Trước đây, có hai nam sinh Trung Quốc từng gây chấn động dư luận khi cố tình đạt điểm 0 trong kỳ thi đại học, một trong những kỳ thi quan trọng nhất đời người tại quốc gia tỷ dân.
Một thập kỷ trôi qua, cuộc sống của họ rẽ sang hai hướng hoàn toàn khác biệt: một người âm thầm làm lại từ đầu, còn người kia rơi vào vòng lao lý vì những lựa chọn sai lầm.
Xu Mengnan: Từ “sai một ly” đến hành trình chuộc lỗi
Trong kỳ thi đại học Trung Quốc năm 2011, Xu Mengnan (sinh năm 1989 tại tỉnh An Huy) đã khiến nhiều người sửng sốt khi công khai viết tên, số báo danh và trường học của mình vào phần nội dung bài thi. Hành động này bị coi là vi phạm quy chế nghiêm trọng. Không ngoài dự đoán, Xu Mengnan nhận điểm 0 và bị loại khỏi kỳ thi.
Sau ánh hào quang truyền thông ngắn ngủi, Xu Mengnan sớm phải đối mặt với hiện thực khắc nghiệt. Xu xuất thân trong gia đình nghèo, có bốn anh chị em. Vì trượt đại học, chỉ có bằng cấp 3, cậu phải đi làm thuê tại nhiều nhà máy, xưởng sản xuất. Các công việc tay chân như phát tờ rơi, làm hố ga, thiết bị vệ sinh… dần khiến Xu nhận ra hậu quả của quyết định bồng bột năm xưa.
“Sau khi làm công việc nặng nhọc và vất vả, tôi dần biết mình đã sai trong quá khứ, để bây giờ nhận cuộc sống như vậy”, Xu chia sẻ với Sohu.
Nhiều lần xuất hiện trước truyền thông, Xu Mengnan thừa nhận sự hối hận: “Nếu ai đó trò chuyện và khuyên bảo thời điểm đó, chắc chắn, tôi sẽ không làm hành động dại dột như vậy”.
Không muốn người khác đi vào vết xe đổ của mình, năm 2012, anh lập một website mang tên “0 điểm cho kỳ thi đại học”. Tại đây, Xu chia sẻ những câu chuyện về các thí sinh từng trượt đại học hoặc cố tình đạt điểm 0, đồng thời kêu gọi giới trẻ suy nghĩ chín chắn và tránh lặp lại sai lầm.

Xu Mengnan hối hận và tìm cách làm lại cuộc đời sau sai lầm khi thi gaokao. Ảnh: Sohu.
Cuối năm 2017, khi đã là cha và trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống – bao gồm kết hôn, sinh con rồi ly hôn – Xu Mengnan quyết định làm lại từ đầu. Anh chăm chỉ ôn luyện và vào tháng 5/2018, trở thành sinh viên của một trường đại học ở An Huy.
Trong một buổi phỏng vấn, khi được hỏi sẽ dạy con học theo cách nào, anh trả lời: “Tôi sẽ không can thiệp quá nhiều vào quá trình con học, để con phát triển tự nhiên theo những điều con muốn”.
Zhang Jiao: “Nhà vô địch điểm 0” và con đường lầm lỡ
Khác với Xu Mengnan, Zhang Jiao – thí sinh đến từ tỉnh Thiểm Tây – thì lại nổi lên với biệt danh “nhà vô địch điểm 0”, nhưng theo hướng châm biếm, tiêu cực.
Trong kỳ thi đại học năm ấy, Zhang không trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà chỉ viết vỏn vẹn 16 chữ mang tính chống đối trong tất cả bài thi. Kết quả: điểm 0 tròn trĩnh ở tất cả các môn thi bao gồm Văn, Toán, Ngoại ngữ và Tổ hợp Khoa học Xã hội.
Zhang Jiao từng là học sinh nghèo, vượt khó vào được một trường trung học trọng điểm. Tuy nhiên, môi trường học tập tại trường trọng điểm áp lực khiến Zhang nhanh chóng tụt lại, không theo kịp bạn bè.
Từ đây, Zhang bắt đầu nảy sinh tâm lý phản kháng hệ thống giáo dục. Cậu chịu ảnh hưởng từ một số hiện tượng “0 điểm” nổi cộm thời đó và quyết định đi theo con đường riêng: cố tình trượt đại học, tuyên bố từ bỏ con đường học hành.

Một tấm ảnh cũ của Zhang Jiao. Ảnh: Sohu.
Zhang từng ngông nghênh phát biểu trên mạng xã hội rằng: “Ai mang bài thi đại học điểm 0 tới, tôi sẽ đầu tư miễn phí và giúp họ kiếm 10 triệu NDT trong 10 năm, trở thành người giàu nhất Trung Quốc”.
Tuy nhiên, không thành công như tuyên bố, Zhang Jiao nhanh chóng rơi vào vòng xoáy lừa đảo. Không bằng cấp, không công việc ổn định, Zhang Jiao bị phát hiện có liên quan đến các vụ chiếm đoạt tài sản và gian lận thẻ tín dụng, tổng cộng lên đến hơn 400.000 NDT. Cuối cùng, Zhang phải trả giá bằng bản án tù.
Khi đã ở trong trại giam, Zhang thừa nhận: “Có lẽ đó là khao khát thành công. Tôi muốn trở thành một người phi thường nhưng đã chọn sai đường và không thể quay trở lại”.
Lời cảnh tỉnh từ hai số phận
Cùng xuất phát từ một hành động: cố tình đạt điểm 0 trong kỳ thi đại học, nhưng sau 10 năm, Xu Mengnan và Zhang Jiao có hai ngã rẽ hoàn toàn trái ngược. Một người biết dừng lại đúng lúc để sửa sai, kiên trì làm lại từ đầu; người còn lại bị cuốn vào những ảo tưởng phi thực tế và phải trả giá đắt.
Câu chuyện của họ không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai muốn “nổi tiếng bất chấp”, mà còn là minh chứng rằng: sai lầm có thể sửa, miễn là con người dám đối diện, dám thay đổi và chọn lại con đường đúng.