Nguy cơ lây nhiễm HPV không thể xem nhẹ
Ngày 9/7, thông tin từ ThS.BS CKII Nguyễn Tiến Thành – thành viên Hội Da liễu Việt Nam vừa thăm khám, điều trị cho nam bệnh nhân mắc sùi mào gà.
D. (22 tuổi, Hà Nội), là sinh viên năm hai, quen bạn gái qua mạng xã hội. Sau một thời gian tìm hiểu, cả hai quyết định gặp mặt và có quan hệ tình dục nhưng không sử dụng bao cao su.
Ngay sau đó, D. dùng nước muối sinh lý để vệ sinh vùng kín, tin rằng hành động này có thể "rửa trôi" nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: BSCC).
Tuy nhiên, khoảng một tháng sau, D. bắt đầu xuất hiện các nốt mềm nhỏ ở vùng sinh dục, kèm theo ngứa nhẹ và tiết dịch. Vì ngại ngùng, nam sinh tự mua thuốc bôi mà không đi khám. Khi các tổn thương lan rộng, kết thành mảng giống "mào gà" và tiết dịch ngứa nhẹ, D. mới tìm đến cơ sở y tế chuyên khoa.
Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, ThS.BS CKII Nguyễn Tiến Thành – thành viên Hội Da liễu Việt Nam chẩn đoán D. mắc bệnh sùi mào gà.
Đây là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến, do virus HPV (Human Papillomavirus) gây ra.
"Nhiều người trẻ vẫn hiểu sai, cho rằng rửa sạch bằng nước muối hay dung dịch vệ sinh sau quan hệ là đủ để phòng bệnh. Nhưng thực tế, nước muối không có khả năng tiêu diệt virus HPV. Virus này có thể lây lan qua tiếp xúc da, niêm mạc, bao gồm cả đường sinh dục, miệng và hậu môn, kể cả khi không có giao hợp xâm nhập", BS Thành nhấn mạnh.
Diễn tiến âm thầm, biến chứng nguy hiểm
HPV có hơn 100 chủng, trong đó HPV 6 và 11 thường gây sùi mào gà, còn HPV 16 và 18 là các chủng nguy cơ cao, liên quan đến ung thư cổ tử cung, dương vật, hậu môn, vòm họng…
Ban đầu, các tổn thương thường không gây đau, chỉ là vài nốt sùi nhỏ, mềm, khó phát hiện. Nếu không điều trị sớm, tổn thương lan rộng, dễ lây nhiễm cho bạn tình và rất khó kiểm soát.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị sùi mào gà, tùy thuộc vào vị trí, số lượng, kích thước tổn thương, tình trạng miễn dịch của bệnh nhân và điều kiện cơ sở y tế.
Các phương pháp chính bao gồm: Phương pháp phá hủy tổn thương: Áp lạnh bằng nitơ lỏng (Cryotherapy), Đốt điện (Electrocautery), Laser CO₂; Liệu pháp quang động học (ALA – PDT); Điều trị bằng thuốc tại chỗ.
Tuy nhiên, việc theo dõi sau điều trị là rất quan trọng, bởi HPV có thể tồn tại tiềm ẩn trong cơ thể và tái phát bất kỳ lúc nào.
BS.Thành cảnh báo: "Virus HPV không thể bị loại bỏ bằng nước muối hay vệ sinh bên ngoài. Phòng bệnh hiệu quả chỉ có thể đạt được qua tình dục an toàn, sử dụng bao cao su đúng cách, tiêm chủng đầy đủ và khám sức khỏe định kỳ".
Bác sĩ cũng nhấn mạnh vai trò của giáo dục giới tính trong nhà trường và gia đình. "Tránh né chủ đề tình dục không giúp trẻ tránh sai lầm. Ngược lại, sự thấu hiểu và hướng dẫn đúng sẽ giúp các em sống có trách nhiệm và biết cách tự bảo vệ sức khỏe bản thân và bạn tình", BS.Thành nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 80% người từng có quan hệ tình dục sẽ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm cũng có triệu chứng hoặc biến chứng nghiêm trọng. Việc tiêm vắc-xin phòng HPV là biện pháp chủ động và hiệu quả nhất hiện nay.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo: Nên tiêm vắc-xin HPV cho cả nam và nữ từ 9–14 tuổi để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu. Tại Việt Nam, vắc-xin Gardasil 9 được sử dụng rộng rãi, phòng ngừa 9 chủng HPV thường gặp, và có thể tiêm cho người đến 45 tuổi.