Conic Boulevard

Khi con cái, bố mẹ cùng nhau trở thành hot TikToker: Hạnh phúc viral, sóng gió cũng lan nhanh

Dù trước đó từng vui vẻ, từng được tung hô bao nhiêu thì khi drama xảy ra, đó lại trở thành “miếng mồi ngon” để cộng đồng mạng xâu xé, vạch lá tìm sâu.

Nội dung gia đình trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, đang trở thành một chủ đề hot, hút view, dễ lên xu hướng. Những video ghi lại khoảnh khắc quây quần, những thử thách vui nhộn hay câu chuyện tình thân đầy cảm xúc đã chạm đến trái tim hàng triệu khán giả. Sức hút của chúng nằm ở sự chân thực, gần gũi, khiến người xem dễ dàng đồng cảm và kết nối.

Tuy nhiên, chỉ một khoảnh khắc bất cẩn hay một sai lầm nhỏ cũng có thể thổi bùng lên một cơn bão truyền thông, đẩy cả gia đình vào tâm điểm chú ý không mong muốn. Những người vốn hoạt ngôn, khéo léo trong các video bỗng trở nên lúng túng, thậm chí mắc thêm sai lầm khi đối mặt với khủng hoảng.

Một câu hỏi lớn được đặt ra: Khi cả gia đình cùng xuất hiện trên không gian mạng, họ sẽ đối phó thế nào khi sóng gió ập đến? Đặc biệt, khi có sự góp mặt của con trẻ, những tổn thương tâm lý nào có thể xảy ra khi chúng vô tình sống trong tâm bão dư luận?

Ngay cả những thành viên mạnh mẽ nhất trong gia đình cũng có thể chao đảo trước làn sóng tiêu cực, vậy điều gì sẽ là lá chắn bảo vệ những đứa trẻ trước những điều toxic vốn không thể tránh?

Không ai biết lúc nào sẽ “hết vui”

Trong thời đại mà “content” là vua, những video này dễ dàng thu hút sự chú ý nhờ tính chân thật và sự ấm áp mà nó mang lại. Đặc biệt, khi con trẻ xuất hiện trong những khung hình đáng yêu, những tiếng cười ngây thơ vô tình trở thành “chìa khoá” hút view mạnh mẽ. Có những kênh TikTok chỉ sau vài tháng đã sở hữu hàng trăm nghìn lượt theo dõi, clip nào cũng tràn ngập bình luận khen ngợi.

Nhưng chính ở đó, câu hỏi về ranh giới giữa niềm vui và rủi ro bắt đầu xuất hiện.

Mạng xã hội vốn không có giới hạn. Một clip nấu ăn hôm nay có thể trở thành đề tài chế giễu ngày mai. Một câu nói vô tình, một biểu cảm của con nhỏ có thể bị cộng đồng mạng cắt ghép, suy diễn và thổi phồng thành những câu chuyện tiêu cực. Khác với những cuộc trò chuyện ngoài đời, một khi đã đưa hình ảnh và câu chuyện lên mạng, cha mẹ không còn quyền kiểm soát ai sẽ xem, ai sẽ bình luận và ai sẽ công kích.

Khi con cái, bố mẹ cùng nhau trở thành hot TikToker: Hạnh phúc viral, sóng gió cũng lan nhanh- Ảnh 1.

Đáng lo hơn cả, không chỉ cha mẹ mới chịu sức ép từ dư luận, mà con cái - những đứa trẻ chưa đủ năng lực nhận thức lại trở thành nạn nhân dễ bị tổn thương nhất.

Ở ngoài đời, một xích mích nhỏ có thể khép lại sau vài câu xin lỗi. Nhưng trên mạng, chỉ một clip vạ miệng hay một khoảnh khắc bị hiểu lầm cũng đủ để cộng đồng mạng “bóc tách”, đào sâu và lan truyền không ngừng. Không ít đứa trẻ trở thành trò cười, đối tượng chế giễu của bạn bè hay thậm chí là người lớn xung quanh. Những bình luận ác ý có thể đeo bám chúng nhiều năm, để lại vết sẹo tâm lý âm ỉ không dễ gì xóa bỏ.

