Số phận các chương trình USAID sau khi cơ quan ngừng hoạt động

Giới chức cho biết các chương trình viện trợ nước ngoài của Mỹ sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn với chính sách của chính quyền hiện tại.

Bộ Ngoại giao Mỹ hiện đang tiếp quản các chương trình viện trợ trước đây do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) điều hành, theo thông báo mới nhất từ chính quyền. Việc chuyển giao này được cho là nhằm tái cấu trúc cách thức Mỹ hỗ trợ nước ngoài, định hướng rõ hơn vào lợi ích quốc gia. Các thông tin được đưa ra trong bối cảnh một nghiên cứu mới cảnh báo rằng các khoản cắt giảm viện trợ cho các chương trình y tế có thể dẫn tới hàng triệu ca tử vong trước năm 2030.

Trước đó, trong bài đăng trên Substack hôm 1/7, Ngoại trưởng Marco Rubio thông báo rằng USAID – cơ quan phụ trách viện trợ nước ngoài, cứu trợ thiên tai và các chương trình phát triển quốc tế – sẽ không còn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các quốc gia khác.

Ông Rubio viết: “Kể từ ngày 1/7, USAID chính thức chấm dứt việc thực hiện các chương trình viện trợ nước ngoài. Những chương trình phù hợp với chính sách của chính quyền và thúc đẩy lợi ích nước Mỹ sẽ do Bộ Ngoại giao quản lý – với cam kết cao hơn về trách nhiệm, chiến lược và hiệu quả”.

Giới chức cho biết các chương trình viện trợ nước ngoài của Mỹ sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn với chính sách của chính quyền hiện tại.

Viện trợ Mỹ phải "liên kết chặt với chính sách ngoại giao"

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính sách viện trợ nước ngoài mới của Mỹ sẽ được “kết nối trực tiếp với chương trình đối ngoại” của chính quyền Trump và các đối tác.

“Khi giai đoạn chuyển tiếp hoàn tất và các chương trình được chuyển sang đây, vài tháng tới sẽ cho thấy rõ chúng tôi đang hướng tới tương lai nào. Chúng tôi không dự đoán sẽ có bất kỳ sự gián đoạn nào về mặt vận hành”, vị quan chức này nói.

USAID là một trong những cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng bởi sáng kiến tinh giản bộ máy chính phủ của Ban Hiệu suất chính phủ – cơ quan từng do Elon Musk điều hành. Chính quyền Trump đã tiến hành giải thể USAID, chấm dứt hàng nghìn hợp đồng và cho hàng loạt nhân viên nghỉ việc.

Trong tuyên bố hồi tháng 2, Bộ Ngoại giao khẳng định rằng “một phần lớn kinh phí của USAID không phù hợp với lợi ích cốt lõi của Mỹ”.

Trong đoạn video chia tay được gửi nội bộ cho nhân viên USAID vào 30/6, hai cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama đều chỉ trích quyết định xóa sổ cơ quan này. Ông Obama gọi việc giải thể USAID là “một sai lầm nghiêm trọng”, còn ông Bush nhấn mạnh đến sáng kiến y tế toàn cầu PEPFAR mà ông phát động nhằm chống đại dịch HIV/AIDS – một chương trình được ghi nhận đã cứu sống 25 triệu người trên toàn thế giới.

Các tổ chức cứu trợ nhân đạo cho biết họ đang chứng kiến hệ quả trực tiếp từ việc cắt giảm ngân sách USAID – với nhiều chương trình hỗ trợ các cộng đồng nghèo đói và xung đột nay đã bị dừng lại.

“ Đây là một ngày cực kỳ đau buồn”, ông Bob Kitchen – Phó Chủ tịch phụ trách ứng phó khẩn cấp tại Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) – chia sẻ với ABC News. “Tôi đã có vinh dự làm việc với hàng trăm nhân viên tận tụy của USAID trên khắp thế giới trong hàng chục năm. Họ đã làm được những điều phi thường, và thật đau lòng khi thấy tất cả sắp chấm dứt".

IRC cho biết họ mất nhiều khoản tài trợ, với 40% ngân sách trước đây đến từ USAID. Nhiều chương trình của tổ chức này đã hoặc sẽ bị đóng cửa – bao gồm các dịch vụ nước sạch, y tế lưu động và giáo dục.

“Hệ quả là hàng nghìn bé gái, đặc biệt ở Afghanistan, sẽ không còn cơ hội đến trường”, ông Kitchen nói. “Chúng tôi đã duy trì được hàng nghìn lớp học không chính thức, thậm chí là ngầm, và giờ tất cả đã dừng lại”

Cùng lúc, tạp chí y khoa The Lancet ngày 1/7 công bố nghiên cứu cho thấy việc cắt giảm USAID có thể dẫn đến hơn 14 triệu ca tử vong cho đến năm 2030.

Dựa trên mô hình phân tích từ năm 2001 đến 2021, nhóm nghiên cứu ước tính USAID đã giúp ngăn ngừa hơn 91 triệu ca tử vong ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình – trong đó, tỷ lệ tử vong do HIV/AIDS giảm 65% và do sốt rét giảm 51%.

Dự báo cho thấy gần một phần ba số ca tử vong bổ sung sẽ là trẻ em dưới 5 tuổi.

Tầm nhìn mới

Quan chức Bộ Ngoại giao phản bác những phát hiện trên, cho rằng các nghiên cứu đó “hiểu sai tầm nhìn mới về viện trợ” và tác động sinh tử được nêu ra “không phù hợp với thông tin thực tế tại hiện trường". “Chúng tôi không tập trung vào việc tranh luận lại các quyết định cũ. Đó không phải là trọng tâm của Ngoại trưởng. Điều chúng tôi quan tâm là tầm nhìn ‘viện trợ nước ngoài ưu tiên nước Mỹ’ sẽ mang lại kết quả gì".

Chiến lược mới sẽ yêu cầu các quốc gia đối tác tự đảm nhận nhiều hơn trong công tác phòng bệnh, đặc biệt là với HIV, đồng thời giảm sự lệ thuộc vào Mỹ trong mảng y tế dự phòng.

Quan chức này cũng lưu ý rằng hiện tại, tới 90% người được hưởng lợi từ PEPFAR vẫn đang tiếp tục được cấp thuốc. Chính quyền cũng đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn lây truyền HIV từ mẹ sang con trước khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ, và sẽ tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này.

“Chúng tôi tin rằng đây là mục tiêu có thể đạt được, và chúng tôi sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn để làm được điều đó”, vị quan chức nói.