Người phụ nữ chi 4 tỷ đồng mua nhà, vừa vào ở đã bị yêu cầu dọn đi vì trong diện giải tỏa, tòa tuyên bố: Chủ cũ không cần bồi thường

Tin tưởng người bán là chỗ quen biết nên không làm hợp đồng mua nhà, người phụ nữ Trung Quốc mất hơn 10 năm để đòi lại tiền của mình.

Tháng 4/2025, Tòa án Nhân dân quận Tây Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc đã ra phán quyết trong một vụ kiện kéo dài hơn 10 năm liên quan đến một giao dịch nhà đất không hợp đồng. Câu chuyện bắt đầu từ năm 2013, khi bà Bạch ở Bắc Kinh mua lại nhà của bà Cố với giá 1,15 triệu NDT (hơn 4 tỷ đồng). Vì là chỗ quen biết, 2 bên không có hợp đồng mua bán được lập thành văn bản mà chỉ giao dịch qua lời nói.

Sau khi thanh toán và dọn vào ở, bà Bạch bất ngờ nhận được thông báo từ cơ quan chức năng yêu cầu di dời và tháo dỡ căn nhà vì đây là công trình xây dựng trái phép. Thời hạn yêu cầu bà rời khỏi nhà chỉ trong vòng 7 ngày. Căn nhà sau đó bị cưỡng chế tháo dỡ, để lại cho bà Bạch thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.

Cho rằng mình là nạn nhân của một giao dịch bất hợp pháp, bà Bạch đã khởi kiện vợ chồng bà Cố ra tòa án, yêu cầu vô hiệu hóa giao dịch mua nhà và được trả toàn bộ số tiền đã thanh toán. Tuy nhiên, phía bà Cố lại không thừa nhận đã bán nhà cho bà Bạch. Trước tòa, bà Bạch chỉ cung cấp được bằng chứng là bản sao kê chuyển khoản hơn 1 triệu NDT vào tài khoản chồng bà Cố và một số hóa đơn thanh toán phí quản lý căn hộ.

Do không có hợp đồng bằng văn bản, không có giấy tờ chuyển nhượng tài sản hay bất kỳ tài liệu nào khác xác nhận việc mua bán. Tòa án cho rằng không có đủ cơ sở pháp lý để xác định giữa hai bên tồn tại một hợp đồng mua bán nhà ở, bà Cố - tức chủ cũ của căn nhà cũng không cần trả lại tiền hay bồi thường cho bà Bạch. Toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Bạch bị bác bỏ, đồng nghĩa với việc bà đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền đã bỏ ra.

(Ảnh minh họa)

Sau nhiều năm theo đuổi vụ việc, bà Bạch quyết định khởi kiện lần thứ hai, lần này với một lập luận pháp lý hoàn toàn khác. Lúc này, chồng bà Cố đã qua đời, thay vì tiếp tục yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán và hoàn trả tiền mua nhà, bà Bạch chuyển sang yêu cầu những người thừa kế của chồng bà Cố (vợ và các con) phải hoàn trả số tiền 1 triệu NDT với lý do đã “hưởng lợi bất chính”. Theo quy định của pháp luật dân sự Trung Quốc, nếu một người nhận được tài sản từ người khác mà không có căn cứ pháp lý rõ ràng, thì hành vi đó được coi là hưởng lợi bất chính và phải hoàn trả lại số tài sản đã nhận.

Tòa án Nhân dân quận Tây Thành sau khi xem xét đã chấp nhận lập luận của bà Bạch. Phía bị đơn không thể đưa ra được bằng chứng chứng minh số tiền 1 triệu NDT mà ông Trương nhận từ bà Bạch là khoản vay, khoản đầu tư hay bất kỳ nghĩa vụ dân sự hợp pháp nào khác. Đồng thời, vì trước đó tòa đã xác định không tồn tại hợp đồng mua bán giữa các bên nên việc nhận tiền không có cơ sở pháp lý. Do đó, tòa tuyên bố hành vi nhận tiền là hưởng lợi bất chính và yêu cầu bà Cố cùng các con phải hoàn trả tiền cho bà Bạch

Theo thẩm phán thụ lý vụ án, vụ kiện đầu tiên thất bại là do bà Bạch không thể cung cấp đủ bằng chứng hợp lệ để chứng minh giao dịch mua bán nhà đã diễn ra. Trong các giao dịch bất động sản, pháp luật quy định rõ ràng rằng hợp đồng phải được lập bằng văn bản, có chữ ký các bên và cần được đăng ký theo quy định của pháp luật. Việc thiếu hợp đồng khiến tòa không thể xác lập quyền và nghĩa vụ giữa hai bên, từ đó không có cơ sở để yêu cầu trả lại tiền mua nhà.

Tuy nhiên, trong vụ kiện thứ hai, khi chuyển sang yêu cầu hoàn trả lợi ích bất chính, tòa không còn cần xác định hợp đồng có tồn tại hay không, mà chỉ cần xem xét liệu phía bị đơn có lý do chính đáng để giữ số tiền đó hay không. Vì không có lý do hợp pháp nào được đưa ra, việc tuyên bố đó là lợi ích bất chính là có cơ sở pháp lý rõ ràng.

(Theo Baijiahao)