Conic Boulevard

Bài học từ vụ sập tòa nhà Thái Lan trong động đất: Công ty thép dùng công nghệ cũ, bị đóng cửa vì sản phẩm kém

Một cuộc kiểm tra của Viện Sắt Thép Thái Lan hôm 31/03/2025 đã cho thấy, thép thanh vằn 32mm và 20mm do công ty Thép Xin Ke Yuan sản xuất được sử dụng để xây tòa nhà đã không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.

Tờ The Nation của Thái Lan đưa tin, Công ty TNHH Thép Xin Ke Yuan bị nghi ngờ có liên quan đến vụ tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (SAO) ở Bangkok đang xây dựng bị đổ sập trong trận động đất xảy ra vào thứ Sáu tuần trước.

Đây là một trong 12 công ty tại Thái Lan sản xuất thép bằng công nghệ lò cảm ứng (Induction Furnace - IF) — công nghệ đã bị Trung Quốc cấm sử dụng từ hơn một thập kỷ trước.

Một cuộc kiểm tra của Viện Sắt Thép Thái Lan hôm 31/03/2025 đã cho thấy, thép thanh vằn 32mm và 20mm do công ty Thép Xin Ke Yuan sản xuất được sử dụng để xây tòa nhà đã không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.

Bài học từ vụ sập tòa nhà Thái Lan trong động đất: Công ty thép dùng công nghệ cũ, bị đóng cửa vì sản phẩm kém- Ảnh 1.

Hiện trường tòa nhà bị sập. Ảnh: Bangkok Post

Trước đó, Bộ Công nghiệp đã ra lệnh đóng cửa nhà máy của Xin Ke Yuan Steel tại tỉnh Rayong từ hồi cuối năm 2024 vì sản xuất thép không đạt tiêu chuẩn. Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra xem nhà máy có vi phạm lệnh đóng cửa hay không.

Các nhà sản xuất thép Thái Lan đã đề xuất một số biện pháp như: thu hồi chứng nhận Tiêu chuẩn Công nghiệp Thái Lan (TIS) đối với thép sản xuất lò cảm ứng (IF), nâng cao tiêu chuẩn đối với thép thanh, cấm dùng thép thanh temp-core (thép tôi bằng phương pháp kết hợp nước và khí) để xây các tòa nhà trong khu vực dễ bị động đất và đảm bảo truy xuất nguồn gốc thép trong các dự án xây dựng của Chính phủ.

Bộ trưởng Công nghiệp Akanat Promphan cho biết Xin Ke Yuan Steel đã hoạt động tại Thái Lan từ lâu và nhận được hỗ trợ đầu tư từ Hội đồng Đầu tư (BOI). Ông Akanat khẳng định Bộ Công nghiệp cam kết đảm bảo quản lý chặt các doanh nghiệp nước ngoài không đóng góp cho nền kinh tế đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nhà sản xuất Thái Lan.

“Chúng tôi đã điều tra và đóng cửa 7 nhà máy sản xuất thép, đang điều tra thêm 3 nhà máy, tổng giá trị khoảng 400 triệu baht”, “một số quản lý nhà máy cố gắng vận động hành lang cũng như đe dọa các điều tra viên” - Bộ trưởng Công nghiệp Akanat Promphan nói.

Bài học từ vụ sập tòa nhà Thái Lan trong động đất: Công ty thép dùng công nghệ cũ, bị đóng cửa vì sản phẩm kém- Ảnh 2.

Ảnh: The Nation

Ông Akanat - đồng thời là thành viên của Hội đồng Đầu tư - cho biết cần thu hồi ưu đãi đầu tư dành cho các công ty nước ngoài không đủ điều kiện tuy nhiên phải dựa trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng. Bộ Công nghiệp Thái Lan sẽ thanh tra lại nhà máy của Thép Xin Ke Yuan để đảm bảo các loại thép bị thu hồi không tuồn ra thị trường. Nếu phát hiện dù chỉ một thanh thép không đảm bảo chất lượng trên thị trường, lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng ngay lập tức.

Ông Akanats cũng làm rõ cuộc thanh tra đang được tiến hành độc lập với việc tòa nhà văn phòng của Cơ quan kiểm toán bị sập, tòa nhà này được xây trước khi nhà máy bị đóng cửa.

Ông nhấn mạnh việc thu hồi chứng nhận chất lượng TIS cần tuân thủ đúng quy trình, đầu tiên là thu hồi thép kém chất lượng và đóng cửa nhà máy. Nếu công ty tiếp tục sản xuất thép kém chất lượng sau khi bị cảnh báo, các biện pháp pháp lý tiếp theo sẽ được áp dụng.

Các nhà sản xuất thép Thái Lan đang sử dụng công nghệ lò IF:

1. BNSS Steel Group, Chonburi

2. Chonburi Special Steel Group, Chonburi

3. Xin Ke Yuan Steel, Rayong

4. AB Steel, Sa Kaeo

5. Ling Nan Steel, Nakhon Pathom

6. Chow Steel, Prachin Buri

7. Thaixing Steel, Prachin Buri

8. TSB Steel, Prachin Buri

9. Singha Thai Steel, Prachin Buri

10. KPP Steel, Prachin Buri

11. Thai Heng Steel, Phetchaburi

12. Tongpao Steel, Nakhon Ratchasima

Từ tháng 12/2016, Chính quyền các tỉnh Giang Tô, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Hà Bắc bắt đầu các cuộc thanh tra và yêu cầu dỡ bỏ các lò cảm ứng (Induction Furnace - IF) sản xuất thép cây không đạt chuẩn.

Tháng 01/2017, Chủ tịch CISA thông báo chính phủ đặt thời hạn xóa bỏ hoàn toàn lò cảm ứng là 30/06. Bộ Công nghiệp cấm bán phế liệu cho các doanh nghiệp sản xuất bằng lò cảm ứng. Sau đó, Bắc Kinh ra lệnh rà soát các công ty than và thép bất hợp pháp.

Tháng 2/2027, Tỉnh Giang Tô thông báo đóng cửa lò cảm ứng Hongtai Steel. Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia nhắc lại thời hạn 30/06, cấm ngân hàng cho vay các công ty mục tiêu. CISA công bố danh sách trắng các mục đích sử dụng được phép của lò cảm ứng.

Tháng 3/2017, Thủ tướng Lý Khắc Cường đặt mục tiêu loại bỏ 50 triệu tấn công suất thép và nhắc lại lập trường cứng rắn với lò cảm ứng. Quá trình này thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc tái cơ cấu ngành thép, giảm dư thừa công suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, công suất thép thô của Việt Nam hiện đạt khoảng 22 triệu tấn/năm, trong đó 70% là thép sản xuất từ công nghệ lò cao, 30% là thép từ công nghệ lò hồ quang (EAF) và lò điện cảm ứng (IF - không phổ biển trên thế giới). Một số nhà sản xuất thép theo công nghệ lò cao có Hòa Phát, Formosa, Tisco; Lò IF có thép Nghi Sơn (VAS), An Hưng Tường…; Lò EAF có Thép Vinakyoei, Thép Miền Nam, Thép Việt Ý...