Từ 16k phí ship đến 400 triệu đồng
Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, trung tuần tháng 4/2025, chị T. (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), bất ngờ nhận cuộc gọi từ số lạ thông báo về một đơn hàng "0 đồng", chỉ cần thanh toán 16.000 đồng tiền phí ship. Với thói quen mua hàng online, chị T. không quá nghi ngờ và vội vàng yêu cầu gửi số tài khoản để chuyển khoản.
30 phút sau, người giao hàng tiếp tục gọi lại, hoảng hốt thông báo chị T. đã chuyển nhầm vào tài khoản "thành viên" của công ty giao hàng, và từ tháng sau sẽ bị trừ tự động 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Lo sợ, chị T. được hướng dẫn kết bạn Facebook với tài khoản tự xưng “GHTK hỗ trợ” để làm thủ tục huỷ đăng ký.
Qua Messenger, nhóm đối tượng gửi đường link giả giao diện GHTK, yêu cầu chị T. cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã xác thực. Tin tưởng làm theo, chỉ trong ít phút, chị T. phát hiện tài khoản bị trừ 49 triệu đồng.
Hoảng loạn, chị tiếp tục liên lạc với đối tượng và được “hướng dẫn” khiếu nại để lấy lại tiền. Được đưa vào nhóm chat “Thu hồi tiền GHTK” với các thành viên giả mạo liên tục chia sẻ "thành tích nhận lại tiền", chị T. càng thêm tin tưởng.
Liên tiếp những khoản tiền “phí khiếu nại”, “phí xác minh” lần lượt được chị chuyển đi: 4 triệu, 10 triệu, 20 triệu… Phải đến khi số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng, người phụ nữ này mới nhận ra mình bị lừa.
Nhưng nhóm lừa đảo chưa dừng lại. Chúng tiếp tục giả danh Công an. Một tài khoản khác gọi video call qua Messenger, xưng danh là cán bộ Cục Cảnh sát Hình sự.
"Chúng tôi đang điều tra một đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Chị là nạn nhân. Nhưng để không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, chị phải tuyệt đối giữ bí mật, không được tiết lộ với ai, kể cả người thân!"
Nghe vậy, chị T. như người chết đuối vớ được cọc, kể lại toàn bộ sự việc với mong muốn lấy lại số tiền đã mất.
Tên giả danh công an tiếp tục yêu cầu chị cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, sao kê. Thậm chí, đối tượng còn yêu cầu chị xác thực danh tính bằng cách đọc mã OTP gửi về điện thoại. Tin rằng mình đang phối hợp với cơ quan chức năng, chị T. lần lượt đọc hết tất cả mã xác nhận.
Khi mọi thứ kết thúc, chị mở tài khoản ngân hàng ra kiểm tra lần cuối… Số tiền còn lại cũng không cánh mà bay. Tổng thiệt hại mà chị T. phải gánh chịu sau vụ lừa đảo mạng lên tới hơn 400 triệu đồng – là toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình chị suốt nhiều năm.
Đại úy Phan Cường, điều tra viên tiếp nhận đơn trình báo cho biết: "Thủ đoạn này thực ra không hề mới. Lực lượng Công an đã liên tục tuyên truyền, cảnh báo người dân qua nhiều kênh thông tin khác nhau: báo chí, truyền hình, mạng xã hội... Thế nhưng, mỗi ngày chúng tôi vẫn tiếp nhận rất nhiều đơn trình báo với các tình huống tương tự. Không ít người bị lừa mất số tiền rất lớn, có trường hợp lên tới hàng tỷ đồng”.

Đại úy Phan Cường, Điều tra viên phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Tĩnh làm việc với chị T. Ảnh: Cổng TTĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh
Khuyến cáo của Công an:
- Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại, tin nhắn, hay mạng xã hội.
- Không truy cập các đường link lạ, đặc biệt những link yêu cầu đăng nhập tài khoản ngân hàng, chuyển tiền, hay cập nhật thông tin cá nhân.
- Cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng nhân viên giao hàng, ngân hàng, cơ quan chức năng. Khi nghi ngờ, hãy trực tiếp liên hệ tổng đài chính thức hoặc đến cơ quan công an gần nhất để xác minh.
- Không tin tưởng vào các nhóm chat, hội nhóm "giúp thu hồi tiền" – đây là chiêu trò tinh vi nhằm tiếp tục lừa đảo thêm lần nữa.
- Bình tĩnh, tỉnh táo trước mọi thông tin nhận được, đặc biệt khi thông tin đó gây tâm lý hoảng sợ, vội vàng.
(Theo Cổng TTĐT Công an Hà Tĩnh)