Nhiều người vẫn nghĩ: “Nhà mình chỉ quay vui thôi, chắc chẳng có chuyện gì nghiêm trọng”.

Đó là một ngộ nhận phổ biến.

Mạng xã hội vốn không vận hành theo ý muốn cá nhân. Có thể hôm nay clip chỉ là một khoảnh khắc dễ thương, nhưng ngày mai, khi drama nổ ra từ một sự cố nhỏ, không ai lường trước được mọi chuyện sẽ đi xa đến đâu. Đã có không ít kênh TikTok gia đình từng được yêu thích, bỗng chốc trở thành tâm điểm chỉ trích, mọi video vui vẻ trước đây bị lật lại. Dù trước đó từng vui vẻ, từng được tung hô bao nhiêu thì khi drama xảy ra, đó lại trở thành “miếng mồi ngon” để cộng đồng mạng xâu xé, vạch lá tìm sâu.

Hơn nữa, phần lớn các kênh gia đình thường xây dựng hình ảnh lý tưởng, do đó khi mâu thuẫn thực tế xảy ra, điều này cũng phần nào khiến mọi chuyện trầm trọng hơn. Bởi khi hình ảnh gia đình hoàn hảo hay gia đình kiểu mẫu tan vỡ trong mắt công chúng vì một sự cố nào đó, tất cả sẽ quay lưng, cảm thấy như “bị lừa dối” và họ không còn tin vào những gì mà các kênh tiếp tục chia sẻ sau đó.

Khi con cái, bố mẹ cùng nhau trở thành hot TikToker: Hạnh phúc viral, sóng gió cũng lan nhanh- Ảnh 2.

Vụ việc của một gia đình nổi tiếng TikTok với hơn 400k follows mới đây là một minh chứng rõ ràng. Chỉ vì một sự cố liên quan đến việc làm mất tai nghe, lời qua tiếng lại với hàng xóm, gia đình này đang hứng chịu làn sóng chỉ trích gay gắt vì cách ứng xử ngoài đời.

Từ một lỗi nhỏ có thể hóa giải nhưng khi viral trên MXH, câu chuyện được lan truyền nhanh chóng, mỗi người một ý kiến riêng, người thì “đào” lại các video cũ để chế giễu. Những bình luận ác ý không chỉ làm mờ đi hình ảnh tích cực mà còn biến những khoảnh khắc vui vẻ trước đó thành một khủng hoảng truyền thông kéo dài.

Đưa con cái lên mạng, bố mẹ có đủ sức bảo vệ con trước drama?

Nhiều chuyên gia truyền thông thừa nhận, ngay cả họ - những người làm nghề xử lý khủng hoảng đôi khi cũng lúng túng khi “drama” trên mạng bùng phát. Làn sóng dư luận trên mạng xã hội có thể hung hãn, không tuân theo logic hay đạo đức thông thường. Đám đông mạng có thể bới móc đời tư, bịa đặt tin đồn và tấn công không điểm dừng. Cha mẹ bình thường, nếu không chuẩn bị kỹ năng và kiến thức, sẽ rất dễ rơi vào thế bị động, không biết làm sao để bảo vệ con mình.

Theo chuyên gia truyền thông Phùng Thái Học, anh chia sẻ trên trang cá nhân: “Cho con nhỏ hiện diện trên mạng xã hội là một việc làm chứa đựng nhiều rủi ro. Cha mẹ cần thực sự ý thức được điều đó để cân đối giữa được và mất.

Cho con ra ngoài đường giao lưu, nếu có chuyện, thì mọi thứ thường chỉ gói gọn trong không thời gian đó thôi. Mọi chuyện rồi sẽ qua. Nhưng lên mạng thì khác, một khi mà đã có chuyện xảy ra, không ai có thể lường trước được tình hình có thể trở nên tệ đến mức nào. Và mọi chuyện có thể bám đuổi những người trong cuộc rất rất lâu”.

