Khoan trúng mỏ kho báu 'trời cho', một quốc gia nắm chắc trong tay 2.000 tỷ USD, mỗi người dân được 'hưởng' 340.000 USD nhưng đang 'khổ sở' vì... quá giàu

Nhờ khoan trúng một mỏ dầu lớn, quốc gia này đã nhanh chóng trở nên giàu có. Tuy nhiên, việc quá giàu lại tạo ra nhiều vấn đề.
Khoan trúng mỏ kho báu 'trời cho', một quốc gia nắm chắc trong tay 2.000 tỷ USD, mỗi người dân được 'hưởng' 340.000 USD nhưng đang 'khổ sở' vì... quá giàu- Ảnh 1.

Năm 1969, khi công ty dầu khí Phillips Petroleum chuẩn bị từ bỏ công cuộc thăm dò trên thềm lục địa Na Uy, họ quyết định khoan thêm một giếng dầu cuối cùng tại vùng biển Ekofisk và trúng mỏ lớn.

Phát hiện mỏ Ekofisk được xem là bước ngoặt lịch sử đối với Na Uy. Với trữ lượng ước tính ban đầu hơn 3,5 tỷ thùng dầu quy đổi, đây là một trong những mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất từng được phát hiện tại châu Âu vào thời điểm đó.

Tổng giá trị tài nguyên khai thác từ riêng mỏ Ekofisk trong hơn 50 năm qua đã lên đến hàng trăm tỷ USD, trở thành nền móng cho sự hình thành của một nền kinh tế phồn vinh và quỹ tài sản quốc gia khổng lồ của Na Uy ngày nay.

Sau phát hiện này, Na Uy nhanh chóng trở thành một cường quốc dầu khí ở Bắc Âu. Quỹ tài sản quốc gia - được thành lập vào giữa thập niên 1990 để đầu tư nguồn thu từ dầu mỏ, hiện quản lý khoảng 2.000 tỷ USD, tương đương gần 340.000 USD cho mỗi công dân. Đây là quỹ tài sản lớn nhất thế giới.

Trong nhiều năm, dòng tiền từ dầu khí và quỹ này đã giúp Na Uy duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp, nợ công thấp và một hệ thống an sinh xã hội toàn diện. Tuy nhiên, gần đây, những dấu hiệu suy yếu đang dần lộ rõ: tỷ lệ nghỉ ốm tăng cao, kết quả học tập của học sinh sa sút và các công trình hạ tầng bị chỉ trích là thiếu hiệu quả.

Giữa lúc đó, nhiều người đặt câu hỏi: liệu một quốc gia có thể… quá giàu?

Tác giả Martin Bech Holte, cựu chuyên gia tư vấn tại McKinsey, đã gây tiếng vang với cuốn sách "Quốc gia trở nên quá giàu". Trong đó, Holte nêu ví dụ về một dự án tàu điện ngầm tại Oslo đội vốn gấp 6 lần dự toán, hay các khoản ưu đãi thuế cho dự án điện gió và dầu khí không hiệu quả.

Người dân vay Na Uy nợ nhiều, với tỷ lệ nợ hộ gia đình lên đến 220% thu nhập, cao nhất trong các nước OECD, vì kỳ vọng nhà nước sẽ lo cho họ khi nghỉ hưu.

Na Uy chi trung bình 20.000 USD mỗi học sinh mỗi năm, cao thứ 2 OECD, nhưng điểm số PISA lại giảm mạnh kể từ năm 2015. Bên cạnh đó, quốc gia này chi tới 8% GDP cho các khoản phúc lợi bệnh tật, gấp 4 lần mức trung bình OECD. Người lao động toàn thời gian nghỉ ốm trung bình 27,5 ngày/năm, cao nhất trong khối OECD.

Một chỉ báo quan trọng đang gây lo ngại là năng suất lao động, tăng chậm nhất trong các nền kinh tế phát triển 2 thập kỷ qua. Đầu tư cho R&D cũng sụt giảm sau đại dịch, trong khi số lượng startup được cấp vốn giai đoạn đầu thấp kỷ lục trong năm qua. Một số doanh nhân cảnh báo rằng, chính sách thuế cao đang đẩy người giàu rời bỏ đất nước.

Bech Holte còn chỉ ra việc chi tiêu công thiếu tốn kém, ví dụ như dự án thu giữ carbon trị giá 2,6 tỷ USD chưa rõ hiệu quả, hay tuyến đường sắt xây từ năm 2019 có thể tiêu tốn đến 300 triệu USD/km.

Một nguy cơ tiềm tàng khác là sự phụ thuộc lâu dài vào dầu khí. Ngành này vẫn chiếm 21% GDP và sử dụng hơn 200.000 lao động - tương đương 10% lực lượng lao động tư nhân. Song, khi thế giới chuyển dần khỏi nhiên liệu hóa thạch, dòng tiền vào quỹ tài sản quốc gia sẽ giảm sút. Nếu không chuẩn bị trước, Na Uy có thể đối mặt với cú sốc kinh tế trong tương lai.

Quỹ tài sản từng được thiết kế để chỉ rút 3% lợi nhuận kỳ vọng mỗi năm cho ngân sách. Nhưng khi giá trị quỹ tăng vọt, các chính trị gia vẫn có thể rút tới 20% ngân sách quốc gia mà vẫn “đúng luật”.

Holte so sánh tình trạng hiện tại của Na Uy như một người thừa kế giàu có: “Chúng ta có khoản tiền gấp 6 lần thu nhập thường niên trong tài khoản, và điều đó khiến chúng ta chọn con đường dễ dãi.”

Ông cảnh báo, nếu không có cải cách thực sự, quốc gia này có thể đang lãng phí cơ hội vàng mà một nước phương Tây hiện đại từng có được.

Tham khảo Forbes, Quora