Kế toán chuyển nhầm tiền cho công ty khác
Vụ việc bắt nguồn từ một giao dịch giữa một công ty kính ở Quảng Tây (Trung Quốc) và một công ty thương mại tại Nam Ninh. Do công ty kính chưa thanh toán hết số tiền mua hàng, một công ty trang trí nội thất đã thay mặt chuyển khoản 50.000 NDT (khoảng 176 triệu đồng) cho công ty thương mại. Vì vậy, tài khoản ngân hàng của công ty thương mại đã được lưu trong danh sách người nhận của hệ thống kế toán công ty trang trí nội thất.
Hơn hai năm sau, vào tháng 7/2022, kế toán của công ty trang trí này vô tình nhập sai thông tin và chuyển nhầm 46.000 NDT (khoảng 162 triệu đồng) vào tài khoản công ty thương mại, với nội dung ghi rõ “khoản tạm ứng”. Ngay khi phát hiện sai sót, bộ phận tài chính đã gọi điện báo cảnh sát và gửi thông báo chính thức yêu cầu hoàn trả. Tuy nhiên, phía công ty thương mại khẳng định khoản tiền này cũng là thanh toán hộ công ty kính nên kiên quyết từ chối trả lại.

(Ảnh minh họa)
Phán quyết của tòa án
Đến tháng 8 cùng năm, công ty trang trí nội thất đã khởi kiện công ty thương mại ra tòa, yêu cầu hoàn trả khoản tiền 46.000 NDT cùng phí tổn thất do chậm hoàn trả. Tháng 10, Tòa án quận Giang Nam mở phiên xét xử vụ tranh chấp liên quan đến khoản tiền hưởng lợi không chính đáng.
Tại tòa, công ty thương mại lập luận rằng số tiền 46.000 NDT không phải là khoản thu nhập bất hợp pháp mà là khoản thanh toán hộ công ty kính mà công ty trang trí thực hiện một lần nữa.
Tuy nhiên, sau khi xét xử, tòa nhận định rằng: theo quy định pháp luật, bất kỳ ai nhận được khoản tiền không có căn cứ hợp pháp và gây tổn thất cho người khác, đều phải hoàn trả lại. Trong vụ việc này, công ty thương mại không đưa ra được bằng chứng thuyết phục. Hơn nữa, giữa hai bên không có bất kỳ giao dịch hay khoản thanh toán nào liên quan, nội dung giao dịch cũng được ghi chú là “khoản tạm ứng”, không thể hiện việc thanh toán hộ cho bên thứ ba.
Sau khi xem xét toàn diện vụ việc, tòa kết luận rằng số tiền 46.000 NDT mà công ty thương mại nhận được không có căn cứ pháp lý, đã đáp ứng các điều kiện cấu thành “hưởng lợi không chính đáng”. Do đó, công ty thương mại phải hoàn trả toàn bộ số tiền trên, đồng thời thanh toán thêm khoản lãi suất do chậm hoàn trả.
Phán quyết của tòa đã có hiệu lực và công ty thương mại đã hoàn trả đầy đủ số tiền theo yêu cầu.
Cẩn trọng khi thực hiện giao dịch chuyển khoản


Tiền tệ là một loại tài sản đặc biệt trong pháp luật, do đó khi thực hiện giao dịch chuyển khoản, cần làm rõ mục đích và tính chất của khoản tiền nhằm tránh tranh chấp liên quan đến các quan hệ nợ khác nhau. Trong vụ án này, nguyên đơn đã ghi nội dung chuyển khoản như “thanh toán hàng hóa” hay “khoản tạm ứng”, giúp bảo vệ quyền lợi dân sự của mình một cách hiệu quả.
Về phía người nhận tiền, cũng cần lưu ý đến nội dung ghi chú của khoản tiền nhận được. Nếu nhận thấy thông tin không khớp với thực tế, cần nhanh chóng liên hệ với người chuyển khoản để làm rõ.
Có câu nói: “Không bữa ăn nào là miễn phí”. Khi nhận được khoản tiền lạ, nếu xác minh là tiền chuyển nhầm và không thuộc quyền sở hữu của mình, người nhận nên chủ động liên hệ với ngân hàng hoặc các cơ quan chức năng để hoàn trả khoản tiền này trong thời gian sớm nhất.
Theo Baidu