Tranh chấp phát sinh sau ly hôn
Năm 2023, bà Cao, một người phụ nữ đang sinh sống tại thành phố Nam Kinh (Trung Quốc), hoàn tất thủ tục ly hôn với chồng. Tuy nhiên, chỉ sau khi ly hôn không lâu, bà bất ngờ phải đối mặt với một khoản nợ lớn mà bản thân bà khẳng định hoàn toàn không biết đến.
Hôm đó, một người đàn ông họ Trương, chủ nợ, bất ngờ xuất hiện và yêu cầu bà Cao phải thanh toán khoản vay 750.000 NDT (gần 2,7 tỷ đồng). Ông Trương đưa ra hai văn bản pháp lý gồm hợp đồng vay tiền và hợp đồng thế chấp bất động sản có chữ ký và dấu vân tay mang tên bà Cao. Theo nội dung của các hợp đồng này, số tiền trên là khoản vay chung của hai vợ chồng bà Cao khi còn hôn nhân, thế chấp căn nhà chung mà họ cùng đứng tên.
Đối mặt với yêu cầu này, bà Cao cho biết bản thân chưa từng ký kết bất kỳ giấy tờ vay vốn hay thế chấp tài sản nào như vậy. Đồng thời, bà cũng không nhận được thông báo nào từ phía chồng cũ về việc vay tiền hay thế chấp nhà. Toàn bộ thông tin về khoản nợ và các hợp đồng liên quan đều hoàn toàn xa lạ đối với bà.
Do tranh chấp phát sinh, Tòa án nhân dân địa phương thuộc thành phố Nam Kinh đã thụ lý vụ việc để điều tra làm rõ. Trong quá trình điều tra, Tòa án xác định ông Cao - chồng cũ của bà Cao chính là người thực hiện toàn bộ giao dịch vay vốn và thế chấp căn nhà mà không thông qua ý kiến của vợ.
Theo Phó giám đốc Tòa án nhân dân, do căn nhà thuộc sở hữu chung của hai vợ chồng nên việc thế chấp bất động sản bắt buộc phải có sự đồng thuận của cả hai người. Tuy nhiên, ông Cao đã cố tình che giấu bà Cao và tìm một người phụ nữ có ngoại hình giống bà để mạo danh ký hợp đồng.

Ảnh minh hoạ
Cụ thể, ông Cao đã sử dụng giấy tờ tùy thân của bà Cao, thuê một người phụ nữ đóng giả vợ mình đến ký tên và lăn dấu vân tay vào hợp đồng vay tiền và hợp đồng thế chấp bất động sản. Sau khi hoàn tất thủ tục vay vốn trị giá 750.000 NDT, số tiền này được ông Cao sử dụng cho mục đích cá nhân mà không thông báo cho vợ.
Để làm rõ vụ việc, Tòa án đã tiến hành giám định chữ ký và dấu vân tay trên hợp đồng. Kết quả giám định xác nhận chữ ký và dấu vân tay đứng tên bà Cao trên các hợp đồng vay tiền và thế chấp bất động sản không phải của bà. Đây là bằng chứng quan trọng khẳng định giao dịch vay vốn và thế chấp nói trên được thực hiện bằng danh tính giả.
Trước tình huống này, bà Cao đề nghị Tòa án tuyên vô hiệu các hợp đồng và xác định trách nhiệm trả nợ thuộc về ông Cao, người đã tự ý vay tiền và thực hiện thế chấp bất hợp pháp. Đồng thời, bà cũng bác bỏ nghĩa vụ liên đới về khoản vay 750.000 NDT mà bản thân không hề biết hay ký kết.
Về phía chủ nợ Trương, người này cho rằng mình là bên cho vay thiện chí, đã thực hiện giao dịch dựa trên giấy tờ và hợp đồng hợp lệ do ông Cao cung cấp, đồng thời ký kết với sự có mặt của người tự nhận là bà Cao. Chủ nợ Trương yêu cầu Tòa án công nhận quyền ưu tiên thanh toán khoản nợ từ việc xử lý căn nhà thế chấp sau khi bán hoặc đấu giá.
Phán quyết cuối cùng từ Tòa án và nguyên tắc pháp lý

Ảnh minh hoạ
Tòa án nhận định, do bà Cao không biết và không tham gia vào việc ký hợp đồng thế chấp, nên hợp đồng này không có giá trị. Hành vi mạo danh không thể được coi là hợp pháp, dù bên cho vay có ý thức ngay tình hay không. Vì vậy, chủ nợ Trương không có quyền ưu tiên đòi nợ từ căn nhà đã bị thế chấp.
Dựa trên kết quả giám định và các chứng cứ có trong vụ án, Tòa án quyết định buộc ông Cao, chồng cũ của bà Cao phải chịu trách nhiệm trả toàn bộ khoản nợ 750.000 nhân dân tệ, bao gồm cả tiền gốc và lãi cho ông Trương. Đồng thời, Tòa cũng bác bỏ các yêu cầu khác của chủ nợ Trương.
Vụ việc này là một ví dụ điển hình về cách giải quyết các tranh chấp dân sự liên quan đến tài sản chung và hành vi mạo danh trong giao dịch tín dụng. Tòa án nhấn mạnh việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sở hữu thực sự và duy trì trật tự trong các giao dịch dân sự theo đúng pháp luật.
Theo Baidu