Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều bậc phụ huynh thường vô tình thốt lên câu nói "con ổn mà" khi thấy con mình gặp khó khăn. Dù trẻ vừa vấp ngã, cãi nhau với bạn bè hay đang rơi nước mắt, phản ứng này thường xuất phát từ sự lo lắng và mong muốn an ủi con. Tuy nhiên, liệu câu nói này có thực sự giúp trẻ cảm thấy tốt hơn?
Theo chuyên gia nuôi dạy con Reem Raouda (Mỹ), người đã quan sát hơn 200 trẻ em trong các tình huống cảm xúc, một câu nói tưởng chừng như là lời động viên lại đang bị lạm dụng một cách nghiêm trọng. Bà Raouda cảnh báo rằng, đây là một trong những câu nói nguy hiểm nhất đối với sức khỏe tinh thần của trẻ em. Vậy lý do nào khiến câu nói này trở thành mối đe dọa cho sự phát triển tâm lý của trẻ?
Vì sao cha mẹ nói "con ổn mà" lại gây hại?
1. Trẻ học cách nghi ngờ chính cảm xúc của mình
Khi trẻ em trải qua cảm giác buồn bã, đau đớn hoặc sợ hãi, câu nói "con ổn mà" có thể khiến chúng cảm thấy hoang mang. Điều này dẫn đến câu hỏi: "Vậy mình đang cảm thấy gì thế này?". Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ sẽ dần mất kết nối với cảm xúc của chính mình và không còn tin tưởng vào những gì mình đang trải qua.

Ảnh minh họa.
2. Vô tình phủ nhận cảm xúc đúng lúc trẻ cần được thấu hiểu nhất
Mặc dù bạn có thể diễn đạt tình yêu thương, trẻ em vẫn có thể cảm nhận thông điệp rằng: "Cảm xúc của con không quan trọng". Sự từ chối nhẹ nhàng này dạy trẻ rằng, chỉ khi nào chúng bình tĩnh và thoải mái, cha mẹ mới ở bên cạnh. Đây chính là lúc mà sự ức chế cảm xúc bắt đầu hình thành trong tâm trí trẻ.
3. Làm gián đoạn quá trình xử lý cảm xúc tự nhiên
Cảm xúc là điều cần được nhận diện, gọi tên và xử lý một cách đúng đắn. Khi cha mẹ vội vàng tìm cách xoa dịu cảm xúc của trẻ, mà không cho trẻ thời gian để hiểu rõ những gì mình đang trải qua, trẻ sẽ phải "gồng mình" để giữ vững tinh thần. Hành động này không chỉ không giúp trẻ trở nên mạnh mẽ hơn, mà còn khiến trẻ có xu hướng né tránh cảm xúc trong tương lai.
4. Dạy trẻ rằng tình yêu là có điều kiện
Khi trẻ em thường xuyên nghe những câu như "đừng khóc", "đừng sợ" hay "con ổn mà", chúng có thể hiểu rằng để nhận được tình yêu thương, mình không nên thể hiện những cảm xúc tiêu cực. Điều này có thể dẫn đến việc nền tảng cảm giác an toàn - một yếu tố quan trọng trong sự phát triển tâm lý bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian dài.
5. Gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ
Cơ thể và não bộ của trẻ em phát triển thông qua những trải nghiệm lặp đi lặp lại. Khi trẻ khóc mà không nhận được sự đồng cảm, hệ thần kinh sẽ ghi nhớ rằng việc thể hiện cảm xúc là không an toàn. Hệ quả là trẻ lớn lên có thể gặp khó khăn trong việc tin tưởng người khác, dễ bị lo âu và không biết cách điều tiết cảm xúc của bản thân.

Cha mẹ nên nói gì khi trẻ buồn?
Trẻ em không cần những "giải pháp nhanh" để giải quyết vấn đề cảm xúc. Thay vào đó, điều quan trọng là trẻ cần được trải nghiệm và cảm nhận đầy đủ các cảm xúc của mình. Đặc biệt, trẻ cần biết rằng cảm xúc của chúng được chấp nhận, nhất là khi có sự hiện diện của cha mẹ.
Dưới đây là những câu nói giúp xây dựng kết nối cảm xúc an toàn:
- "Mẹ tin con".
- "Cảm xúc của con có lý do đấy".
- "Mẹ ở đây với con".
- "Bây giờ con chưa cần phải ổn đâu".
- "Mẹ thấy chuyện vừa xảy ra rồi, con thấy thế nào".
Những câu nói này không chỉ giúp con dịu lại, mà còn xây dựng khả năng thấu hiểu bản thân, rèn luyện trí tuệ cảm xúc, và tạo ra cảm giác an toàn lâu dài trong lòng con.
Trong hành trình nuôi dạy con cái, sẽ có những lúc bạn vô tình nói "con ổn mà". Điều này hoàn toàn bình thường. Việc nuôi dạy con có ý thức đòi hỏi chúng ta nhận diện những thói quen cũ và từng bước học cách phản ứng một cách cảm thông hơn. Mục tiêu là giúp trẻ được là chính mình, trong một không gian cảm xúc an toàn và ấm áp.