"Học tiếng Trung không?"
Chắc hẳn bạn đã từng được bạn bè "rủ rê" học tiếng Trung theo kiểu này rồi phải không? Và nếu hỏi vì sao, câu trả lời chắc chắn sẽ là: "Tiếng Trung dạo này nổi lắm!", "Học tiếng Trung là có thể giao tiếp với hàng tỷ người đấy!", "Biết tiếng Trung thì tìm việc dễ dàng hơn nhiều!"…
Nếu bạn chưa biết, thì tiếng Trung hiện là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, ngôn ngữ này cũng đang trở thành xu hướng cực kỳ hot. Biết tiếng Trung giờ giống như có trong tay một chiếc "thẻ vip" giúp bạn mở ra cả một thế giới mới – từ việc xem phim Trung Quốc mà không cần phụ đề, tham gia vào các cộng đồng sôi động, đến việc phát triển sự nghiệp tại những công ty lớn có liên quan đến thị trường Trung Quốc.

Người trẻ Việt mê tiếng Trung chỉ sau tiếng Anh
Tiếng Trung hiện nay đang trở thành một "hot trend" mà ai cũng không thể bỏ qua. Theo thống kê từ Duolingo, tiếng Trung là một trong năm ngoại ngữ có lượng người học tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu, chỉ sau tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Đặc biệt, trong bốn năm gần đây, tiếng Trung đã vươn lên chiếm vị trí thứ hai chỉ sau tiếng Anh trong lòng các bạn trẻ Việt.
Lướt Facebook một phút, trúng ngay 10 bài về PR trung tâm tiếng Trung!
Nếu bạn thử tìm kiếm từ khóa "tiếng Trung" trên Facebook, Instagram hay TikTok, chắc chắn sẽ bị choáng ngợp bởi hàng nghìn kết quả từ các hội nhóm học tiếng Trung, với hàng triệu thành viên tham gia. Tại đây, mọi người chia sẻ đủ thứ: từ cách học hiệu quả, bí quyết thi HSK đạt điểm cao, đến những review về giáo trình hay trung tâm học uy tín mà lại cực kỳ phải chăng.
Và khi “cầu” tăng cao, chắc chắn “cung” cũng thế mà tăng lên vù vù. Lướt mạng xã hội, bạn sẽ thấy vô số khóa học tiếng Trung, từ online đến offline, lớp nào cũng kín chỗ chỉ trong một thời gian ngắn. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì học tiếng Trung giờ không chỉ đơn thuần là học một ngôn ngữ mới, mà còn là chìa khóa mở ra vô vàn cơ hội nghề nghiệp. Sự hội nhập và giao lưu quốc tế đã khiến tiếng Trung trở thành một kỹ năng quan trọng và không thể thiếu trong thế giới hiện đại.



Nếu tìm kiếm "tiếng Trung" trên Facebook, Instagram hay TikTok, bạn sẽ choáng ngợp bởi hàng nghìn hội nhóm học tiếng Trung với hàng triệu thành viên.
Tiếng Trung hiện diện ở "đa vũ trụ"
Tiếng Trung không chỉ có mặt trong lớp học hay sách vở, mà còn ở khắp mọi nơi. Ra quán cà phê, bạn sẽ dễ dàng nghe Gen Z bàn nhau học tiếng Trung để xem phim không cần sub. Rồi tiếng Trung xuất hiện trên biển quảng cáo của công ty Trung Quốc, bảng hiệu trong khu công nghiệp, và nhân viên ở đây cũng sử dụng tiếng Trung để giao tiếp hàng ngày luôn.
TikTok cũng không phải ngoại lệ khi tiếng Trung đang "làm mưa làm gió" qua hàng loạt livestream hot. Những video từ các bạn trẻ thể hiện tài năng múa hát, chia sẻ bí quyết học tiếng Trung hay review các bộ phim truyền hình nổi tiếng luôn thu hút hàng triệu lượt xem và tương tác.
Tóm lại, bạn dễ dàng bắt gặp tiếng Trung ở bất cứ đâu.
Việt Nam giữ kỷ lục về số người đăng ký thi HSK
Khi đã tìm hiểu về tiếng Trung, chắc chắn bạn sẽ không còn lạ với HSK (Kỳ thi kiểm tra trình độ Hán ngữ) - kỳ thi quốc tế đánh giá khả năng sử dụng tiếng Trung của người học, bao gồm sáu cấp độ từ dễ đến khó. Còn Viện Khổng Tử tại Đại học Quốc gia Hà Nội là tổ chức chuyên giảng dạy tiếng Trung và giới thiệu văn hóa Trung Quốc. Viện cũng là đơn vị tổ chức kỳ thi HSK tại Việt Nam, giúp học viên chuẩn bị và tham gia kỳ thi này.
Theo thông tin Viện Khổng Tử tại trường Đại học Hà Nội, dữ liệu mới nhất do Công ty TNHH Quốc tế Chinese Test của Trung tâm Hợp tác Giao lưu Ngôn ngữ giữa Trung Quốc và nước ngoài thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc (CLEC) hiển thị, trong quý I năm 2025, số thí sinh đăng ký thi HSK (kỳ thi năng lực Hán Ngữ) tại điểm thi Viện Khổng Tử, trường Đại học Hà Nội đã đạt 9.941 lượt, xếp vị trí dẫn đầu toàn cầu.
Chia sẻ với tờ Nhân dân Nhật báo điện tử, ông Đàm Vĩnh Hoa - Viện trưởng phía Trung Quốc của Viện Khổng Tử, trường Đại học Hà Nội cho biết, kể từ khi tổ chức kỳ thi, điểm thi đã tổ chức hơn 50 đợt thi với tổng số thí sinh vượt 70.000 lượt. Về phần Viện Khổng Tử trường Đại học Hà Nội, từ khi thành lập vào năm 2014, nơi này đã đào tạo hơn 20.000 học viên học tiếng Trung. Ngoài việc mở các khóa học tiếng Trung, Học viện còn thường xuyên tổ chức các sự kiện như "Nhịp cầu Hán ngữ", "Tuần lễ Văn hóa Trung Quốc"... giúp hơn 100.000 người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm văn hóa Trung Quốc.



