Conic Boulevard

"Đừng đưa con đi du lịch", chia sẻ của một người mẹ là bác sĩ lúc nửa đêm khiến phụ huynh đồng tình tuyệt đối

Bạn có đồng tình với quan điểm này?

* Bài viết của blogger Daddy Milk - cây bút chuyên về nuôi dạy con ở Trung Quốc:

Đêm khuya, tôi đọc được một dòng trạng thái của người bạn — là bác sĩ chuyên tư vấn tâm lý trẻ em — đăng trên trang cá nhân. Nội dung rất ngắn gọn: "Nếu có thể, xin đừng vội đưa con đi du lịch".

Vừa nhìn thấy, tôi lập tức nhắn cho cô ấy.

Bởi lẽ, đúng dịp này, gia đình tôi cũng đang lên kế hoạch cho chuyến du lịch vào kỳ nghỉ hè. Mấy ngày nay, chúng tôi còn háo hức chọn điểm đến, xem nên đi đâu cho "xứng đáng".

"Đừng đưa con đi du lịch", chia sẻ của một người mẹ là bác sĩ lúc nửa đêm khiến phụ huynh đồng tình tuyệt đối- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Thế mà vừa mới chốt được vài địa điểm, tôi đã đọc được dòng chia sẻ ấy. Tôi vội vàng hỏi han, mới ngộ ra rằng: Chuyện đưa con đi du lịch thực ra chẳng hề đơn giản như các bậc cha mẹ vẫn tưởng.

Cô bạn tôi bảo, lý do cô ấy đăng bài cảnh báo là vì chỉ trong vòng ba ngày gần đây, đã có ba trường hợp trẻ đến gặp cô do bị rối loạn cảm xúc… và nguyên nhân đều bắt đầu từ "chuyến du lịch gia đình".

Trong đó, cô ấn tượng nhất là cậu bé 7 tuổi.

Gia đình cậu bé đã lên lịch cho chuyến đi từ sớm, thậm chí còn tính toán nghỉ học trước một ngày để tránh chen chúc vào ngày cao điểm. Nhưng điều họ không ngờ tới là, trước khi chuyến đi bắt đầu, cậu bé bỗng dưng có những biểu hiện bất thường: Lo âu, chán ăn, thậm chí sốt cao.

Sau này mới phát hiện, tất cả đều do con… không muốn đi du lịch.

Ngay cả việc bị sốt, cũng là do con cố ý tắm nước lạnh để trốn tránh.

Thì ra, mỗi lần đi du lịch, với con chẳng khác gì bị "tống" vào một lớp học di động.

Suốt dọc đường, con luôn bị yêu cầu phải quan sát, phải hiểu, phải ghi nhớ những gì nhìn thấy. Thậm chí, cha mẹ còn ép con dùng thành ngữ, thơ ca để mô tả phong cảnh. Nếu con không nói được, nhẹ thì bị nhắc nhở, nặng thì bị trách mắng. Thế là, sau mỗi chuyến đi, cả nhà đều mệt rã rời, cả thể xác lẫn tinh thần.

Chỉ nghe thôi cũng đủ cảm thấy ngột ngạt, nặng nề.

Cô bạn tôi nói, mấy năm gần đây, những câu chuyện như thế xảy ra ngày càng nhiều. Du lịch ngày nay không chỉ khiến cha mẹ "kiệt sức", mà cả con trẻ cũng bị bức bách tới mức mất cân bằng cảm xúc.

Và chính vì những lời tâm sự ấy, tôi mới quyết định ngồi xuống, viết bài này.

Có lẽ, đã đến lúc nhiều bậc cha mẹ chúng ta cần nghiêm túc suy ngẫm về chuyện đưa con đi du lịch.

01. Du lịch bây giờ, liệu có thực sự phù hợp với trẻ?

Ngày nay, việc "đưa con đi khám phá thế giới" gần như đã trở thành một bài học bắt buộc với các bậc phụ huynh. Ai cũng cho rằng du lịch là một phần không thể thiếu trong giáo dục con cái. Cứ mỗi dịp nghỉ lễ, mạng xã hội lại ngập tràn những bức ảnh gia đình đi bảo tàng, công viên giải trí, biển đảo... Cảm giác như nếu không cho con đi chơi xa, cha mẹ sẽ cảm thấy có lỗi, hoặc sợ con mình sẽ thiệt thòi, tụt lại phía sau bạn bè.

Nhưng điều đáng nói là: Rất nhiều chuyến du lịch của gia đình lại vô tình biến thành gánh nặng đối với trẻ.

Chẳng hạn như kiểu du lịch chạy show: Ngày thường bận rộn, nên khi có dịp nghỉ là cha mẹ cố nhồi nhét lịch trình dày đặc: một ngày "cày" 3-4 điểm đến. Kết quả là trẻ thì mệt nhoài, buồn ngủ, chẳng còn sức để ngắm cảnh hay vui chơi. Chưa kể, việc ăn uống thất thường, di chuyển liên tục cũng dễ khiến trẻ gặp vấn đề sức khỏe.

Chưa hết, cách nhìn nhận của người lớn và trẻ nhỏ về du lịch cũng rất khác nhau. Cha mẹ thích check-in điểm nổi tiếng, tham quan danh thắng, bảo tàng để con "mở mang tầm mắt". Nhưng trong mắt trẻ, những điều đó đôi khi chẳng bằng… niềm vui đơn giản khi được chơi bùn, nghịch nước.

