Vào một buổi sáng tháng 12 năm 2024, sâu bên trong mô phỏng ảo của chiếc máy tính khổng lồ IBM 7094 từ thập niên 1960, một dòng chữ cổ điển bất ngờ xuất hiện trên màn hình: “HOW DO YOU DO. PLEASE TELL ME YOUR PROBLEM”.
Câu nói quen thuộc này chính là dấu hiệu cho sự trở lại của ELIZA – chatbot đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã hồi sinh trên chính hệ thống phần cứng nguyên bản đã từng giúp nó ra đời cách đây gần 60 năm.
Được tạo ra từ năm 1964 đến 1966 bởi nhà khoa học máy tính Joseph Weizenbaum tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ELIZA không phải một trợ lý ảo thông minh như ChatGPT hay Siri ngày nay.
Thay vào đó, nó là một chương trình đơn giản sử dụng phương pháp ghép mẫu và thay thế câu hỏi để mô phỏng cuộc trò chuyện giữa người dùng và một nhà trị liệu tâm lý theo trường phái Rogerian.
Khi người dùng chia sẻ cảm xúc như “Tôi cảm thấy buồn”, ELIZA có thể nhẹ nhàng hỏi lại: “Bạn đã cảm thấy buồn bao lâu rồi?”. Sự đơn giản trong cách phản hồi của ELIZA đã gây nên sự kinh ngạc vào thời điểm đó.
Thư ký riêng của Weizenbaum từng xin được ở một mình với chương trình này để “trò chuyện”, trong khi nhiều người khác đã tìm đến ELIZA như một người bạn đồng hành tâm sự.
Tuy nhiên, chính phiên bản gốc của ELIZA – được viết bằng ngôn ngữ MAD-SLIP trên hệ điều hành CTSS (Compatible Time-Sharing System) của chiếc máy tính IBM 7094 – đã biến mất khỏi các kho lưu trữ trong quá trình lịch sử phát triển.
Vì máy tính IBM 7094 chưa từng kết nối với ARPAnet – tiền thân của Internet – nên khi các phiên bản viết lại bằng ngôn ngữ lập trình khác như Lisp được lan truyền, bản gốc MAD-SLIP đã dần rơi vào quên lãng.
Mãi đến tận năm 2021, Jeff Shrager – người từng viết lại ELIZA trong thập niên 1970 – đã khởi xướng nỗ lực tìm kiếm lại “di sản bị lãng quên” này. Nhờ sự hỗ trợ từ Myles Crowley, chuyên gia lưu trữ của MIT, nhóm đã khai quật được một bản in mã nguồn gốc ELIZA từ năm 1965 trong một chiếc hộp có nhãn “cuộc trò chuyện trên máy tính”.
Nhưng việc tìm ra mã nguồn chỉ là bước đầu. Những đoạn mã này không đầy đủ, được in bằng mực phai, ở định dạng phi ASCII và đôi khi bị rút gọn thành những ký hiệu khó hiểu như “W'R” thay cho từ khóa “WHENEVER”.
Hơn nữa, việc thiếu khoảng trắng hoặc lỗi đánh máy nhỏ trong hệ thống thẻ đục lỗ có thể khiến toàn bộ chương trình không hoạt động. Để thực sự “hồi sinh” ELIZA, nhóm nghiên cứu, gồm Rupert Lane, Anthony Hay, Arthur Schwarz, David M. Berry và chính Shrager phải tiến hành tái tạo một mô phỏng hoàn chỉnh của CTSS và IBM 7094. Họ tự gọi mình là “Nhóm ELIZA”.
Sau hàng năm trời làm việc tỉ mỉ, quá trình phục dựng suýt đổ bể chỉ vì một lỗi nhỏ ở dòng 1670 – nơi một con số bị thiếu. Nhưng khi tất cả đã được hiệu chỉnh, điều kỳ diệu đã xảy ra: ELIZA nói chuyện trở lại. Lời chào “Men are all alike” cùng phản hồi “IN WHAT WAY” vang lên – đúng như trong tài liệu gốc năm 1966 đã khiến nhóm nghiên cứu không khỏi xúc động.
Điều thú vị hơn, nhóm còn phát hiện ra một “chế độ giáo viên” bí mật trong mã nguồn – một tính năng cho phép người dùng chỉnh sửa trực tiếp tập lệnh của ELIZA, thêm hoặc xóa các quy tắc phản hồi ngay trong quá trình sử dụng.
Đây là một dạng “học hỏi” thô sơ, chưa đạt đến mức học máy, nhưng đủ để gợi mở khả năng thích nghi – một ý tưởng vượt thời đại vào năm 1966. ELIZA có thể ghi nhớ các thay đổi vào đĩa, chứng minh rằng khái niệm “học tập có lưu trữ” đã manh nha từ thuở sơ khai của điện toán.
ELIZA không chỉ là chương trình máy tính; nó là cột mốc lịch sử, là hiện thân của những bước đi đầu tiên trong hành trình phát triển trí tuệ nhân tạo. Nó xuất hiện trước khi từ “chatbot” tồn tại và trước cả khái niệm trợ lý ảo được định hình.
Những phản hồi tuy đơn giản của ELIZA đã giúp con người thấy được khả năng phản chiếu cảm xúc qua cỗ máy, từ đó nảy sinh những kỳ vọng, thậm chí ảo tưởng, về sự thấu hiểu từ AI.
Weizenbaum – cha đẻ của ELIZA – sau này đã trở thành một trong những người phản biện mạnh mẽ về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Ông cảnh báo rằng việc gán cho máy tính vai trò “công cụ tâm lý” có thể gây nên hậu quả khó lường.
Những phản ứng cảm xúc mà con người dành cho ELIZA đã khiến ông nhận ra: công nghệ không đơn thuần chỉ là công cụ, nó có thể trở thành tấm gương phản chiếu những mong muốn, khát vọng, thậm chí là sự cô đơn của chính chúng ta.
Sự trở lại của ELIZA vào năm 2024 không chỉ là một cuộc khai quật kỹ thuật số, mà còn là lời nhắc nhở rằng ngay từ thuở bình minh, trí tuệ nhân tạo đã mang trong mình một yếu tố nhân văn sâu sắc.
Trong thời đại mà các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT đang tiến gần đến khả năng giao tiếp tự nhiên như con người, câu hỏi đặt ra là: liệu chúng ta có đang lặp lại kỳ vọng từng đặt lên ELIZA, chỉ là ở một cấp độ cao hơn?
ELIZA đơn giản, thô sơ và giới hạn – nhưng chính điều đó lại khiến nó trở thành biểu tượng cho một thời kỳ ngây thơ, đồng thời là tấm gương phản chiếu rõ nét động lực con người trong mối quan hệ với công nghệ.
Và giờ đây, khi ELIZA một lần nữa “nói chuyện”, có lẽ cũng là lúc chúng ta cần lắng nghe không chỉ nó, mà cả chính mình.