Conic Boulevard

Kiếm 55-60 triệu/tháng, để dành được gần 1 nửa vẫn kêu "cuộc sống áp lực": Nhìn cách chi tiêu, nhiều người chỉ biết thở dài

Thu nhập tốt, tiết kiệm ổn, chi tiêu lại rất hợp lý rồi mà còn kêu than. Điều này khiến nhiều người thắc mắc "chẳng hiểu chị muốn gì nữa?".

Áp lực cuộc sống vì thu nhập bấp bênh, tiền dự phòng không nhiều hay chi tiêu chưa hợp lý là điều dễ hiểu. Đó cũng là tình cảnh của không ít người ở thời điểm hiện tại, vì làn sóng sa thải vẫn còn đang "âm thầm" diễn ra. Nhưng nếu suy theo chiều ngược lại, liệu rằng một người có thu nhập tốt, tiết kiệm cũng kha khá và chi tiêu rất hợp lý thì có thoát được cảnh áp lực cuộc sống không?

Câu trả lời: Chưa chắc!

Mọi thứ đều ổn chỉ có tâm thế là không: Tâm sự của mẹ 3 con gây tranh cãi!

Mới đây, một bà mẹ 3 con đã trải lòng về trạng thái "áp lực" của bản thân. Bỏ qua mọi yếu tố về tài sản hiện có, thu nhập và các vấn đề tài chính cá nhân, mẹ bỉm này cho biết bản thân không thể không áp lực vì "xung quanh các bạn trẻ phát triển rất nhanh"...

Nguyên văn tâm sự của cô như sau: "Chồng mình 35 tuổi, mình 34 tuổi. Bọn mình đang sống ở thành phố nhỏ. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng tầm 55-60 triệu/tháng. 3 con nhỏ học trường công. Mình cũng cố gắng tiết kiệm nhưng chi phí tháng nào cũng rơi vào 25-30 triệu. Có những tháng còn nhiều hơn nhiều. Trong đó:

Kiếm 55-60 triệu/tháng, để dành được gần 1 nửa vẫn kêu "cuộc sống áp lực": Nhìn cách chi tiêu, nhiều người chỉ biết thở dài- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

- 4 triệu tiền học các con

- 4 triệu tiền ăn

- 2 triệu biếu bà

- 1 triệu sữa, ăn vặt của các con

- 1,5 triệu điện nước

- 5 triệu tiền chồng tiêu (xăng xe ô tô, cà phê, nước,...)

- 2 triệu tiền vợ tiêu (xăng xe, ăn trưa,...)

- 3 triệu tiền cỗ bàn, mua sắm

- 3,5 triệu tiền đóng bảo hiểm

Nhiều khi mình thấy áp lực vì xung quanh các bạn trẻ phát triển rất nhanh, mà công việc của 2 vợ chồng lại không có hướng phát triển nhiều. Bọn mình cũng không có định hướng kinh doanh thêm. Đất khu mình đã tầm giá 3,4 tỷ trở lên rồi. Chẳng biết bao giờ mới mua được 1 mảnh cho các con.

Mình biết là biết đủ thì mới hạnh phúc được, nhưng thật sự lúc nào cũng có cảm giác mình dậm chân tại chỗ trong khi xã hội phát triển ầm ầm. Cảm thấy không theo kịp đà phát triển của xã hội rồi sau này không thể lo cho các con 1 khởi đầu tốt. Có ai cùng cảm giác với mình không ạ?" .

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người phải "thở dài" vì xét trên tất cả các khía cạnh, chẳng ai có thể chê được gì về gia đình này. Nhà 5 người cả bố mẹ lẫn con cái mà chi tiêu 25-30 triệu/tháng là chuyện dễ hiểu, các khoản chi tiêu cũng không có gì vô lý, thu nhập còn ổn định mà vẫn thấy áp lực, thì đúng là... khó nói.

"Chị ơi đừng lấy thước đo các bạn trẻ phát triển nhanh để so với mình, nhiều khi chỉ là bề nổi, đâu ai biết bên trong thế nào, lương "nói miệng" vài chục đến cả trăm triệu còn được mà vì có ai kiểm chứng đâu. Thế nên bớt so sánh mình với người khác lại là cuộc sống sẽ thoải mái thôi chị ạ" - Một bạn trẻ thủ thỉ.

