Làm đường cao hơn nền nhà cả mét, dân bắc cầu mới 'ngoi' được ra ngoài

Hàng trăm hộ dân trên đường Ngô Quyền (Hà Nội) sống trong cảnh bụi bẩn, ngập úng khi mặt đường được nâng cao hơn nền nhà tới cả mét, buộc họ phải bắc ván để ra vào.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường Ngô Quyền (phường Hà Đông, Hà Nội) là một hạng mục trong dự án cải thiện hệ thống tiêu nước phía Tây Hà Nội, nhằm tăng khả năng thoát nước và giảm úng ngập cho khu vực.

Tuy nhiên, thực tế triển khai lại phát sinh hàng loạt bất cập. Đặc biệt, phần mặt đường mới thi công được thiết kế cao vượt nền nhà dân 1-1,5m, khiến hàng trăm hộ dân sống dọc tuyến rơi vào cảnh khốn đốn.

Dọc theo đoạn đường từ số 226 đến 298 Ngô Quyền, người dân dựng tạm hàng loạt “cầu khỉ” bằng ván gỗ, cửa cũ hay bất kỳ vật liệu tận dụng nào để bắc ra đường.

Công trình thi công dở dang, hệ thống cống thoát nước, hào kỹ thuật vẫn còn ngổn ngang trước cửa các hộ dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn mỗi ngày.

Theo chia sẻ của người sinh sống tại khu vực, đoạn đường này đã thi công nhiều năm nay, tuy nhiên hiếm khi thấy công nhân làm việc, nhiều chỗ đang làm thì bỏ dở. "Nhà tôi trước đây chỉ cần mở cửa là ra đường, giờ phải bước lên mấy chục cm đất đá lổn nhổn mới ngoi được ra ngoài. Đã thế đi lại còn nguy hiểm, nhiều lần xe máy ra vào nhà tôi bị trượt ngã vì đoạn đường gồ ghề, bẩn thỉu”, người dân bức xúc.

Không chỉ khó khăn khi đi lại, việc thi công kéo dài với mặt đường cao bất thường còn ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt hàng ngày của người dân. (Trong ảnh là hố kỹ thuật đầu ngõ 28 đường Ngô Quyền có chiều cao gần bằng đầu người).

Theo anh Ngọc Linh, nước mưa chỉ cần rơi xuống là không thoát được, chảy ngược vào nhà, nền nhà luôn trong tình trạng ẩm thấp. “Đường thì cao, nhà thì thấp, mỗi lần mưa to nước chảy ngược hết vào nhà. Mặt đường cao lên cả mét khiến hệ thống thoát sàn, nhà vệ sinh nhà tôi gần như vô tác dụng. Mỗi ngày tôi phải quét tới hàng chục lần, nhà lúc nào cũng đóng kín mít mà bụi vẫn mù mịt. Mỗi lần xe chở vật liệu đi qua là cả nhà không thở nổi”, anh Linh nói.

Người dân sống tại đây cho biết, trước đó họ không được thông báo cụ thể về độ cao đường sẽ được nâng lên bao nhiêu, chỉ khi đường làm xong từng đoạn mới phát hiện mặt đường cao hơn nền nhà 1-1,5m. “Nếu chúng tôi biết trước mặt đường sẽ cao thế này, chắc chắn không ai đồng ý. Nhà tôi giờ muốn sửa cũng phải đập hết, nâng nền tốn hàng trăm triệu”, một người dân sống tại trên đường Ngô Quyền chia sẻ.

Những đoạn thi công xong thì lồi lõm, chưa hoàn thiện mặt đường, các đoạn chưa làm thì lầy lội, bụi bặm khiến cuộc sống cũng như việc đi lại của người dân khó khăn.

Đặc biệt, toàn tuyến không có rào chắn hay biển cảnh báo an toàn nào được dựng lên, nhiều đoạn cống thoát nước đang thi công dang dở nằm chắn ngay trước cửa nhà dân.

Trước thực trạng bất cập trên, hơn 100 hộ dân thuộc tổ dân phố 5, cụm dân cư số 1 phường Hà Đông đồng loạt kiến nghị dừng thi công để xem xét hạ thấp mặt đường, điều chỉnh thiết kế sao cho phù hợp với hiện trạng dân cư.

Người dân mong có tuyến đường sạch đẹp, thuận tiện đi lại, nhưng không thể chấp nhận bị cô lập ngay tại chính ngôi nhà của mình. Đến nay, dự án đã phải tạm dừng thi công chờ xem xét phản ánh của người dân.

Đại diện Ban Quản lý duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội – đơn vị chủ đầu tư – cho biết đã tiếp nhận ý kiến và đang phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công để rà soát lại toàn bộ dự án. Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cũng yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh phương án kỹ thuật, trong đó có việc hạ thấp cống thoát nước để đảm bảo đồng bộ với hệ thống thoát nước thải trong các hộ dân. Sau khi có phương án cụ thể và phù hợp từ đơn vị tư vấn, cơ quan này sẽ tổ chức đối thoại, làm việc trực tiếp với các hộ dân bị ảnh hưởng nhằm đảm bảo hiệu quả dự án, hài hòa với yêu cầu về tiêu thoát nước và an sinh xã hội,