Từ những bức ảnh khiêu dâm giả mạo của Taylor Swift lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, cho đến những cuộc gọi video lừa đảo với giọng nói y như thật của các CEO khiến doanh nghiệp mất hàng trăm nghìn đô la, deepfake đang nổi lên như một mối đe dọa thực sự, không còn là giả tưởng.
Trong khi nhiều quốc gia vẫn loay hoay tìm lời giải, thì Đan Mạch đã chọn một cách tiếp cận táo bạo và trực diện: hình sự hóa việc phát tán nội dung deepfake mà không có sự đồng ý của người bị mô tả, một bước đi có thể khiến quốc gia Bắc Âu này trở thành nước đầu tiên trên thế giới thực sự cấm loại hình giả mạo nguy hiểm này.
Bộ trưởng Văn hóa Jakob Engel-Schmidt tuyên bố rằng động cơ chính của đạo luật là bảo vệ nền dân chủ và sự liêm chính của không gian công cộng. Ông nhấn mạnh rằng pháp luật hiện hành của Đan Mạch, vốn dựa chủ yếu vào luật bản quyền, hoàn toàn không được thiết kế để xử lý một thế giới nơi AI có thể sao chép giọng nói, gương mặt, thậm chí cả biểu cảm và cử chỉ của bất kỳ ai với độ chính xác đến mức ám ảnh.
Dự luật mới nhằm cập nhật khuôn khổ pháp lý để trao cho công dân Đan Mạch quyền sở hữu đối với giọng nói, khuôn mặt, cơ thể và hình ảnh của chính họ – như một phần của danh tính kỹ thuật số không thể bị xâm phạm.
Không chỉ mang tính phòng ngừa, đạo luật này còn phản ánh mối đe dọa đã trở nên rất thực tế ở Đan Mạch. Một trường hợp nổi bật xảy ra vào năm ngoái: Ngoại trưởng Lars Løkke Rasmussen bị lừa bởi một cuộc gọi video giả, trong đó ông tưởng rằng mình đang trò chuyện với Moussa Faki, Chủ tịch Liên minh châu Phi, nhưng thực tế đó là một màn deepfake do hai hacker thực hiện.
Sự việc như một hồi chuông cảnh tỉnh, cho thấy ranh giới giữa giả và thật đang bị xóa nhòa đến mức nguy hiểm.
Theo đề xuất luật mới, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào phát tán hình ảnh hoặc video bị thao túng bằng AI, chẳng hạn như deepfake mà không có sự đồng ý của người bị mô tả, sẽ phải gỡ bỏ nội dung đó.
Các nền tảng công nghệ như Facebook, X (Twitter), Instagram và TikTok cũng sẽ có nghĩa vụ pháp lý phải xóa nội dung deepfake bị gắn cờ khi nhận được yêu cầu chính thức. Engel-Schmidt khẳng định: “Nếu một người phát hiện có ai đó làm video deepfake về mình, luật sẽ buộc các gã khổng lồ công nghệ phải hành động”.
Tuy nhiên, đạo luật cũng cố gắng giữ một sự cân bằng quan trọng: châm biếm và nhại lại, vốn là một phần không thể thiếu của quyền tự do ngôn luận vẫn sẽ được phép, miễn là được dán nhãn rõ ràng là do AI tạo ra.
Tranh cãi về ranh giới giữa hài hước và thao túng sẽ do tòa án phân xử, và Engel-Schmidt nhấn mạnh đây không phải là sự kiểm duyệt, mà là bảo vệ danh tính con người trước nguy cơ bị giả mạo.
Nếu được thông qua, đạo luật này sẽ đưa Đan Mạch lên vị trí tiên phong trong việc thiết lập một khuôn khổ quyền kỹ thuật số hoàn toàn mới, nơi hình ảnh kỹ thuật số của một cá nhân được xem là phần mở rộng bất khả xâm phạm của danh tính thật.
Thay vì chỉ yêu cầu dán nhãn như luật châu Âu hay quy định truy xuất nguồn như ở Trung Quốc, Đan Mạch muốn đi xa hơn: cấm hoàn toàn hành vi phát tán nội dung deepfake trái phép.
Trong khi Đan Mạch đang đẩy mạnh cuộc chiến này, thì phần còn lại của thế giới cũng bắt đầu phản ứng, dù phần lớn vẫn ở giai đoạn sơ khai. Tại Mỹ, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Gỡ bỏ vào tháng 4 năm 2025, yêu cầu các nền tảng phải xóa nội dung khiêu dâm deepfake trong vòng 48 giờ nếu không muốn bị phạt tù.
Hàn Quốc thì mạnh tay hơn nữa: từ cuối năm 2024, việc tạo, sở hữu hoặc phát tán deepfake khiêu dâm là hành vi phạm tội có thể bị phạt đến bảy năm tù. Trung Quốc, từ năm 2023, đã bắt buộc tất cả nội dung AI tạo ra phải dán nhãn và truy xuất được nguồn.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu với Đạo luật AI hoàn chỉnh năm ngoái chỉ yêu cầu dán nhãn, không cấm xuất bản, phản ánh quan điểm “quản lý dựa trên rủi ro”, với deepfake được xem là nguy cơ trung bình trừ khi bị sử dụng vào mục đích gian lận hay tuyên truyền sai lệch.
So với các biện pháp trên, đề xuất của Đan Mạch rõ ràng có phạm vi hẹp hơn nhưng cơ chế thực thi lại mạnh mẽ hơn. Đây là một bước chuyển từ minh bạch sang chủ quyền: bảo vệ hình ảnh số của cá nhân như một phần danh tính, chứ không đơn thuần là yêu cầu gắn mác “giả”. Tuy nhiên, vẫn còn câu hỏi lớn treo lơ lửng: liệu luật có khả thi trong thực tế hay không?
Trở ngại lớn nhất là công nghệ. Việc xác định xem một video có phải deepfake hay không là một thách thức khổng lồ, vì bản thân công nghệ tạo deepfake thường dựa trên mô hình GAN (mạng đối nghịch tạo sinh) ngày càng tinh vi.
GAN bao gồm hai mô hình AI: một tạo ra deepfake, một cố gắng phát hiện. Hai mô hình liên tục “so tài” với nhau, khiến công nghệ ngày càng tiến bộ. Morten Mørup, chuyên gia AI tại Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, cảnh báo rằng quá trình này về lâu dài sẽ khiến ngay cả những công cụ phát hiện tốt nhất cũng không thể phân biệt được thật – giả. “Cả con người lẫn AI đều sẽ thất bại trong việc nhận biết,” ông nói, “vì deepfake được thiết kế để vượt qua cả người thật lẫn máy móc”.
Hệ quả là ngay cả khi một deepfake bị phát hiện, thì nó cũng có thể đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trước khi bị xóa bỏ. Mạng xã hội, nơi thuật toán ưu tiên các nội dung gây sốc và dễ lan tỏa, lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho deepfake tồn tại và nhân rộng.
Đó chính là thế tiến thoái lưỡng nan mà không chỉ Đan Mạch, mà cả thế giới đang đối mặt. Dù các biện pháp pháp lý có nghiêm khắc đến đâu, thì trong thực tế, chúng ta vẫn đang bị cuốn vào một cuộc đua vũ trang không cân sức giữa công nghệ tạo giả và công cụ phát hiện.