Conic Boulevard

Trung Quốc “hô mưa” từ bột khói màu vàng: Chỉ 1 kg “hóa phép” thành lượng nước lấp đầy 30 bể bơi Olympic

Một thí nghiệm biến đổi thời tiết ở Tân Cương, Trung Quốc, liên quan đến việc phát tán 1 kg bạc iodide vào khí quyển, đã tạo ra hơn 70.000 m³ nước mưa, tương đương với mức tăng 4%.

Các nhà khoa học thuộc Chính phủ Trung Quốc đã công bố kết quả từ một thí nghiệm biến đổi thời tiết ở Tân Cương; tại đó, một đội máy bay không người lái gieo mây đã giúp tăng lượng mưa lên hơn 4% trên hơn 8.000 km2 chỉ trong một ngày.

Hoạt động này đã tạo ra hơn 70.000 m³ nước mưa bổ sung - đủ để lấp đầy 30 hồ bơi kích thước Olympic (dài 50 m x rộng 25 m x sâu 2 m) chỉ bằng việc phát tán 1 kg bạc iodide - một hợp chất gieo mây phổ biến. Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 4/5 đưa tin, lượng bạc iodide này đậm đặc hơn nước 6 lần, đủ nhỏ để đựng trong một chiếc bình nước du lịch.

Cuộc thử nghiệm do Phòng thí nghiệm trọng điểm của Cục Khí tượng Trung Quốc về vật lý mây - lượng mưa và biến đổi thời tiết tại Bắc Kinh dẫn đầu, và kết quả đã được trình bày chi tiết trong một báo cáo khoa học đăng tải trên tạp chí tiếng Trung “Khí tượng Sa mạc và Ốc đảo” xuất bản vào ngày 10/4.

Trung Quốc “hô mưa” từ bột khói màu vàng: Chỉ 1 kg “hóa phép” thành lượng nước lấp đầy 30 bể bơi Olympic- Ảnh 1.

Hai máy bay không người lái cỡ trung bay lên độ cao 5.500 m và giải phóng 1 kg bạc iodide trong bốn chuyến bay liên tiếp trên khu vực đồng cỏ Bayanbulak ở Tân Cương, đã giúp tăng lượng mưa lên hơn 4% trên hơn 8.000 km2 chỉ trong một ngày. Ảnh: SCMP

Gieo mưa/tuyết trên mọi thời tiết, quanh năm, ba chiều và quy mô lớn

Theo báo cáo khoa học, hai năm trước, hai máy bay không người lái cỡ trung đã bay lên độ cao 5.500 m và giải phóng bạc iodide trong bốn chuyến bay liên tiếp trên khu vực đồng cỏ Bayanbulak ở Tân Cương. Được đóng gói trong thanh phóng, loại bột màu vàng này được phát tán vào khí quyển dưới dạng khói. Mỗi chuyến bay sử dụng hai thanh phóng, mỗi thanh chứa 125 gram bạc iodide và các tinh thể được phân tán với tốc độ 0,28 gram mỗi giây.

Các nhà khoa học Trung Quốc giải thích rằng hệ thống máy bay không người lái giúp giảm thiểu nguy cơ mất an toàn, khả năng cơ động vượt trội, điều khiển chính xác và phạm vi hoạt động rộng, cho phép thực hiện các hoạt động gieo mưa/tuyết trên mọi thời tiết, quanh năm, ba chiều và quy mô lớn.

SCMP cho biết thêm, các hoạt động biến đổi thời tiết tương tự cũng đã được thực hiện ở nhiều khu vực khác nhau của Trung Quốc, bao gồm Quý Châu, Thượng Hải, Cam Túc và Tứ Xuyên.

Phối hợp với Văn phòng Biến đổi Thời tiết Tân Cương, nhóm các nhà khoa học của Cục Khí tượng Trung Quốc đã sử dụng ba phương pháp xác thực để kiểm tra chéo kết quả thí nghiệm. Các phép đo giọt mưa cho thấy kích thước giọt mưa tăng từ 0,46 mm lên 3,22 mm sau khi phát tán bạc iodide. Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiệt độ trên đỉnh mây giảm tới 10°C và khối mây mở rộng khoảng 2,9 km, phản ánh tác động tích cực của hoạt động gieo mây.

Trung Quốc “hô mưa” từ bột khói màu vàng: Chỉ 1 kg “hóa phép” thành lượng nước lấp đầy 30 bể bơi Olympic- Ảnh 2.

Cảnh quan ngoạn mục của những đám mây bồng bềnh trôi trên dãy núi Thiên Sơn sau trận mưa ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc, vào ngày 25/10/2023. Ảnh: China News Service

Ước tính lượng mưa tại Tân Cương tăng 3,8% trong 50 năm

Theo SCMP, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đặt ra những câu hỏi quan trọng về hoạt động gieo mây, chẳng hạn như làm thế nào để xác định chắc chắn liệu chúng có khuếch đại hay vô tình ngăn chặn lượng mưa hay không. Họ cũng đặt câu hỏi về số liệu nào nên được sử dụng để xác định lượng nước mưa tăng hoặc giảm, và lợi ích có thể tăng theo từng năm như thế nào.

Thống kê phân tích dữ liệu khí hậu Tân Cương trong 50 năm ước tính lượng mưa sẽ tăng thêm 78.200 m³, tương đương 3,8%. Trong khi đó, các thí nghiệm mô phỏng dự đoán mức tăng 73.800 m³, khá sát với kết quả thực tế.

SCMP đưa tin, Tân Cương - bao gồm một phần sa mạc Gobi và Taklamakan - đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do sông băng tan chảy và hiện tượng sa mạc hóa. Theo ước tính chính thức của Trung Quốc, các chỏm băng của dãy núi Thiên Sơn ở Tân Cương, vốn rất quan trọng đối với sinh kế của 25 triệu người dân địa phương, đang thu hẹp từ 2 đến 3 km2 mỗi năm.

Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, khu vực này đang chứng kiến lượng mưa nhiều hơn, tăng khoảng 6 mm mỗi thập kỷ, do khí hậu ấm lên. Hơn nữa, các nỗ lực địa kỹ thuật của Trung Quốc, chẳng hạn như trồng rừng nhân tạo và sử dụng những tấm pin mặt trời, được cho là đang giúp đẩy nhanh quá trình phủ xanh tự nhiên.

Theo SCMP