gia đình’ phía sau còn nức lòng hơn nữa!- Ảnh 2.

03. Dù ở khe sâu cũng phải ngẩng cao đầu nhìn trời cao

Căn bếp cũ kỹ trong nhà đã xuống cấp trầm trọng, Lý Phúc Quý dùng số tiền mình kiếm được thuê thợ đến đập bỏ bếp cũ, lắp bếp mới và các dụng cụ nhà bếp hiện đại, chẳng mấy chốc căn bếp trở nên sáng sủa như mới.

Sân nhỏ trong nhà cũng được cô dọn dẹp cẩn thận từng góc một. Vừa bước vào sân là thấy ngay nhiều chậu cây xanh mướt, tràn đầy sức sống. Lại gần mới thấy giá để cây màu xanh bạc hà là do Lý Phúc Quý ghép từ những tấm gỗ, chậu hoa thì dùng nón rơm và bao bì đan lát để trang trí, trên những cành cây vươn vào từ bên ngoài bức tường còn treo vài chiếc chuông gió.

Bên trong nhà được dọn dẹp ngăn nắp sạch sẽ, hoa văn trên cửa sổ, rèm cửa và vỏ bọc gối tựa ghế sofa đều là do cô tự tay làm, trên tường treo ảnh gia đình ấm áp và những bức ảnh đời thường.

Hễ có mặt ở nhà, Lý Phúc Quý đều tự tay nấu cơm cho cả nhà, chăm sóc cha mẹ chu đáo, cắt tóc rửa mặt cho mẹ, dạy mẹ đi vệ sinh, như chăm sóc một đứa trẻ. Cô còn dùng tiền mình kiếm được để đưa ông đi du lịch, ngắm nhìn thế giới bên ngoài - đó là lần đầu tiên trong đời ông được bước ra khỏi làng. Cô đưa cả nhà đi chợ phiên, ăn lẩu, ăn kem, chia sẻ với mọi người những điều mới mẻ và tốt đẹp.

Vì bỏ học sớm, để bù lại kiến thức và kỹ năng, khi rảnh cô còn đọc sách. Những việc mà cô yêu thích không chỉ khiến bản thân vui vẻ, mà cả gia đình cũng dần chuyển biến tích cực.

Sự cố gắng của cô đã mang lại nhiều màu sắc cho ngôi nhà. Môi trường sống trở nên tươi đẹp hơn, tiếng thở dài của ông nội cũng ít hơn, người mẹ vốn không biết nói đã biết tự đi vệ sinh và có thể nói vài câu đơn giản, cha cũng giao tiếp với gia đình nhiều hơn - cuộc sống dần dần tràn đầy hy vọng...

Cùng lúc giúp cả gia đình chuyển mình, bản thân Lý Phúc Quý cũng trưởng thành hơn. Trước đây, trong cuộc hôn nhân đầu, cô từng tự ti vì cha mẹ mình, nhưng giờ cô cho rằng chẳng cần để tâm nữa - số phận trao tay lá bài nào, thì cứ mạnh dạn mà đánh.

Vì ngoại hình khác xa cha mẹ, thường có người hỏi: "Rốt cuộc là con ruột hay con nuôi?" Lý Phúc Quý chỉ có một câu trả lời duy nhất: "Điều đó không quan trọng. Đã là sự sắp đặt của cuộc sống, thì điều tôi nên làm là sống cho thật rực rỡ."

Khi đi chợ phiên, cô dẫn mẹ theo cùng. Ông nội nói sẽ có người chê cười, nhưng cô đã đủ mạnh mẽ để không quan tâm đến ánh mắt khác lạ của người ngoài. Giữa đám đông, cô gái cao lớn ấy luôn nắm chặt tay người mẹ bé nhỏ.

Trong mắt cô, cuộc sống đẹp nhất chính là giây phút hiện tại. Bản thân còn trẻ, cha và chú chăm chỉ, ông nội vẫn khỏe, người thân đồng lòng - cùng nhau xây đắp tổ ấm như mơ ước. Sự lương thiện của cô không chỉ chữa lành gia đình mà còn sưởi ấm nhiều người khác. Vì chính mình từng đi qua khổ đau để thấy hy vọng, nên cô rất thấu hiểu nỗi vất vả của người khác, và luôn dang tay giúp đỡ khi có thể.

