Conic Boulevard

Nghề lập trình chuyển từ 'gõ code' sang 'đọc code': Bài học AI không thay thế được con người ở Amazon

Báo cáo của WEF cho thấy 50% doanh nghiệp kỳ vọng AI sẽ tạo ra việc làm mới, đồng thời sẽ có khoảng 69 triệu công việc mới ra đời nhờ xu thế công nghệ trong khoảng 2023-2028.
Nghề lập trình chuyển từ 'gõ code' sang 'đọc code': Bài học AI không thay thế được con người ở Amazon- Ảnh 1.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy trong giai đoạn 2023–2028, toàn cầu sẽ có khoảng 69 triệu việc làm mới được tạo ra nhờ các xu hướng kinh tế, công nghệ, song cũng có khoảng 83 triệu việc làm bị loại bỏ. Như vậy vì trí thông minh nhân tạo (AI), toàn cầu sẽ có mức giảm ròng 14 triệu công việc, chỉ chiếm khoảng 2% tổng lực lượng lao động thế giới.

Điều đáng chú ý là 50% doanh nghiệp kỳ vọng AI sẽ tạo ra việc làm mới và chỉ 25% dự báo AI sẽ khiến doanh nghiệp cắt giảm nhân sự.

Như vậy, dù có sự sàng lọc, xu hướng chung vẫn là dịch chuyển cơ cấu chứ không phải sa thải ồ ạt.

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đến nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy AI khiến giảm tổng cầu lao động. Các nghiên cứu đối chiếu mức độ áp dụng AI tại các quốc gia hoặc phân tích thị trường lao động nội địa đều không tìm thấy sự sụt giảm đáng kể về tỷ lệ việc làm sau khi ứng dụng công nghệ này.

Đồng thời, kết quả khảo sát của OECD tại các ngành sản xuất và tài chính cũng cho biết, phần lớn doanh nghiệp và người lao động đánh giá tích cực về tác động của AI lên hiệu suất và điều kiện làm việc, mặc dù vẫn tồn tại những lo ngại cần giám sát sát sao.

Nghề lập trình chuyển từ 'gõ code' sang 'đọc code': Bài học AI không thay thế được con người ở Amazon- Ảnh 2.

Thậm chí tờ The Economist cho rằng dù AI được thổi phồng nhưng chúng chưa được ứng dụng rộng rãi vào công việc thực tế. Một nghiên cứu chính thức cho thấy chỉ chưa đến 10% doanh nghiệp Mỹ thực sự dùng AI cho sản xuất và dịch vụ.

Theo Economist, kể cả khi áp dụng AI thì chúng chỉ là công cụ khiến người lao động làm việc nhanh hơn thay vì bị sa thải hàng loạt.

Thay thế hay hỗ trợ?

Tờ New York Times (NYT) cho hay kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, người lao động đã lo lắng rằng máy móc sẽ thay thế họ.

Thế nhưng khi công nghệ chuyển đổi ngành sản xuất ô tô, đóng gói thịt và thậm chí là công việc thư ký, những gì diễn ra thường không phải là cắt giảm việc làm mà là chia nhỏ công việc thành các nhiệm vụ đơn giản hơn để thực hiện nhiều lần với tốc độ nhanh.

Các xưởng nhỏ của thợ máy lành nghề đã nhường chỗ cho hàng trăm công nhân trải rộng trên một dây chuyền lắp ráp. Thư ký riêng đã nhường chỗ cho các nhóm nhân viên đánh máy và nhân viên nhập dữ liệu.

Điều tương tự cũng đang diễn ra ở mảng lập trình, khi các lập trình viên lo sợ mất việc thì thực tế AI lại đang chia nhỏ công việc và thúc đẩy hiệu quả hơn là sa thải hàng loạt. Thay vì một lập trình viên viết toàn bộ chức năng, giờ họ giám sát AI sinh mã, kiểm thử và tối ưu hoá. Đây là quá trình tái cấu trúc công việc, giúp doanh nghiệp linh hoạt và nhân viên học được kỹ năng mới

Nghiên cứu của Microsoft phối hợp với ba trường đại học cho thấy việc sử dụng Copilot (trợ lý lập trình AI) đã nâng năng suất lập trình lên hơn 25%. McKinsey cũng ước tính AI sẽ góp phần tăng năng suất lao động hàng năm ở Mỹ từ 0,5–0,9 điểm phần trăm đến năm 2030.

Khi năng suất tăng, doanh nghiệp có thể duy trì hoặc mở rộng hoạt động mà không cần cắt giảm nhân sự.

Tại Amazon, dù có những thông tin về sa thải kỹ sư, công ty khẳng định họ vẫn đều đặn tuyển mới hàng trăm nghìn lao động kho bãi sau khi ứng dụng robot tự động trong kho, bởi năng suất mỗi công nhân tăng lên gấp nhiều lần.