Viện Khổng Tử tại trường Đại học Hà Nội thường xuyên tổ chức các sự kiện kết nối văn hóa.
Ngoài Viện Không tử tại Đại học Hà nội, hiện nay, Việt Nam có 13 trung tâm khảo thí HSK đã phục vụ hơn 200.000 thí sinh Việt Nam như tại Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội); Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Sư phạm Hà Nội 2… Theo Ông Trịnh Đại Vỹ - Tham tán Giáo dục Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, số lượng thí sinh thi HSK tại Việt Nam đứng thứ 2 thế giới trong hai năm liên tiếp.
Là "trùm" điểm chuẩn trong nhóm ngành ngoại ngữ
Hiện nay, có hơn 10.000 học sinh tiểu học và trung học ở Việt Nam, hơn 30.000 sinh viên đại học đang học tiếng Trung. Với sự phổ biến ngày càng tăng của tiếng Trung, không có gì bất ngờ khi nhiều trường đại học và cao đẳng mở ngành này và số lượng thí sinh đăng ký học cũng đang tăng mạnh. Theo thống kê năm 2025, cả nước có hơn 60 trường đại học và cao đẳng đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, và những trường đại học hàng đầu như Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN, Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại thương Hà Nội đều có chương trình đào tạo bài bản về tiếng Trung, với chỉ tiêu tuyển sinh từ 60 đến 300 chỉ tiêu mỗi trường.
Chưa hết, điểm chuẩn của ngành Ngôn ngữ Trung đang khiến nhiều thí sinh phải "ngỡ ngàng". Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, ngành Ngôn ngữ Trung tại Đại học Hà Nội vươn lên đứng đầu với 35,80 điểm (thang 40), vượt qua cả Ngôn ngữ Hàn, ngành thường xuyên có điểm chuẩn cao nhất trong những năm trước. Tương tự tại Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cũng ghi nhận mức điểm chuẩn "khủng" lên tới 37,00 điểm, trở thành ngành có điểm chuẩn cao nhất trong số các ngành đào tạo ngôn ngữ (không tính nhóm ngành sư phạm). Đặc biệt, tại Đại học Ngoại thương, ngành Tiếng Trung thương mại cũng gây chú ý với điểm chuẩn 28,5 – mức điểm cực kỳ ấn tượng.

