
Các tập đoàn khai khoáng của Mỹ và châu Âu cần nhanh chóng đầu tư vào Greenland, nếu không vùng lãnh thổ này sẽ tìm kiếm đối tác từ nơi khác, bao gồm Trung Quốc.
Tuyên bố trên được đưa ra bởi bà Naaja Nathanielsen, Bộ trưởng Kinh doanh và Tài nguyên Khoáng sản Greenland.
“Chúng tôi muốn phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đa dạng hóa nền kinh tế. Điều này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư nước ngoài”, bà Nathanielsen nói với tờ Financial Times.
Khi được hỏi về khả năng hợp tác với Trung Quốc, bà khẳng định: “Chúng tôi ưu tiên đối tác từ Mỹ và châu Âu. Nhưng nếu họ không đầu tư, chúng tôi sẽ cân nhắc những lựa chọn khác”.
Phát biểu của bà Nathanielsen nhấn mạnh nỗ lực của Greenland trong việc thu hút đầu tư từ phương Tây nhằm phát triển 2 ngành trọng điểm là khai khoáng và du lịch. Theo kế hoạch, từ tháng tới, hãng United Airlines sẽ khai trương đường bay trực tiếp từ New York đến thủ đô Nuuk của Greenland.

Bộ trưởng Kinh doanh và Tài nguyên Khoáng sản Greenland Naaja Nathanielsen.
Greenland, lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, sở hữu nhiều mỏ khoáng sản quý như vàng và đồng, nhưng phần lớn nằm ở khu vực hẻo lánh, khó tiếp cận. Bên cạnh đó, vị trí chiến lược tại Bắc Cực khiến Greenland trở thành điểm nóng địa chính trị trong cạnh tranh toàn cầu về tài nguyên.
Bà Nathanielsen cho biết biên bản ghi nhớ về phát triển khoáng sản giữa Greenland và Mỹ, vốn ký từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, sắp hết hiệu lực. Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, Greenland đã nỗ lực đàm phán gia hạn nhưng không thành công.
“Chúng tôi từng kỳ vọng chính quyền ông Trump sẽ quan tâm hơn đến đối thoại về phát triển khoáng sản. Nhưng kết quả lại đi xa hơn mong đợi khi ông Trump nhiều lần đề cập đến việc Mỹ muốn tiếp quản Greenland, thậm chí bằng vũ lực”, bà nói thêm, đồng thời gọi các tuyên bố đó là “thiếu tôn trọng và phản cảm”.
Hiện tại, Trung Quốc ít quan tâm tới đầu tư khai khoáng tại Greenland. Chỉ có 2 công ty Trung Quốc nắm cổ phần thiểu số tại các dự án chưa đi vào hoạt động ở Greenland. Bà Nathanielsen cho rằng nhà đầu tư Trung Quốc có thể đang giữ thái độ thận trọng.
Greenland vừa cấp giấy phép cho một liên doanh Đan Mạch – Pháp nhằm khai thác anorthosite – một khoáng sản sử dụng trong ngành sản xuất sợi thủy tinh. Đây là giấy phép đầu tiên được theo luật khai khoáng mới của vùng lãnh thổ này. Dự án trị giá 150 triệu euro tại Tây Greenland dự kiến sẽ bắt đầu từ năm sau.
Bà Nathanielsen nhấn mạnh chính phủ liên minh mới tại Nuuk cam kết ưu tiên phát triển kinh tế cho người dân Greenland và mong muốn hợp tác với các “đối tác cùng chí hướng”. Bà cho rằng Liên minh châu Âu (EU) là đối tác phù hợp hơn vì EU thiếu hụt khoáng sản và có các tiêu chuẩn môi trường tương đồng với Greenland.
Hiện Greenland chỉ có 2 mỏ đang khai thác thương mại gồm vàng và anorthosite. Có 2 dự án khác đã được cấp phép nhưng chưa đi vào hoạt động.
Một cuộc khảo sát của cơ quan địa chất Đan Mạch năm 2023 cho thấy 25 trong số 34 loại khoáng sản được Ủy ban Châu Âu coi là “nguyên liệu thô quan trọng” được tìm thấy ở Greenland. Kho tài nguyên thiên nhiên đồ sộ ấy bao gồm quặng sắt, chì, kẽm, kim cương, vàng, các nguyên tố đất hiếm, uranium.
Tham khảo: Financial Times