Trung Quốc vừa công bố dự án mới, sở hữu công nghệ mà Mỹ đang thụt lùi, loạt doanh nghiệp xứ cờ hoa sang tận nơi thảo luận về cơ hội hợp tác

Các tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Mỹ sẽ đến Trung Quốc để thảo luận về các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giao thông đường sắt và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trung Quốc vừa công bố dự án mới, sở hữu công nghệ mà Mỹ đang thụt lùi, loạt doanh nghiệp xứ cờ hoa sang tận nơi thảo luận về cơ hội hợp tác- Ảnh 1.

1 tuần sau khi Trung Quốc tuyên bố hệ thống đường sắt siêu tốc mới đạt vận tốc 600 km/h, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo hủy bỏ khoản tài trợ liên bang trị giá 4 tỷ USD dành cho dự án đường sắt cao tốc tại bang California. Động thái này, đang bị chính quyền tiểu bang phản đối và đưa ra khiếu kiện, cho thấy 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đang đi theo những con đường rất khác nhau trong phát triển giao thông đường sắt.

Trong khi Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thế giới về tốc độ và quy mô phát triển hạ tầng đường sắt cao tốc, thì các dự án tại Mỹ lại gặp khó vì thiếu vốn, áp lực chính trị và mâu thuẫn lợi ích.

Tình trạng này càng lộ rõ khi diễn đàn Giao lưu Công nghiệp Đường sắt Mỹ - Trung diễn ra vào ngày 18/7 tại Triển lãm Chuỗi cung ứng Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh. Theo Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc, đơn vị tổ chức sự kiện, có 8 công ty Mỹ sẽ tham dự, bao gồm Westinghouse, Caterpillar, 3M, Cummins, Harsco Rail, Corning, Advanced Railway Technologies và Ibex Infrastructure.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp sẽ thảo luận các chủ đề như tiêu chuẩn kỹ thuật, đổi mới công nghệ, hệ thống cung ứng phụ trợ cho ngành đường sắt, cũng như tìm kiếm đối tác trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn đang được Trung Quốc triển khai ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.

Giáo sư Vương Nghị Vĩ, nguyên nhà ngoại giao Trung Quốc và hiện là Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nhận định rằng Mỹ đang tụt lại phía sau không phải vì thiếu tiềm lực công nghệ, mà là do “các rào cản chính trị và lợi ích tài chính ngắn hạn”.

Ông nói: “Tổng thống Trump đang nhắm vào bang California, không chỉ vì bất đồng về chính trị, mà còn nhằm mở đường cho người kế nhiệm do ông lựa chọn.”

Ông Trump đã đăng tải quyết định trên mạng xã hội, cho rằng dự án đường sắt cao tốc California là “quá đắt đỏ, bị siết quy định, không hiệu quả và hoàn toàn lãng phí tiền thuế của người dân.” Trong khi đó, Thống đốc bang California Gavin Newsom gọi hành động này là bất hợp pháp. Ông cho hay:“Chúng tôi đang trong giai đoạn rải đường ray, đây là dự án đường sắt cao tốc duy nhất tại Mỹ. California sẽ sử dụng mọi biện pháp pháp lý để bảo vệ dự án này.”

Thực tế, dự án đường sắt cao tốc California được khởi công cách đây 1 thập kỷ, với kế hoạch nối San Francisco và Los Angeles trong vòng chưa đến 3 giờ đồng hồ. Nhưng đến nay, chưa đầy 35% của giai đoạn một đã được thi công thực tế, do liên tục gặp trục trặc về ngân sách và tiến độ. Tình trạng này phản ánh rõ khó khăn chung của nước Mỹ trong phát triển đường sắt cao tốc, từ thiếu vốn đầu tư dài hạn đến sức ép từ các ngành công nghiệp vận tải truyền thống như hàng không và ô tô.

Ngược lại, Trung Quốc đã phát triển một mạng lưới đường sắt cao tốc đồ sộ trong vòng 2 thập kỷ qua. Từ con số gần như bằng không vào đầu những năm 2000, đến cuối năm 2024, nước này đã sở hữu hơn 48.000 km đường sắt cao tốc, lớn nhất thế giới. Theo Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc, mục tiêu năm 2025 là vượt mốc 50.000 km.

Thành công của Trung Quốc không đến từ sự “mạo hiểm”, mà là kết quả của kế hoạch dài hạn, đầu tư chiến lược và quản lý tập trung, theo Giáo sư Vương.

“Ngay cả khi không có lợi nhuận trước mắt, Trung Quốc vẫn xây dựng hạ tầng đường sắt để phục vụ chiến lược phát triển công nghiệp và điều phối vùng miền.” Ông cho rằng, đây là lý do khiến Trung Quốc không chỉ làm chủ công nghệ mà còn xuất khẩu thành công các dự án đường sắt ra toàn cầu.

Tại Triển lãm Đường sắt hiện đại lần thứ 17 vừa diễn ra tuần trước, Trung Quốc đã trình làng mẫu tàu đệm từ có vận tốc thiết kế 600 km/h, trở thành phương tiện trên mặt đất nhanh nhất từng được phát triển trong nước. Tàu sử dụng công nghệ lái tự động và trí tuệ nhân tạo (AI), do Tập đoàn CRRC, đơn vị đóng tàu lớn nhất thế giới, phát triển. Dự án này vừa hoàn thành giai đoạn kỹ thuật đầu tiên, đang tiếp tục được thử nghiệm độ an toàn và hiệu quả kỹ thuật trước khi đưa vào vận hành thương mại.

Không chỉ ưu tiên cho hạ tầng nội địa, Trung Quốc còn tăng cường xuất khẩu công nghệ và chuỗi cung ứng đường sắt. Các công ty Trung Quốc hiện đang tham gia vào nhiều dự án đường sắt cao tốc ở châu Á, châu Phi và châu Âu, tận dụng lợi thế sản xuất nội địa, chi phí thấp và tiến độ nhanh, điều mà các đối tác phương Tây khó cạnh tranh.

Trong khi đó, tham vọng đường sắt cao tốc của Mỹ, từng được cựu Tổng thống Barack Obama công bố từ năm 2009 với mục tiêu 80% dân số tiếp cận tàu cao tốc trong vòng 25 năm, đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Hiện tại, với quyết định cắt vốn của ông Trump, dự án California đứng trước nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn.

Theo SCMP