Một ngày năm 2011, khi kiểm tra tín dụng để vay mua nhà, ông Lý Khâm Trung , 57 tuổi, ngụ tại TP Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, bàng hoàng phát hiện mình bị liệt vào danh sách “laolai” – những người không tuân thủ lệnh của tòa án và trả nợ.
Theo đó, người đàn ông này được cho là đã vay 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng) từ Ngân hàng Thương mại Nông thôn Liêu Thành nhưng không hoàn trả. Tuy nhiên, ông Lý khẳng định chưa từng nhận được số tiền trên từ ngân hàng và cũng không hay biết gì về vụ kiện.
Vay vốn bất thành, còn bất ngờ vướng nợ
Ông Lý cho biết từng làm việc trong ngành xây dựng và điều hành hơn 60 doanh nghiệp địa phương vào năm 2005. Đến tháng 2/2006, khi chuẩn bị thực hiện một dự án lớn, ông Lý cần thêm 300.000 NDT vốn lưu động nên đã nộp hồ sơ vay tín chấp tại Ngân hàng Thương mại Nông thôn Liêu Thành.
Hồ sơ vay nêu rõ thời hạn vay là 10 tháng với lãi suất hàng tháng là 8,85‰, lãi suất quá hạn là 13,275‰. Bên vay cam kết sẽ trả nợ gốc và lãi đúng hạn bằng nguồn vốn của dự án.
Khi đã nộp đầy đủ giấy tờ và có 2 người bảo lãnh, ông Lý chờ ngân hàng phê duyệt. Tuy nhiên sau đó, người phụ trách ngân hàng thông báo hồ sơ của ông không được xét duyệt và toàn bộ thông tin của ông cũng đã bị tiêu hủy.

Anh Lý (Ảnh: Baijiahao)
Không vay được tiền, ông Lý phải xoay xở vay mượn người thân để triển khai dự án. Tuy nhiên, do thi công chậm trễ nên dự án không được cấp phép. Điều này khiến ông Lý thua lỗ nặng nề. Từ một người từng điều hành nhiều doanh nghiệp, người đàn ông này phải đi làm thuê để mưu sinh.
Năm 2011, khi làm thủ tục vay tiền mua nhà, ông Lý bất ngờ phát hiện mình bị ngân hàng kiện từ năm 2008 và đã có bản án sơ thẩm buộc ông phải trả cả gốc lẫn lãi khoản vay là 2,19 triệu NDT (hơn 7,9 tỷ đồng) Tuy nhiên, người đàn ông này khẳng định chưa từng nhận được bất kỳ thông báo triệu tập nào từ tòa án địa phương hay cuộc gọi từ ngân hàng.
Theo hồ sơ, Tòa án quận Đông Xương Phủ từng ra phán quyết buộc ông và hai người bảo lãnh phải trả nợ. Việc xét xử được tiến hành vắng mặt với lý do không liên lạc được với các bị cáo. Trên thực tế, ông Lý vẫn sinh sống trên địa bàn và không hề biết mình đã bị đưa vào danh sách “laolai”. Ông chỉ phát hiện điều này khi mua vé tàu cao tốc và bị từ chối do lệnh hạn chế di chuyển.
Sự thật được đưa ra ánh sáng
Sau khi làm việc với ngân hàng, ông Lý phát hiện kẻ thực sự nhận số tiền vay là một người từng quen biết họ Chu. Người này thừa nhận đã cấu kết với nhân viên ngân hàng để lấy khoản tiền 300.000 NDT của ông Lý và hứa sẽ hoàn trả. Tuy nhiên đối tượng này sau đó đã cắt liên lạc và biến mất.
Năm 2016, ông Lý vướng vào một vụ án lừa đảo và bị kết án tù. Đến năm 2023, sau khi được mãn hạn tù, người đàn ông này viết đơn yêu cầu xét xử lại vụ án cũ.
Tháng 5/2024, trong phiên phúc thẩm, ông Lý đề nghị giám định chữ viết tay và dấu vân tay trên giấy chứng nhận vay. Kết quả giám định xác định cả chữ ký lẫn dấu vân tay trên giấy vay tiền đều không phải của ông Lý.
Sau khi tái thẩm, Tòa án quận Đông Xương Phủ kết luận rằng ông Lý không phải trả khoản vay vì bị mạo danh. Vì không có cơ sở buộc tội ông Lý, ngân hàng Thương mại Nông thôn Liêu Thành đã rút đơn kiện và được tòa án địa phương chấp thuận. Ngày 13/9/2024, tòa án địa phương chính thức hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ về xét xử lại.

Ngân hàng liên quan đến vụ việc (Ảnh: Baijiahao)
Tháng 6/2025, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật quận Đông Xương Phủ kết luận các thẩm phán liên quan đến vụ xét xử trước đó đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng Dân sự Trung Quốc và bị xử lý theo quy định của pháp luật Trung Quốc.
Sau đó, ông Lý đã kiện và yêu cầu Ngân hàng Thương mại Nông thôn Liêu Thành phải bồi thường thiệt hại cho mình. Ông Lý cáo buộc ngân hàng đã vi phạm quy trình, để lộ thông tin khoản vay và để người đàn ông họ Chu mạo danh thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Thông tin ban đầu cho thấy một nhân viên ngân hàng đã trao thông tin của ông Lý cho ông Chu. Người này hiện đã nghỉ hưu, còn người đàn ông họ Chu đang thụ án tại Tứ Xuyên. Ông Lý cũng đã nộp đơn tố cáo đến cơ quan công an và các cơ quan quản lý tài chính ở địa phương.
Ngày 22/11/2024, Công an quận Đông Xương Phủ đã chính thức khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến khoản vay 300.000 NDT này. Dù kết quả vụ việc tuy không được công bố song câu chuyện của ông Lý cũng là lời cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin cá nhân, thường xuyên kiểm tra lịch sử tín dụng, và chủ động phản hồi khi có dấu hiệu bất thường.
Dù không trực tiếp vay tiền, ông Lý vẫn bị gán nợ xấu suốt hơn một thập kỷ vì bị mạo danh. Tòa án Trung Quốc khuyên người tiêu dùng cần hiểu rõ quyền lợi pháp lý của mình, đồng thời cẩn trọng khi cung cấp giấy tờ tùy thân – đặc biệt là trong các giao dịch tài chính hoặc khi nhờ người khác làm trung gian.
(Theo Baijiahao)