Lại có những cha mẹ còn "gắn" cho chuyến du lịch một nhiệm vụ to lớn: Phải giúp con học hỏi, phải để lại dấu ấn.

Tôi có cô bạn, Tết vừa rồi đưa con trai đi du lịch nước ngoài, còn thuê hẳn hướng dẫn viên bản xứ giảng giải suốt hành trình. Về đến nhà, cô yêu cầu con viết bài văn kể lại chuyến đi. Ba tiếng trôi qua, trang giấy của cậu bé vẫn… trắng trơn.

Thế là, cô bạn nổi cơn thịnh nộ: "Đi cả chuyến mấy chục triệu, mà con chẳng nhớ gì à? Mẹ phải lo đủ thứ cho con ăn uống, mà con chỉ đáp lại thế này à?".

Kết cục là: Hai mẹ con cãi vã, tình cảm rạn nứt, chuyến đi kết thúc trong bực bội.

Thử nghĩ mà xem, kỳ nghỉ lẽ ra để thư giãn, nhưng khi trở về thì:

Trẻ thì lăn ra ốm, người lớn thì kiệt sức, không khí gia đình rệu rã.

Vậy, những chuyến đi như vậy, liệu có còn ý nghĩa với trẻ?

02. Trước khi đưa con đi du lịch, hãy tự hỏi mình 3 điều này

Khi nói về du lịch, chúng ta thường chỉ mơ về "trời xanh mây trắng", mà quên mất thực tế trước mắt. Đặc biệt là khi đi cùng trẻ nhỏ, cha mẹ cần tự vấn 3 câu hỏi quan trọng:

Thứ nhất, tài chính có đủ vững không?

Du lịch vừa tốn sức, vừa tốn tiền. Nhiều phụ huynh vì sợ con "thua kém" bạn bè mà tiêu xài không tiếc, chiều chuộng mọi yêu cầu của con. Thậm chí, có người còn cố gồng để giữ thể diện. Nhưng khi về nhà, nhìn lại số tiền "bay mất", mới cảm thấy xót xa, ân hận.

Thật ra, đưa con đi chơi, quan trọng nhất vẫn là liệu cơm gắp mắm. Nếu không, đến lúc cần chi tiêu thiết thực, lại quay ra trách móc con, thì vừa mất tiền, vừa tổn thương tình cảm.

Thứ hai, con có thực sự muốn đi không?

Đi chơi là để trẻ vui, nên trẻ phải là trung tâm. Trước khi quyết định, cha mẹ hãy hỏi ý kiến con, chứ đừng áp đặt kiểu "con phải đi để mở mang tầm mắt".

Quá trình hỏi ý kiến con cũng là cách giúp trẻ học cách đưa ra quyết định, rèn luyện sự tự tin.

Thứ ba, tôi có đang biến du lịch thành nhiệm vụ không?

Nếu chuyến đi chỉ để "check-in", "học hỏi", "để lại thành tích", thì đó là du lịch kiểu công vụ. Trẻ thì thể lực có hạn, tâm lý chưa vững, bị lôi theo những lịch trình dày đặc chỉ khiến chúng mệt mỏi, bức bối. Muốn chuyến đi thực sự ý nghĩa, cha mẹ cần học cách thả lỏng, bỏ bớt kỳ vọng.

Khi cân nhắc kỹ ba điều này, chuyến đi sẽ trở lại đúng nghĩa: chậm rãi, nhẹ nhàng và vui vẻ.

03. Một chuyến đi đúng nghĩa là cùng con trải nghiệm và đồng hành

Tôi rất thích một câu nói: "Đưa con đi du lịch, điều quan trọng không phải là đã đặt chân tới đâu, mà là con cảm thấy vui vẻ, tò mò và được an toàn trong suốt hành trình".

Vì thế, khi đưa con đi chơi, cha mẹ hãy nhớ ba nguyên tắc:

Thứ nhất, hãy chậm lại, để con làm chủ nhịp điệu.

Thay vì chạy đua tham quan ba điểm một ngày, hãy để con thoải mái chơi cát cả ngày trên bãi biển, hay ngồi hàng giờ bên bờ suối ngắm cá, bắt côn trùng.

Niềm vui của trẻ đến từ những điều nhỏ bé như vậy.

Thứ hai, hãy biến chuyến đi thành trải nghiệm cuộc sống.

Dắt con đi chợ địa phương, đi xe buýt, trò chuyện với người bản xứ...

Những hoạt động giản dị đó giúp con hiểu thế giới chân thực hơn là mải miết check-in ở các danh lam thắng cảnh.

Thứ ba, hãy dành cho con sự đồng hành trọn vẹn.

Trẻ không nhớ nổi đã đến bao nhiêu bảo tàng, nghe bao nhiêu bài giảng lịch sử.

Nhưng chúng sẽ nhớ mãi những khoảnh khắc: cùng cha mẹ ngắm sao, ăn chung que kem, hay được cha mẹ chăm chú lắng nghe suốt chuyến đi.

Chính những điều ấy, mới là tài sản quý giá đi theo con suốt đời.

Thật ra, khi cha mẹ bỏ bớt kỳ vọng, buông bỏ sự cầu toàn, cùng con trải nghiệm mọi thứ với tâm thế thảnh thơi,

Những niềm vui giản dị, những khoảnh khắc đẹp đẽ cũng sẽ tự nhiên mà đến.

Vì sau cùng, giáo dục con đâu phải ở những nơi xa xôi, mà nằm ngay trong sự kiên nhẫn và yêu thương chân thành của cha mẹ.