Tại huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), có một loại rau tưởng chừng đơn giản nhưng lại mang giá trị kinh tế to lớn. Không chỉ là đặc sản nổi tiếng được du khách ưa chuộng, loại rau này còn góp phần thay đổi diện mạo kinh tế của cả một vùng đất – đó chính là rau su su.
Trước kia, Tam Đảo là một vùng nghèo, nhất là tại các xã vùng chân núi như Hồ Sơn, Bồ Lý, Đại Đình. Người dân chủ yếu sống dựa vào việc trồng lúa, sắn, ngô trên đất đồi, thu nhập bấp bênh, đời sống còn nhiều thiếu thốn.
Sự thay đổi bắt đầu từ khi cây su su được đưa vào trồng với quy mô lớn, kết hợp mô hình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.
Nghề trồng su su đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giúp hàng trăm hộ dân vươn lên làm giàu.
Người dân Tam Đảo thu hoạch rau su su.
Không chỉ là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, su su còn được đưa vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại Tam Đảo. Từ năm 1996 – khi du lịch Tam Đảo bắt đầu phát triển – món rau su su xào xuất hiện trong thực đơn của hầu hết nhà hàng, quán ăn. Mỗi dịp du khách ghé thăm, đĩa rau su su xào tỏi hay rau luộc chấm trứng trở thành món ăn không thể thiếu. Không ít người còn chọn ngọn su su xanh non làm quà mang về xuôi.
Theo Báo Vĩnh Phúc, thôn Làng Hà (xã Hồ Sơn) – vùng chuyên canh su su lớn nhất huyện – hiện có khoảng 47 ha canh tác, mỗi năm cung cấp gần 200 tấn ngọn rau, mang về doanh thu gần 15 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ nông dân tại thị trấn Tam Đảo thu lãi từ 100 đến 200 triệu đồng/năm.
Nhờ hiệu quả kinh tế vượt trội, đến nay, thị trấn Tam Đảo không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm trên 50%.
Theo ông Bàng Lương Hội – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tam Đảo, mô hình sản xuất su su an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã được triển khai từ năm 2012, với diện tích ban đầu là 35 ha. Năm 2013, sản phẩm rau su su của thị trấn được chứng nhận VietGAP, đồng thời được cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc.
Đến nay, rau su su Tam Đảo đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn, các chợ đầu mối ở các tỉnh phía Bắc và cả trong thực đơn các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch.
Hội Nông dân thị trấn Tam Đảo đã thành lập ba điểm thu mua, sơ chế, trung bình mỗi ngày cung ứng từ 5 đến 10 tấn rau quả ra thị trường. Các sản phẩm đều được phân loại, đóng gói, gắn mã vạch trước khi chuyển đến người tiêu dùng.
Việc trồng su su tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, đã được thực hiện theo hướng hữu cơ, với mô hình "5 không" (không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích sinh trưởng, không dư lượng hóa chất độc hại). Điều này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và duy trì sự bền vững của hệ sinh thái nông nghiệp địa phương.
Từ loại cây trồng đơn giản, su su đã trở thành “mũi nhọn” trong phát triển nông nghiệp và du lịch địa phương. Huyện Tam Đảo đang đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu “Su su an toàn Tam Đảo” không chỉ vững chắc tại thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu ra thế giới trong tương lai.