Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Gia Lai vừa phát đi cảnh báo khẩn về thủ đoạn giả danh nhân viên điện lực, hướng dẫn quét mã QR thanh toán tiền điện để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng từ tài khoản nạn nhân.
Những ngày gần đây, tại Gia Lai liên tiếp xảy ra các vụ việc lừa đảo tinh vi khi kẻ gian giả danh nhân viên điện lực, yêu cầu người dân quét mã QR hoặc cài ứng dụng giả mạo để "liên kết thanh toán tiền điện". Hệ quả là hàng trăm triệu đồng trong tài khoản của các nạn nhân bị chiếm đoạt chỉ sau vài thao tác.
Anh N.V.D (trú phường Phù Đổng, TP.Pleiku) là một trong những nạn nhân điển hình. Anh D cho biết nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên điện lực, thông báo rằng anh đã thanh toán tiền điện nhưng chưa in hóa đơn.

Người dân cần nâng cao cảnh giác với các số điện thoại lạ, điều này giúp bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ bị lừa đảo. (Ảnh minh hoạ)
Người này yêu cầu anh D tạo mã liên kết từ ứng dụng điện lực đến tài khoản ngân hàng để hoàn tất việc xuất hóa đơn, nếu không sẽ bị cắt điện. Sau đó, đối tượng gửi mã QR yêu cầu anh D quét để hoàn tất thủ tục. Khi làm theo, anh D tá hỏa phát hiện tài khoản ngân hàng bị rút gần 160 triệu đồng.
Không chỉ một trường hợp, chị H.T.L (trú phường Ia Kring, TP.Pleiku) cũng bị lừa theo chiêu thức tương tự. Sau khi nhận được cuộc gọi nói rằng hệ thống chưa ghi nhận việc đóng tiền điện, chị L được hướng dẫn liên hệ với một người có tên Zalo là "Lê Dũng" – cũng tự xưng là nhân viên điện lực. Người này yêu cầu chị tải hai ứng dụng có tên “EVNCPC CSKH” và “EVN”, sau đó mở ngân hàng điện tử để cập nhật liên kết thanh toán. Kết quả, chị L mất 190 triệu đồng trong tài khoản.
Một nạn nhân khác là anh R.C.R (trú xã Ia Kênh, TP.Pleiku). Người này bị yêu cầu tải ứng dụng có tên “Epoint” để đóng tiền điện online nhằm “tránh bị cắt điện”. Sau khi làm theo và thực hiện các bước xác thực như hướng dẫn qua Zalo, anh R bị mất hơn 126 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.
Công an tỉnh Gia Lai nhận định đây là thủ đoạn lừa đảo có tổ chức, lợi dụng lòng tin và sự thiếu cảnh giác của người dân, nhất là trong bối cảnh số hóa các dịch vụ đang phổ biến rộng rãi.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng, không thực hiện quét mã QR hoặc quay hình ảnh khuôn mặt theo yêu cầu của người lạ. Đặc biệt, người dân không nên cung cấp mã OTP hay cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc, đồng thời cần trình báo ngay với cơ quan Công an nếu phát hiện dấu hiệu nghi vấn.
Khi nhận cuộc gọi từ các số điện thoại lạ hoặc nghi ngờ, bạn cần phải hết sức thận trọng để tránh bị lừa đảo.
- Không trả lời cuộc gọi từ số lạ: Nếu bạn không nhận diện được số gọi đến, hãy bỏ qua và kiểm tra thông tin qua các kênh chính thức.
- Không chia sẻ thông tin cá nhân: Đừng cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào như số tài khoản ngân hàng, mã OTP, hay mã bảo mật qua điện thoại.
- Không nhấn vào đường link, tải về phần mềm lạ: Tuyệt đối không nhấp vào đường link hoặc tải về phần mềm lạ, đặc biệt là những đường link được gửi từ số điện thoại, email không rõ nguồn gốc.
- Kiểm tra thông tin từ các cơ quan chức năng: Nếu cuộc gọi mạo danh cơ quan nhà nước, bạn có thể kiểm tra lại thông tin qua website chính thức của cơ quan đó hoặc liên hệ trực tiếp để xác minh.
Khi nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dùng có thể gọi tới đầu số 156 để cung cấp thông tin về số điện thoại vừa gọi đến, trích dẫn một số nội dung liên quan, theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng.
Ngoài việc gọi tới đầu số 156, người dân cũng có thể gửi tin nhắn phản ánh cuộc gọi lừa đảo thông qua đầu số 156. Nếu cuộc gọi rác, cú pháp nhắn tin là V (số điện thoại) (nội dung cuộc gọi) gửi 156 hoặc 5656.
Nếu cuộc gọi lừa đảo, nhắn tin theo cú pháp LD (số điện thoại) (nội dung cuộc gọi) gửi 156 hoặc 5656.