Không mua hàng online vẫn nhận được tin nhắn “giao hàng trễ” từ shipper, người phụ nữ mất ngay 131 triệu đồng khi thao tác huỷ 1 loại dịch vụ

Dù không mua hàng online, người phụ nữ Trung Quốc vẫn nhận được tin nhắn “giao hàng trễ” và bị cuốn vào kịch bản lừa đảo tinh vi.

Cảnh báo chiêu lừa đảo mới

Đầu tháng 7/2025, bà Tôn sống tại Khu Phát triển Đông Dinh, Sơn Đông, Trung Quốc, nhận được tin nhắn thông báo từ shipper với nội dung “đơn hàng của bà bị trì hoãn, không thể giao đúng hạn” . Tin nhắn trên đính kèm số điện thoại tổng đài để giúp khách hàng tìm hiểu nguyên do. Dù không mua sắm trực tuyến, người phụ nữ này vẫn gọi vào số điện thoại trong tin nhắn để xác minh vì cảm thấy tò mò.

Ở đầu dây bên kia, một người tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng không thông tin về đơn hàng mà cho biết bà Tôn đã vô tình kích hoạt một dịch vụ bảo hiểm thông qua nền tảng mua sắm. Người này cảnh báo nếu bà Tôn không kịp huỷ dịch vụ này trong ngày hôm đó – hạn cuối của thời gian dùng thử – sẽ bị trừ phí hàng tháng.

Khi bà Tôn tỏ ra nghi ngờ, người này thúc giục bà hoàn tất thủ tục "huỷ dịch vụ bảo hiểm", đồng thời hướng dẫn bà tải về một ứng dụng "dịch vụ đám mây". Lo ngại vấn về bảo mật, người phụ nữ này từ chối nhưng lại được nhân viên kia khuyên cài đặt phần mềm trò chuyện trực tuyến trên một điện thoại khác để tiếp tục quy trình. 

Dưới sự đốc thúc liên tục từ đối phương, bà Tôn đã đăng nhập vào đường link được gửi đến và thực hiện nhận diện khuôn mặt cũng như cung cấp thông tin CCCD. Khi đối tượng yêu cầu xác minh tài khoản ở các nền tảng khác, bà Tôn bắt đầu nghi ngờ và ngắt liên lạc. Tuy nhiên lúc này, bà mới phát hiện hơn 36.000 NDT (hơn 131 triệu đồng) trong tài khoản đã bị chuyển đi. Để lấy lại số tiền đã mất, người phụ nữ này nhanh chóng báo cáo vụ việc với Cục Công an Khu Phát triển Đông Dinh.

Không mua hàng online vẫn nhận được tin nhắn “giao hàng trễ” từ shipper, người phụ nữ mất ngay 131 triệu đồng khi thao tác huỷ 1 loại dịch vụ- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: internet

Công an vào cuộc kịp thời

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Đồn Công an và Đội điều tra hình sự đã khẩn trương truy vết dòng tiền. Qua điều tra, họ xác định phần lớn số tiền bị rút đã được dùng để mua một chiếc xe điện trên một nền tảng thương mại điện tử. May mắn, do cửa hàng không có hàng, giao dịch chưa được hoàn tất và toàn bộ số tiền đã được thu hồi thành công.

Tại Trung Quốc, thủ đoạn lừa đảo bằng cách gửi tin nhắn giả mạo thông báo giao hàng và đóng vai nhân viên chăm sóc khách hàng đang ngày càng phổ biến. Kẻ gian lợi dụng tâm lý hoang mang, lo sợ mất tiền của nạn nhân để từng bước dẫn dụ họ sập bẫy. Chiêu trò thường diễn ra theo ba bước: tạo cảm giác cấp bách bằng tin nhắn “giao hàng bị chậm”, giả danh nhân viên nền tảng mua sắm để điều hướng nạn nhân truy cập website lừa đảo, sau đó yêu cầu cài đặt phần mềm có tính năng chia sẻ màn hình nhằm chiếm quyền kiểm soát thiết bị và đánh cắp tiền trong tài khoản.

Công an Trung Quốc khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các tin nhắn có nội dung đáng ngờ như “giao hàng bị chậm”, “bảo hiểm hết hạn” hay “yêu cầu thanh toán để kích hoạt hoặc hủy dịch vụ”. Đây thường là những chiêu thức ngụy trang tinh vi nhằm dẫn dụ người nhận truy cập vào các liên kết lạ, từ đó đánh cắp thông tin cá nhân hoặc dụ dỗ cài đặt phần mềm có khả năng điều khiển thiết bị từ xa.

Trước những tình huống như vậy, mọi người tuyệt đối không nên làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ người lạ, không cung cấp thông tin cá nhân và không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Công an Trung Quốc cho rằng khi các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và biến tướng, thì sự tỉnh táo, thận trọng và chủ động phòng ngừa vẫn là “lá chắn” hiệu quả giúp mỗi người tự bảo vệ mình trước các rủi ro trên không gian mạng.

 (Theo Sohu)