Điểm chuẩn ngành Ngôn ngữ Trung ở một số trường đại học


Điểm chuẩn ngành Ngôn ngữ Trung tại HANU và ULIS mấy năm trở lại đây cao "ngất ngưỡng".
Không chỉ ngành thuần về tiếng, những ngành đào tạo có liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc cũng có điểm chuẩn "đỉnh nóc, kịch trần". Theo đó, muốn đỗ vào chuyên ngành Trung Quốc học khối C00 (Văn, Sử, Địa) của Học viện Ngoại Giao bạn phải đạt 29,2 điểm - đây là ngành giữ vị trí "Á quân" điểm chuẩn năm 2024, chỉ sau ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử (29,3) của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tương tự, 28,83 là số điểm tối thiểu bạn phải đạt được nếu muốn trúng tuyển vào ngành Đông Phương học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tiếng Trung đang trở thành một "hot trend" trong giới trẻ Việt Nam, không chỉ vì sự phổ biến của nền văn hóa Trung Quốc mà còn vì nó có nhiều điểm tương đồng với tiếng Việt. Tiếng Trung sở hữu một loạt từ vựng và cấu trúc câu có sự giao thoa với Hán - Việt, những từ mà chúng ta vẫn dùng hàng ngày như "học" (学), "y học" (医学), hay "chính trị" (政治). Chính vì thế, các bạn trẻ Việt dễ dàng tiếp cận tiếng Trung mà không cảm thấy quá khó khăn, vì phần nào đã có sẵn "vốn liếng" Hán - Việt từ trước rồi.
Ngoài ra, sự tương đồng văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng làm cho tiếng Trung trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Các món ăn Trung Quốc như dimsum, lẩu, mì vằn thắn... là những món quen thuộc mà giới trẻ Việt yêu thích, khiến việc "hòa nhập" với tiếng Trung trở nên dễ dàng. Thêm vào đó, sức hút mạnh mẽ từ văn hóa đại chúng Trung Quốc, từ những bộ phim cổ trang đình đám một thời như Hoàn Châu Cách Cách, Tam Sinh Tam Thế, Diên Hi Công Lược, Hậu Cung Như Ý Truyện... cho đến các bộ phim ngôn tình thời gian gần đây như Khó Dỗ Dành, Yêu Em... từ âm nhạc C-pop đến các thể loại tiểu thuyết tiếng Trung, càng khiến giới trẻ không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của ngôn ngữ này.
Liên quan đến vấn đề này, cô Đinh Thị Thanh Nga - Trưởng Khoa tiếng Trung Quốc, trường Đại học Hà Nội chia sẻ: "Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước láng giềng hữu nghị, có nền văn hóa tương đồng nên việc biết tiếng Trung giúp bạn hiểu biết thêm về nước bạn, nhằm thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Hiện nay, tiếng Trung rất phổ biến và ngày càng khẳng định sự quan trọng của mình trong tất cả các lĩnh vực".

Cô Đinh Thị Thanh Nga - Trưởng Khoa tiếng Trung Quốc, trường Đại học Hà Nội
Xu hướng học "combo 2 ngoại ngữ" cùng lúc
Ngày nay, xu hướng học "combo ngôn ngữ" đang trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều phụ huynh và Gen Z. Không chỉ dừng lại ở việc học tiếng Anh, các bạn trẻ còn tích cực học thêm tiếng Trung để tăng lợi thế cạnh tranh trong tương lai. "Tiếng Anh là vé vào thế giới, còn tiếng Trung là chìa khóa mở cửa thị trường 1,4 tỷ dân!" – đó chính là lý do vì sao việc học song song hai ngôn ngữ này trở thành trào lưu.
Thực tế, theo khảo sát từ các trung tâm ngoại ngữ, số lượng học sinh chọn học cả tiếng Anh và tiếng Trung đang tăng mạnh, đặc biệt là ở các trường phổ thông và các lớp học bổ trợ. Điều này không chỉ giúp các bạn mở rộng cơ hội nghề nghiệp mà còn dễ dàng tiếp cận các nền văn hóa và thị trường lớn trên thế giới.
"Cơ hội việc làm cho người học tiếng Trung sau khi ra trường là rất cao vì có rất nhiều các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam và mở ra các khu công nghiệp thu hút số lượng lớn về nhân sự. Hơn nữa rất nhiều gia đình hiện nay mong muốn con mình học cả 2 ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Trung, vì họ tin rằng, việc thành thạo cả 2 ngôn ngữ này sẽ mang đến một tương lai tươi sáng cho con mình", cô Đinh Thị Thanh Nga nhận định.
Thêm nữa, Trung Quốc hiện nay là một trong những quốc gia nằm trong top 7 lựa chọn của các bạn trẻ Việt khi đi du học. Những trường đại học nổi tiếng như Bắc Kinh, Thanh Hoa, Phúc Đán… thu hút đông đảo sinh viên Việt tìm đến học hỏi và phát triển.

