Conic Boulevard

Từ một thị xã nhỏ bé, nghèo nàn, "lột xác" ngoạn mục, bứt phá thành đô thị năng động, phát triển

Trong những năm gần đây, khu vực này đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế ổn định và mạnh mẽ.
Từ một thị xã nhỏ bé, nghèo nàn, "lột xác" ngoạn mục, bứt phá thành đô thị năng động, phát triển- Ảnh 1.

Tỉnh Kon Tum là một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam. Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Kon Tum, đây là vùng đất có biên giới giáp với 2 nước bạn Lào và Campuchia, có ngã ba Đông Dương, 1 tiếng gà gáy 3 nước đều nghe. Không chỉ thế, Kon Tum còn là khu vực nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung nên đây là vị trí đặc biệt quan trọng.

Năm 1991, tỉnh Kon Tum đã được tái thành lập, với thị xã Kon Tum là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh… Khi đó, đây chỉ là một thị xã nhỏ bé, nghèo nàn, dân cư ít.

Năm 2009, thành phố Kon Tum được thành lập. Nhờ nỗ lực của toàn thể cộng đồng, thành phố Kon Tum đã vươn mình trở thành một đô thị năng động, phát triển.

Từ một thị xã nhỏ bé, nghèo nàn, "lột xác" ngoạn mục, bứt phá thành đô thị năng động, phát triển- Ảnh 2.

Trong những năm gần đây, thành phố Kon Tum ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế ổn định và mạnh mẽ với 10,06% vào năm 2021, 11,95% vào năm 2022, 12,48% vào năm 2023 và năm 2024 khoảng 13,29%.

Cơ cấu kinh tế của thành phố đã dần chuyển dịch, với việc tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, đồng thời giảm tỷ trọng của ngành nông, lâm nghiệp. Đầu tư phát triển các lĩnh vực bài bản, theo chiều sâu.

Nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa đi vào chiều sâu. Trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất theo tiêu chí quy mô cánh đồng mẫu lớn và một số vùng trồng ứng dụng công nghệ cao đối với các sản phẩm có lợi thế như rau củ quả, cây ăn quả, mía, cà phê.

Đến nay, toàn thành phố có 16,24% diện tích đất nông nghiệp sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao có liên kết chuỗi giá trị. Thành phố có 91 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố, cấp tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 4 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được thành lập, trong đó 3 cụm đã đi vào hoạt động ổn định. Thành phố đang tập trung đầu tư phát triển cụm công nghiệp mới tại phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm. Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố ước đạt 4.265 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023.

Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ ngày càng diễn ra sôi động, nhất là hoạt động du lịch. Hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm của thành phố thu hút đông đảo du khách. Trong năm 2024, địa phương thu hút khoảng 900.000 lượt, tăng 100% so với năm 2023.

Điều này đã đem lại sự cải thiện đáng kể trong đời sống người dân. Thu nhập bình quân đầu người vào năm 2024 ước tính đạt 68,7 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,46% so với tổng số hộ dân toàn thành phố.

Cùng với phát triển kinh tế, thành phố cũng đầu tư chăm lo phát triển giáo dục, y tế, đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Công tác khám chữa bệnh, các chương trình mục tiêu về y tế, an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời...

Từ một thị xã nhỏ bé, nghèo nàn, "lột xác" ngoạn mục, bứt phá thành đô thị năng động, phát triển- Ảnh 3.

Trong 3 tháng đầu năm 2025, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,19% so với tháng 12 năm trước. Bình quân quý 1 năm 2025, CPI tăng 4,81% so với cùng kỳ năm trước.

Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện quý 1/2025 đạt 900 tỷ đồng, tổng chi NSNN thực hiện hiện đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 29,7% so với dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 109,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 6.150,4 tỷ đồng, tăng 14,27%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 12,55%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt 10.828,62 tỷ đồng, tăng 16,10%.