Conic Boulevard

Lập trình viên bị đe dọa mất việc trong kỷ nguyên AI

Khi AI mở ra kỷ nguyên đổi mới cho ngành công nghệ thì chính những người từng giữ vai trò trung tâm, các lập trình viên, lại trở thành đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Lập trình viên - biểu tượng lâu nay của thời đại số - đang chứng kiến một bước ngoặt lịch sử. Trong đợt sa thải quy mô lớn mới đây, Microsoft tuyên bố cắt giảm 6.000 nhân sự trên toàn cầu, không phân biệt bộ phận, cấp bậc và địa điểm. Và kỹ sư phần mềm là nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Tại Washington - đại bản doanh của Microsoft, kỹ sư phần mềm chiếm hơn 40% trong số gần 2.000 vị trí bị cắt giảm, theo tài liệu nội bộ được Bloomberg tiết lộ. Điều đó đồng nghĩa rằng, hơn 800 lập trình viên đã buộc phải rời khỏi một trong những công ty quyền lực nhất thế giới công nghệ, ngay trong bối cảnh Microsoft đang đầu tư mạnh tay vào trí tuệ nhân tạo (AI).

Dù Microsoft từ chối bình luận về báo cáo nội bộ từ Bloomberg, tuy nhiên, xu hướng cắt giảm và tái cơ cấu nhân sự kỹ thuật vì AI không còn là dự đoán mà đã là hiện thực toàn cầu.

Từ "xương sống công nghệ" thành đối tượng bị thay thế

Trong nhiều thập niên, kỹ sư phần mềm được xem là lực lượng "xương sống" của các công ty công nghệ. Nhưng giờ đây, chính những công nghệ mà họ tạo ra, đặc biệt là AI, đang tái định hình vai trò của họ.

Vào tháng 4, CEO Microsoft Satya Nadella từng tiết lộ, khoảng 30% dòng lệnh trong vài dự án của công ty do AI viết ra. Đó là những con số khiến người trong nghề phải suy ngẫm: nếu AI đã có thể viết và kiểm thử code thì điều gì giữ lại vai trò không thể thay thế của lập trình viên?

Các công cụ như GitHub Copilot, ChatGPT của OpenAI hay Claude của Anthropic đang làm thay công việc viết mã, phân tích lỗi, thậm chí gợi ý tối ưu hóa hệ thống. AI giờ đây không chỉ là công cụ, mà là "đồng nghiệp" biết lập trình.

Một xu thế đang lan rộng trong ngành

Không riêng Microsoft, nhiều "ông lớn" công nghệ cũng đang định hình lại lực lượng lao động xoay quanh AI.

Salesforce đầu năm nay đã cắt giảm hơn 1.000 nhân viên, đồng thời tăng cường tuyển dụng các vị trí kinh doanh và AI. CEO Marc Benioff thẳng thắn tuyên bố: "Chúng tôi sẽ giảm tuyển kỹ sư vì đã có AI".

Tương tự, công ty chuyên cung cấp phần mềm quản lý nhân sự và tài chính Workday cũng sa thải 1.750 người, tương đương 8,5% nhân sự, vào đầu nay. Công ty cam kết duy trì tuyển dụng các vị trí chiến lược về AI - cho thấy một sự chuyển dịch từ kỹ thuật cơ bản sang chuyên môn hóa theo chiều sâu công nghệ.

Hãng bảo mật CrowdStrike đã loại bỏ 500 vị trí công việc, đồng thời khẳng định: "AI đang tái định hình mọi ngành, thay đổi hoàn toàn kỳ vọng của khách hàng và cách vận hành".

Meta (công ty mẹ của Facebook), dưới sự lãnh đạo của CEO Mark Zuckerberg, cũng đang thử nghiệm AI trong các tác vụ lập trình. CEO Zuckerberg cho biết: "Trong năm 2025, nhiều công ty - bao gồm cả Meta - có thể sử dụng AI tương đương kỹ sư bậc trung để lập trình".

Báo cáo của Bloomberg cho biết, ngoài lập trình viên, nhóm quản lý sản phẩm và quản lý chương trình kỹ thuật cũng bị ảnh hưởng nặng, với khoảng 600 người bị cắt giảm tại Washington. Số còn lại đến từ các bộ phận bán hàng, tiếp thị và vận hành. Điều này cho thấy, AI không chỉ thay thế công việc "tay nghề kỹ thuật" mà cả quản lý trung gian.

Vì sao kỹ sư phần mềm không còn "miễn dịch"?

Theo phân tích từ The Verge, có 3 yếu tố chính khiến vai trò của lập trình viên không còn được ưu ái tuyệt đối.

Tự động hóa với AI ngày càng hiệu quả: Các công cụ AI giờ đây có thể viết code theo mô tả ngôn ngữ tự nhiên, giúp giảm đáng kể khối lượng công việc thủ công vốn do kỹ sư thực hiện.

Chi phí vận hành tăng: Sau đại dịch, các công ty công nghệ bắt đầu tập trung vào hiệu quả chi phí. Lập trình viên - nhóm có mức lương trung bình thuộc hàng cao nhất ngành - trở thành đối tượng bị rà soát đầu tiên.

Tái cấu trúc chiến lược AI: Với tham vọng thống lĩnh AI, nhiều công ty bắt đầu chuyển nguồn lực sang các nhóm nghiên cứu, tích hợp mô hình lớn (LLM) thay vì duy trì số lượng lớn kỹ sư truyền thống.

Lập trình viên không mất đi, họ chỉ cần "tiến hóa"

Sự trỗi dậy của AI không đồng nghĩa với "cái chết" của nghề lập trình. Tuy nhiên, nó đòi hỏi một sự tái định nghĩa về vai trò kỹ sư phần mềm, từ người viết mã sang người hướng dẫn, kiểm tra, tích hợp AI - những "kỹ sư cấp cao trong thời đại máy học".

Dù AI ngày càng phát triển, giá trị thật của con người nằm ở khả năng tư duy và thích ứng. Đó mới là điều mà máy không thể thay thế, ít nhất là trong hiện tại.