"Nhà 5 người mà 4 triệu tiền ăn là giỏi đấy. Nhà bạn thì có khoản xăng xe, bảo hiểm, cỗ bàn, biếu bà, tổng đã hết 15 triệu rồi còn đâu. Chứ tiền ăn uống, học hành và chi phí riêng của 2 vợ chồng có đáng bao nhiêu đâu" - Một người phân tích.

"Mình đang thất nghiệp ở nhà trông con, một mình chồng đi làm tháng được 15-17 triệu, đọc bài này xong chẳng biết có nên thấy áp lực, tự ti về bản thân không... Mình thì chỉ đang ước được như bạn thôi đây, đủ tiền tiêu và tiết kiệm được một khoản. Đúng là cuộc sống chỉ cần bớt so sánh là sẽ hạnh phúc" - Một người bày tỏ.

Đừng tự tạo thêm áp lực cho mình chỉ vì "thảm cỏ xanh" nhà người khác!

Cuộc sống hiện đại với vô vàn những thước đo thành công và hạnh phúc dương như đã khiến việc so sánh bản thân với người khác trở thành... điều hiển nhiên. Ngay cả khi bạn đang ở một vị thế mà nhiều người mơ ước: Công việc ổn định, thu nhập tốt, có khoản tiết kiệm kha khá, thì cảm giác bất an, thiếu thốn vẫn có thể âm thầm gặm nhấm tâm can, nếu bạn không ngừng nhìn sang "cỏ xanh" nhà hàng xóm.

Kiếm 55-60 triệu/tháng, để dành được gần 1 nửa vẫn kêu "cuộc sống áp lực": Nhìn cách chi tiêu, nhiều người chỉ biết thở dài- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bản chất của sự so sánh xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của con người trong việc đánh giá vị trí của mình trong xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh thông tin bùng nổ như hiện nay, chúng ta thường chỉ nhìn thấy những mặt tốt đẹp nhất mà người khác muốn phô bày. Những bức ảnh du lịch lung linh, những bài đăng khoe thu nhập, thành tựu công việc,... tất cả tạo nên một bức tranh màu hồng. Nhìn vào đó, chúng ta dễ cảm thấy mình thua kém, thiếu sót.

Nhưng mong bạn đừng quên mất rằng mỗi người đều có một hành trình riêng, với những khó khăn và thử thách khác nhau. "Cỏ xanh" nhà hàng xóm có thể được tưới tắm bằng những giọt mồ hôi, nước mắt mà chúng ta không nhìn thấy. Việc chỉ tập trung vào kết quả mà bỏ qua quá trình sẽ dẫn đến những so sánh khập khiễng và gây ra những cảm xúc tiêu cực như ghen tị, tự ti, thậm chí là oán hận.

Thế nên, thay vì nhìn người khác, hãy tập trung nhìn vào chính mình. Giống như tâm sự của gia đình trong câu chuyện phía trên, họ đã xây dựng được một nền tảng vững chắc cho cuộc sống: Chi tiêu khéo léo, thu nhập ổn và tiết kiệm được gần 1 nửa tiền lương. Đó là những thành quả đáng trân trọng, đáng ghi nhận, là điều ai cũng thấy chỉ có người trong cuộc là ra sức phủ nhận. Sự so sánh trở thành một rào cản vô hình, ngăn họ hưởng những gì mình đang có. Và điều đó quả thực chẳng đáng, vì nếu cứ giữ tinh thần so sánh như vậy, chẳng biết bao giờ mới có thể thảnh thơi tâm trí, vì người giỏi thì luôn có người giỏi hơn.

Hạnh phúc thực sự không đến từ việc bạn sở hữu những gì, mà đến từ cách bạn cảm nhận và trân trọng những gì mình đang có. Điều này thoạt nghe thì thấy có vẻ giáo điều, nhưng thử ngẫm kỹ sẽ thấy, nó chưa bao giờ là sai.

Sự so sánh duy nhất nên làm, nên ghi nhớ là so sánh hiện tại với quá khứ của chính mình, thay vì chạy theo những tiêu chuẩn thành công do xã hội hoặc người khác đặt ra.