Bên cạnh đó, anh cũng đặt ra câu hỏi khi có chuyện xảy ra, những bậc làm cha, làm mẹ sẽ xử lý với tâm thế như thế nào? Đi tìm đúng sai, phân bua lý lẽ với cộng đồng mạng hay tâm thế bảo vệ những đứa con bé bỏng của mình?

Khi con cái, bố mẹ cùng nhau trở thành hot TikToker: Hạnh phúc viral, sóng gió cũng lan nhanh- Ảnh 3.

Anh Phùng Thái Học cho rằng nhiều gia đình quá vô tư trong việc xây kênh có sử dụng hình ảnh của con nhỏ. Mặc dù điều này không sai, cũng không ai cấm nhưng trước khi đưa hình ảnh con lên mạng cần cân nhắc những vấn đề sau.

1. Có rủi ro nào có thể ảnh hưởng tới tuổi thơ và tương lai của con hay không?

2. Bố mẹ cần phải trang bị những tư duy và kiến thức gì để bảo vệ con mình? Phải làm gì khi có bình luận tiêu cực hướng vào con mình, thậm chí là tính đến cả bạo lực mạng?

3. Con nhỏ chưa đủ năng lực nhận thức. Con có hiểu được chuyện hình ảnh của mình đang lan truyền trên mxh không? Sau này khi lớn lên, con có trách cha mẹ vì đã quyết định đưa hình ảnh lên MXH?

4. Mức độ chia sẻ về sự riêng tư của con đang như thế nào? Chỉ là vài tấm ảnh vui vui, hay là những tư liệu riêng tư như thói xấu hoặc hình ảnh đáng xấu hổ của con?

5. Những thông tin và hình ảnh của con liệu có thể bị dùng vào mục đích xấu không?

6. Cha mẹ có vô tình hoặc cố tình bắt con diễn để phù hợp với hình ảnh mà cha mẹ muốn không?

Có thể nói, việc đưa cả gia đình lên mạng xã hội không đơn thuần là chuyện quay video, chia sẻ niềm vui. Hậu quả của việc “lên sóng” không chỉ là vài clip bị soi mói. Nó có thể trở thành vết thương tâm lý, một chiếc “dấu vết số” không bao giờ biến mất.

Trong thời đại công nghệ, mọi thứ đã lên mạng gần như tồn tại mãi mãi. Ngay cả khi kênh TikTok đã xoá, clip đã ẩn, vẫn luôn có cách để truy lục, chia sẻ lại. Một bình luận ác ý có thể bị quên đi với người viết, nhưng nó có thể in đậm trong tâm trí con trẻ hay thậm chí là cả gia đình.

Khi con cái, bố mẹ cùng nhau trở thành hot TikToker: Hạnh phúc viral, sóng gió cũng lan nhanh- Ảnh 4.

Vậy nên, trước khi quyết định đưa hình ảnh của con và gia đình lên TikTok, mỗi ông bố bà mẹ cần tự hỏi mình một lần nữa. Clip vui vẻ hôm nay có đáng để đánh đổi tuổi thơ của con không? Liệu vài lượt view, chút tiếng cười ảo có đáng để con phải hứng chịu ánh mắt soi mói, lời bàn tán ác ý và những tổn thương có thể đeo bám suốt đời? Khi mọi thứ trở thành “nội dung”, liệu cha mẹ còn giữ được vai trò chở che, hay chính họ cũng trở thành con rối bị cuốn vào guồng quay dư luận?

Mạng xã hội mở ra cơ hội kết nối, chia sẻ, nhưng nó không phải là nơi an toàn tuyệt đối. Gia đình, hơn ai hết, cần là chốn bình yên, là nơi mỗi người được bảo vệ và yêu thương. Không ai cấm cha mẹ chia sẻ khoảnh khắc hạnh phúc, nhưng hãy luôn tỉnh táo, đừng biến con thành “công cụ” câu view.

Bởi một khi drama xảy ra, không ai biết được vết thương sẽ kéo dài đến đâu, và liệu có bao giờ lành lại.

Ảnh minh họa: Pinterest