Conic Boulevard

Mỹ - Trung nói gì trong cuộc đàm phán kéo dài 8 tiếng?

Mỹ và Trung Quốc vừa bước vào vòng đàm phán thương mại mới tại Geneva, Thụy Sĩ trong nỗ lực hạ nhiệt cuộc chiến thuế quan leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là “thiết lập lại hoàn toàn”, nhưng giới quan sát vẫn thận trọng khi cả hai bên chưa đưa ra cam kết cụ thể nào.

Bên trong cuộc đàm phán

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang suốt nhiều tháng qua, Mỹ và Trung Quốc khởi động vòng đàm phán mới tại Geneva, Thụy Sĩ. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là "sự thiết lập lại hoàn toàn theo cách thân thiện nhưng mang tính xây dựng ".

Theo Reuters, cuộc họp kéo dài 8 giờ đồng hồ giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong và hai quan chức cấp cao phía Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer.

Cuộc đàm phán đánh dấu lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới áp thuế trả đũa lên hàng hóa của nhau với mức thuế hơn 100%.

Sau cuộc gặp Mỹ - Trung ngày 10/5, ông Trump chia sẻ trên nền tảng Truth Social: “Cuộc họp hôm nay với Trung Quốc tại Thụy Sĩ rất tốt đẹp. Nhiều vấn đề được thảo luận, nhiều điều đã được nhất trí, đã có tiến bộ rất lớn”.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh mong muốn Bắc Kinh “mở cửa hơn nữa với doanh nghiệp Mỹ vì lợi ích của cả hai nước”. Ông cũng gợi ý mức thuế 80% có thể là “giải pháp hợp lý” thay thế cho mức thuế 145% đang áp dụng.

Một nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán cho biết hai bên có kế hoạch nối lại các cuộc trao đổi vào Chủ nhật.

Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin - người đã gặp cả hai phái đoàn tại Geneva vào thứ Sáu - nhận định: “Nếu lộ trình giảm thuế xuất hiện và họ quyết định tiếp tục thảo luận, điều đó sẽ làm giảm căng thẳng”.

Mỹ - Trung nói gì trong cuộc đàm phán kéo dài 8 tiếng?- Ảnh 1.

Các thành viên của phái đoàn Trung Quốc đến cuộc đàm phán thương mại với quan chức cấp cao Mỹ tại Geneva, Thụy Sĩ.

Dù vậy, cả hai bên đều không đưa ra tuyên bố chính thức nào sau cuộc gặp và cũng không tiết lộ chi tiết cụ thể về nội dung trao đổi hay tiến triển rõ ràng trong việc giảm thuế quan.

Địa điểm đàm phán được giữ kín, nhưng các nhân chứng cho biết hai phái đoàn được nhìn thấy tại biệt thự của Đại sứ Liên Hợp Quốc, nằm ở vùng ngoại ô Cologny nhìn ra hồ Geneva.

Cảnh tượng hai bên trở lại sau giờ nghỉ trưa, cùng hình ảnh các quan chức Mỹ như Bessent và Greer mặc vest, đeo cà vạt đỏ và huy hiệu cờ Mỹ trên ve áo, tạo nên không khí trang trọng nhưng đầy ẩn ý.

Trong khi đó, xe Mercedes kính đen đưa phái đoàn Trung Quốc rời khách sạn bên bờ hồ cùng lúc với những người chạy bộ đang khởi động chuẩn bị cho một cuộc thi marathon cuối tuần tại Thụy Sĩ.

Đáng chú ý, người phát ngôn của cơ quan giám sát có trụ sở tại Geneva xác nhận Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong có lịch trình gặp Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala.

“Đây là bước đi tích cực và mang tính xây dựng hướng tới việc giảm leo thang”, bà nhận định và kêu gọi đối thoại liên tục giữa hai nền kinh tế hàng đầu.

Vẫn còn nhiều rủi ro

Mặc dù cuộc gặp tại Geneva được đánh giá là "bước đi tích cực", song giới quan sát cho rằng kỳ vọng vào bước đột phá thực sự vẫn ở mức thấp, chủ yếu vì cả hai bên đều không muốn tỏ ra yếu thế.

Trước đó, ông Trump tuyên bố mức thuế 80%, lần đầu ám chỉ khả năng điều chỉnh mức thuế cao nhất từng được áp với hàng hóa Trung Quốc (145%).

“Chúng tôi muốn thấy thay đổi vì lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc mở cửa với doanh nghiệp Mỹ, đã có tiến bộ lớn", ông Trump nói.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về “tiến bộ” mà ông đề cập.

Theo các nhà phân tích, căng thẳng thương mại song phương đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu vào tình trạng rối loạn, gây bất ổn thị trường tài chính và làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Cuộc chiến thuế quan bắt đầu từ tháng 2 khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp mức thuế cao kỷ lục lên hàng nhập khẩu Trung Quốc, Điều này kéo theo các đòn đáp trả từ Bắc Kinh và đẩy thương mại song phương trị giá gần 600 tỷ USD vào bế tắc.

Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ “lạm dụng thuế quan một cách liều lĩnh”, cho rằng điều này làm mất ổn định trật tự kinh tế toàn cầu.

Mỹ - Trung nói gì trong cuộc đàm phán kéo dài 8 tiếng?- Ảnh 2.

Vẫn còn nhiều rủi ro sau cuộc đàm phán giữa Mỹ - Trung Quốc.

Trong bài bình luận ngày thứ Bảy, Tân Hoa Xã khẳng định: “Việc đàm phán là bước đi tích cực và cần thiết để giải quyết những bất đồng và ngăn chặn sự leo thang hơn nữa. Cho dù con đường phía trước là đàm phán hay đối đầu, có một điều rõ ràng là quyết tâm bảo vệ lợi ích phát triển của Trung Quốc là không thể lay chuyển, lập trường duy trì trật tự kinh tế và thương mại toàn cầu vẫn không thay đổi”.

Washington đang tìm cách giảm thâm hụt thương mại hàng hóa trị giá 295 tỷ USD với Trung Quốc. Trung Quốc phản bác mạnh mẽ, yêu cầu Mỹ làm rõ các điều kiện và khẳng định họ phải được đối xử như một quốc gia “ngang hàng” trên trường quốc tế.

Bắc Kinh có thể đang tìm kiếm sự miễn trừ thuế quan trong 90 ngày, tương tự như các quốc gia khác đã được Washington ưu ái.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1 năm nay, ông Trump đã áp mức thuế 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, viện dẫn lý do Trung Quốc không ngăn chặn việc xuất khẩu các hóa chất để sản xuất fentanyl - loại ma túy tổng hợp gây chết người. Đáp lại, Bắc Kinh áp thuế 125% và tuyên bố sẽ không khuất phục trước “những kẻ bắt nạt”.

Theo Reuters