Khi đi bán bánh ở nông thôn, cô thăm hỏi những đứa trẻ bị bỏ lại quê, mua quần áo, đồ dùng học tập, đồ ăn vặt cho chúng, thấy bàn tay bé gái bị nẻ vì lạnh, cô mua kem dưỡng và dặn phải bôi thường xuyên.

Khi bán bánh rán, cô thường gặp một ông lão sống bằng nghề nhặt rác, sợ ông đói, lần nào cũng tặng ông một chiếc bánh nóng hổi. Các cô chú lớn tuổi khi mua bánh của cô, được cô giảm giá hoặc tặng thêm, gọi cô trìu mến là "con gái". Có lẽ, sự tử tế không bao giờ chìm vào hư không, cô cũng được bao bọc bởi những yêu thương mộc mạc. Lúc đến cửa hàng mua xe ba bánh, ông chủ cảm phục lòng hiếu thảo và sự dũng cảm của cô nên giảm giá lớn cho cô. Khi bán đào, có cụ già sau khi mua xong vẫn nhiệt tình đứng lại giúp cô trông quầy hàng cho đến khi cô rời đi. Một chị gái vì muốn cô về sớm nên cố ý mua nhiều hơn. Tối đến, khi cô bán rau trước cổng khu dân cư, các cô bác dặn dò: "Tối rồi, không an toàn đâu, mau về nhà đi, bác giới thiệu khách cho con."

Hơn 1 triệu người xem video của cô trên mạng đã cảm động, thi nhau bấm thích, bình luận và cổ vũ cô: "Nếu cuộc sống mệt mỏi quá, tôi sẽ xem video của bạn, thấy mọi thứ của mình chẳng có gì là khó cả, rồi lại muốn yêu đời hơn."; "Thương bạn lắm!"; "Một cô gái như vậy nhất định sẽ khổ tận cam lai, phúc lộc đầy nhà!"

Mọi người thương cô vì hoàn cảnh gia đình không tốt, cuộc sống chẳng dễ dàng.

Còn cô lại nói: "Tôi rất hạnh phúc, thật ra tôi chỉ đang làm một việc rất đơn giản - thay đổi gia đình mình thôi. S ử Thiết Sinh mất cả hai chân nhưng vẫn yêu cuộc sống. Nếu nói tôi khổ, thì có rất nhiều người còn khổ hơn tôi, mà họ vẫn yêu đời, vậy thì tôi lành lặn thế này, sao lại không sống tốt cho được?"

Hiện tại, cuộc sống của Lý Phúc Quý và gia đình ngày càng khấm khá hơn. Như cô từng nói trong một cuộc phỏng vấn: "Đừng để sự sợ hãi lấn át cuộc sống, hãy sống sao cho thật nồng nhiệt rực rỡ - dù ở nơi khe sâu, cũng phải ngẩng đầu nhìn trời sao."

‘Tây Thi bán đào’ xứ tỷ dân: Nhan sắc xinh đẹp như minh tinh, nhưng câu chuyện ‘một tay gánh vác cả gia đình’ phía sau còn nức lòng hơn nữa!- Ảnh 3.

04

Có lẽ, cuộc sống đã đặt ra cho Lý Phúc Quý rất nhiều thử thách, nhưng cô không ngồi chờ cơn bão qua đi, mà học cách từng bước tiến về phía trời quang giữa giông tố. Một cô gái nông thôn, dùng tay trái nâng đỡ năm tháng của cha mẹ và người thân, tay phải viết nên những vì sao của riêng mình, trở thành chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình.

Đối với cô, hiếu thảo không phải là sự hy sinh, mà là huy chương của người vượt khó.

Cô luôn mỉm cười đối mặt với cuộc đời. Cuối cùng, xin chúc cô gái dũng cảm và nhân hậu Lý Phúc Quý cùng gia đình ngày càng tốt đẹp hơn, và cũng chúc chúng ta - bất kể nắng hay mưa - đều sống trọn vẹn một ngày thật tươi đẹp trong cuộc đời!