Conic Boulevard

Để thành nước phát triển, thu nhập bình quân vượt 14.000 USD, Việt Nam nhắm làm chủ những công nghệ chiến lược này

Việt Nam hướng tới làm chủ các công nghệ chiến lược.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, sáng 4/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đến thăm và làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đã truyền cảm hứng với thông điệp mạnh mẽ, khuyến khích Viện Hàn lâm tiếp tục phát huy tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám thử, dám tiên phong" trong mọi hoạt động. Phó Thủ tướng kỳ vọng Viện Hàn lâm sẽ đi đầu trong nghiên cứu cơ bản và làm chủ các công nghệ chiến lược, vượt qua mọi rào cản để tạo những bước đột phá quan trọng. Những nỗ lực này sẽ góp phần vào hành trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, giàu mạnh và hùng cường vào năm 2045.

Theo tiêu chí đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), những nước có thu nhập bình quân trên 14.005 USD sẽ thuộc nhóm có thu nhập cao trên thế giới.

Phát huy vai trò đầu tàu trong nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện, Phó Thủ tướng đề cập tới các lĩnh vực chiến lược như công nghệ vũ trụ, khoa học biển, công nghệ sinh học và vật liệu mới, lượng tử, bán dẫn, robot, xe tự hành, máy bay không người lái...

Cùng với đó, "cần tập trung vào công nghệ có lợi thế nhưng Việt Nam cũng không thể đứng ngoài các công nghệ xu hướng mang lại lợi ích cho nền kinh tế, xã hội. Hơn nữa, cần đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ lõi và công nghệ nguồn để tạo nền tảng tri thức, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn và thị trường như y tế, năng lượng, môi trường và công nghệ cao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị Viện Hàn lâm KHCN phải đặt mục tiêu, chỉ tiêu, sản phẩm cụ thể, phấn đấu ít nhất 10 sản phẩm từ nghiên cứu ra thị trường mỗi năm trong 5 năm tới.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản tại Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCNVN đã khẳng định vị thế hàng đầu với thành tích ấn tượng: hơn 2.000 công trình khoa học được công bố mỗi năm. Nhiều nghiên cứu đã xuất hiện trên các tạp chí quốc tế danh giá với chỉ số ảnh hưởng (impact factor) cao, minh chứng cho chất lượng và tầm ảnh hưởng vượt biên giới.

Thành tựu khoa học của đội ngũ nghiên cứu viên Viện Hàn lâm còn được vinh danh qua những giải thưởng uy tín nhất, từ Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước trong nước, đến các giải thưởng quốc tế danh giá như Ramanujan, L'Oreal và Kovalevskaia, góp phần nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên bản đồ học thuật toàn cầu.

Theo tinh thần của Nghị quyết 45-NQ/TW, Nghị quyết 57-NQ/TW của Trung ương, trong giai đoạn 2025 – 2030, tập trung đầu tư, tăng cường năng lực cho Viện Hàn lâm ngang tầm các tổ chức khoa học và công nghệ quốc tế trong khu vực và trên thế giới, Viện Hàn lâm đưa ra kiến nghị tập trung vào các vấn đề như: (1) Một số giải pháp đặc thù liên quan tới tinh giản biên chế, kiện toàn các tổ chức bên trong cho phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và xu hướng phát triển KHCN trên thế giới; (2) Tập trung đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu cho Viện Hàn lâm, đặc biệt là trong nghiên cứu cơ bản;

(3) Tiếp tục đầu tư cho Viện Hàn lâm một số Phòng Thí nghiệm trọng điểm để nghiên cứu, phát triển một số công nghệ then chốt, công nghệ chiến lược trong các lĩnh vực Công nghệ vũ trụ, công nghệ lượng tử, công nghệ vật liệu, công nghệ tế bào gốc, công nghệ chỉnh sửa gen, công nghệ vắc-xin, công nghệ AI, công nghệ IoT, công nghệ môi trường và năng lượng tái tạo, công nghệ cảnh báo thiên tai,…

(4) Đóng tàu nghiên cứu biển để chủ động triển khai thực hiện các công tác khảo sát, nghiên cứu biển; (5) Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Viện Hàn lâm, thúc đẩy công tác chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu; (6) Tiếp tục giao Viện Hàn lâm xây dựng, triển khai một số Chương trình KHCN Quốc gia như Chương trình KHCN Vũ trụ, Chương trình KHCN Biển.