Tương tự, GM và các nhà máy ô tô huy động robot nhưng vẫn cần lực lượng kỹ thuật viên giám sát, sửa chữa và phát triển hệ thống – dẫn đến tạo thêm việc làm chất lượng cao.

Nghề lập trình chuyển từ 'gõ code' sang 'đọc code': Bài học AI không thay thế được con người ở Amazon- Ảnh 3.

WEF ghi nhận 65% doanh nghiệp đang xây dựng lộ trình chuyển đổi (reskilling) cho nhân viên để sử dụng công cụ AI. Các kỹ năng như "điều phối AI", "phân tích dữ liệu nâng cao" hay "thiết kế giải pháp AI" trở thành then chốt. Nhờ đó, người lao động có cơ hội thăng tiến hơn là bị sa thải.

Hầu hết doanh nghiệp ưu tiên đầu tư vào upskilling, xây dựng rõ ràng lộ trình chuyển đổi nghề nghiệp cho nhân viên. Thực tiễn tại các "ông lớn" như Amazon, Microsoft… càng khẳng định điều này: năng suất tăng nhờ AI, nhưng sa thải hoàn toàn con người không phải là lựa chọn hiệu quả.

Thay vào đó, chìa khóa thành công nằm ở khả năng kết hợp nhân lực và machine learning, và mở rộng vai trò quản lý, giám sát và tối ưu của con người trong kỷ nguyên AI.

Từ gõ code sang đọc code

Tại Amazon, nơi đang đầu tư lớn vào A.I. tạo sinh, văn hóa lập trình đang thay đổi nhanh chóng.

Trong bức thư gần đây gửi cho các cổ đông, ​​giám đốc điều hành Andy Jassy đã viết rằng AI tạo sinh đang mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty sử dụng nó trong việc tăng năng suất và giảm chi phí.

Ông cho biết làm việc nhanh hơn là điều cần thiết vì các đối thủ cạnh tranh sẽ giành được lợi thế nếu Amazon không cung cấp cho khách hàng những gì họ muốn "nhanh nhất có thể" và lập trình sẽ là một hoạt động bị AI "thay đổi các chuẩn mực".

Trả lời NYT, 3 kỹ sư của Amazon dùng AI trong 1 năm qua cho biết công ty đã nâng cao mục tiêu sản lượng, gây áp lực hơn về thời hạn công việc để buộc nhân viên tích cực sử dụng AI.

Thậm chí Amazon còn tổ chức các cuộc thi lập trình nội bộ để khuyến khích nhân viên dùng AI.

Một kỹ sư Amazon cho hay nhóm của mình đã bị sa thải 50% nhưng tạo ra lượng mã tương đương nhờ dùng AI.

Đi kèm với sự tăng tốc này là áp lực cũng ngày một nặng. Một kỹ sư cho biết việc xây dựng một tính năng cho trang web trước đây mất vài tuần thì nay thường phải hoàn thành trong vòng vài ngày. Ông cho biết điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách sử dụng AI để giúp tự động hóa mã hóa và cắt giảm các cuộc họp với đồng nghiệp để thu thập phản hồi và khám phá các ý tưởng thay thế.

Nghề lập trình chuyển từ 'gõ code' sang 'đọc code': Bài học AI không thay thế được con người ở Amazon- Ảnh 4.

Gần đây, Amazon còn triển khai những công cụ AI có thể tạo ra phần lớn mã code lập trình và được các kỹ sư mô tả là "dùng tốt một cách đáng sợ". Dù không tình nguyện do phải yêu cầu kiểm tra lại nhiều lần nhưng nhiều kỹ sư vẫn phải sử dụng chúng để chạy kịp thời hạn.

"Viết code thú vị hơn là đọc code", lập trình viên Simon Willison thừa nhận với NYT.

Sự thay đổi từ viết code sang đọc code này có thể khiến các kỹ sư cảm thấy như thể họ là người ngoài cuộc trong chính công việc của mình.

Amazon cũng sử dụng AI để kiểm tra các tính năng phần mềm mà họ xây dựng, một công việc tẻ nhạt và việc tự động hóa các chức năng này có thể khiến các kỹ sư mới vào nghề không có được kiến ​​thức chuyên môn cần thiết để cải thiện trình độ.

Bất chấp điều đó, Amazon vẫn coi AI là một xu thế buộc phải áp dụng nếu không muốn bị đối thủ bỏ xa về hiệu suất.

Rõ ràng, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng thâm nhập sâu rộng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều lo ngại đã được đặt ra về khả năng AI sẽ "cướp" việc làm của con người và dẫn đến làn sóng sa thải quy mô lớn.

Tuy nhiên, tổng quan các nghiên cứu và số liệu thực tế cho thấy AI đang tái cấu trúc công việc hơn là thay thế hoàn toàn lao động con người, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất mà không đẩy mạnh tỷ lệ thất nghiệp.

*Nguồn: NYT, Economist