Học giỏi tiếng Trung mở ra vô vàn cơ hội.
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho những "học bá" tiếng Trung
Không chỉ mở ra "cánh cửa" du học, mà khi thành thạo tiếng Trung, cơ hội việc làm cũng rất rộng mở. Theo thống kê, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong khảo sát công bố năm 2024 đạt đến 98,8% tại Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN và 90% tại Đại học Hà Nội. Đặc biệt, Đại học Ngoại thương đạt con số 100% sinh viên có việc làm trong ngành Tiếng Trung thương mại, một con số đáng mơ ước đối với các ngành học khác. Mức lương sau khi ra trường dao động với con số từ 7-9 triệu đồng/tháng cho sinh viên mới ra trường, và có thể lên tới 30 - 50 triệu đồng/tháng đối với những người có trên 5 năm kinh nghiệm.
Tuy nhiên, đó không phải là tất cả bởi theo đánh giá của cô Đinh Thị Thanh Nga, mức lương của ngành này sau khi ra trường phụ thuộc chủ yếu vào năng lực và kinh nghiệm chuyên môn của người lao động, chứ không phải chỉ dựa trên danh tiếng của trường đào tạo. Nếu bạn có năng lực, mức thu nhập có thể cao hơn rất nhiều. Cụ thể, ngay trong cùng một đợt tốt nghiệp của HANU, có bạn lương 10-12 triệu đồng/tháng, nhưng cũng có bạn được trả mức 20-25 triệu đồng/tháng. Điều này phản ánh rằng, doanh nghiệp tuyển dụng dựa trên khả năng đáp ứng công việc thực tế, kỹ năng giao tiếp, dịch thuật, thuyết trình và đàm phán bằng tiếng Trung chứ không chỉ dựa vào tấm bằng.
Và khi tiếng Trung trở thành công cụ đắc lực cho cả công việc và học tập, nó giúp giới trẻ Việt dễ dàng kết nối với các doanh nghiệp lớn Trung Quốc như Alibaba, Huawei, hay TikTok.

Tiếng Trung quả thật không dễ học, đặc biệt là khi bạn bắt đầu làm quen với chữ Hán và các thanh điệu. Chữ Hán không giống bất kỳ hệ chữ nào bạn đã biết, vì mỗi chữ đều có hình dáng và ý nghĩa riêng, không phải chỉ là một ký tự. Cộng thêm các thanh điệu trong phát âm, nếu không cẩn thận, bạn sẽ dễ bị nhầm lẫn và khiến người nghe không hiểu. Nhưng đừng lo, dù khó, mọi thứ đều có thể học được nếu kiên trì và có phương pháp đúng.
Đầu tiên, phải kiên trì với chữ Hán và phát âm – hai thứ gây "đau đầu" nhất. Để không bị nản, hãy tập viết 10 chữ Hán mỗi ngày và tranh thủ nghe podcast tiếng Trung khi đi xe bus hoặc trên đường đi học. Việc luyện nghe sẽ giúp bạn cải thiện phát âm nhanh chóng đấy!
Còn về việc chọn nguồn học, đừng "sập bẫy" những khóa học "học nhanh, nói ngay" mà không đảm bảo chất lượng. Thay vào đó, hãy tìm trung tâm có giáo viên bản ngữ hoặc các khóa học online uy tín như Duolingo, HSK Online để học bài bản.
Một mẹo nữa để giữ động lực là kết hợp học với văn hóa. Hãy thử xem phim Trung, nghe nhạc C-pop, hay tham gia những cộng đồng học tiếng Trung uy tín trên Facebook. Vừa học, vừa vui, lại vừa giúp bạn không cảm thấy nhàm chán.
Học tiếng Trung không phải là một cuộc đua, mà là một hành trình dài, vì thế việc đặt mục tiêu rõ ràng từ đầu là cực kỳ quan trọng. Bạn học để thi HSK? Hay để du học hoặc làm việc với các công ty lớn? Nếu muốn gia nhập các tập đoàn khổng lồ này, bạn sẽ cần ít nhất HSK 5 đấy. Xác định mục tiêu sẽ giúp bạn chọn đúng lộ trình học, từ đó đạt được hiệu quả nhanh chóng.
Bên cạnh đó, quản lý thời gian hợp lý cũng là chìa khóa thành công. Học đều đặn mỗi ngày, dù chỉ 30 phút, nhưng bạn sẽ thấy tiến bộ rõ rệt sau vài tháng. Nếu bạn duy trì, sau 6 tháng, khả năng giao tiếp cơ bản sẽ không còn là điều xa vời.
Cuối cùng, đừng quên cập nhật xu hướng nghề nghiệp hiện tại. Tiếng Trung đang mở ra rất nhiều cơ hội trong các ngành như phiên dịch, thương mại điện tử, du lịch, hay thậm chí công nghệ. Hãy nhanh chóng tìm hiểu và định hướng sớm để không bỏ lỡ cơ hội hấp dẫn trong tương lai!