Tại Việt Nam, những bụi cây dại ít người để ý đôi khi lại ẩn chứa “mỏ vàng” giá trị kinh tế lẫn sức khỏe. Giảo cổ lam là một trong số đó.
Theo Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, cây giảo cổ lam có tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum. Cây còn được gọi là “ngũ diệp sâm”. Vị lương y cho hay, giảo cổ lam là thảo dược quý hiếm nổi tiếng với nhiều công dụng trong y học cổ truyền và hiện đại. Tại Việt Nam, cây này được phát hiện ở các vùng núi cao như Phan Xi Păng (Sa Pa, Lào Cai) và các khu vực núi đá vôi ở Hòa Bình.

Cây giảo cổ lam (Ảnh minh họa)
Giảo cổ lam được Trung Quốc yêu thích
Theo thông tin từ tạp chí Người Đưa Tin, tại Trung Quốc, giảo cổ lam còn được gọi là “nhân sâm phương Nam” hay “cỏ trường thọ”. Ông Sáng thông tin, trước đây, giảo cổ lam thường được một số thương lái Trung Quốc thu mua của người dân với giá cao. Loại cây này cũng trở thành dược liệu quý hiếm được ưa chuộng tại Trung Quốc, Nhật Bản với giá lên tới 1-4 triệu đồng/kg, báo Dân Trí thông tin.
Thế nhưng, tại Việt Nam, tác dụng của giảo cổ lam chỉ tình cờ được biết đến nhờ GS.TS.NGND Phạm Thanh Kỳ – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội. Ông từng uống trà giảo cổ lam khi sang Trung Quốc. Vào năm 1997, trong chuyến công tác tại Lào Cai, ông đã phát hiện cây giảo cổ lam trên núi Phan Xi Păng. Sau đó, giảo cổ lam mới được người Việt Nam chính thức nghiên cứu qua đề tài cấp quốc gia do GS Phạm Thanh Kỳ thực hiện - ông Sáng cho hay.
Kết quả nghiên cứu cho thấy giảo cổ lam chứa hơn 100 loại saponin dạng triterpen có cấu trúc tương tự nhân sâm và tam thất. Cây cũng chứa nhiều flavonoid chống lão hóa, các axit amin, vitamin và nguyên tố vi lượng như Zn, Fe, Se. Qua các thử nghiệm độc tính, cây được xác định an toàn.
Tác dụng của giảo cổ lam
Theo ông Sáng, giảo cổ lam có tính hàn, vị ngọt đắng. Một số tài liệu nghiên cứu khoa học từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc ghi nhận việc sử dụng trà giảo cổ lam có thể giúp giảm hàm lượng cholesterol xấu trong máu, đồng thời tăng cholesterol tốt, ngăn ngừa và cải thiện bệnh mỡ máu cao.
Nghiên cứu của GS Phạm Thanh Kỳ được đăng tải trên tạp chí Dược liệu năm 1999 đã chứng minh, sử dụng giảo cổ lam trong 30 ngày có thể giảm nhiều hơn 71% lượng cholesterol toàn phần trong cơ thể so với người không dùng.
Ông Sáng cho biết giảo cổ lam còn có tác dụng hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị đái tháo đường. Bởi trong cây có hoạt chất Phanoside giúp tăng mức độ nhạy cảm của tế bào với insulin.
Ngoài ra, theo ông Sáng, loại giảo cổ lam 5 lá còn chứa nhiều Adenosin. Đây là hoạt chất giúp ngăn chặn và giảm các cơn đau tim. Giảo cổ lam còn giúp giảm căng thẳng, hỗ trợ dễ ngủ và ngủ ngon.
Ông Sáng cho biết thêm, giảo cổ lam còn có nhiều tác dụng tích cực khác bao gồm tăng sức bền, bảo vệ tế bào gan khỏi độc tố, tăng cường miễn dịch, phòng chống ung thư và kéo dài tuổi thọ tế bào.
Ông Sáng khuyên những người có các vấn đề về tim mạch, mỡ máu cao, đái tháo đường, huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, hệ miễn dịch yếu hoặc sức đề kháng kém có thể dùng giảo cổ lam để hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, trẻ nhỏ dưới 6 tuổi và người bị chứng hư hàn như đổ mồ hôi nhiều, hơi thở ngắn, mệt mỏi, chân tay lạnh, kém chịu rét thì không nên dùng.