Conic Boulevard

Nhiều vật dụng trong nhà trở thành “mồi bẫy” với trẻ nhỏ

Với trẻ nhỏ, nhà không phải là nơi an toàn tuyệt đối. Đồ vật và cách bài trí nội thất tiềm ẩn rủi ro, thậm chí gây tử vong cho trẻ.

“Bẫy tử thần” rình rập trẻ nhỏ

Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai cho biết vừa tiếp nhận một ca bệnh đặc biệt, bé gái 19 tháng tuổi suýt tử vong vì ngã vào một chiếc xô đựng nước thải điều hòa đặt ở đầu hồi nhà. Nhờ phát hiện kịp thời và được sơ cứu đúng cách, bé đã may mắn vượt qua cơn nguy kịch.

Theo lời người nhà, bé nặng khoảng 12kg, cao khoảng 90cm, vốn hiếu động và rất thích nghịch nước. 

Hôm xảy ra sự việc, trong lúc gia đình đang tiếp khách, bé tự chơi một mình và đi ra khu vực đầu hồi nhà nơi có đặt một chiếc xô nhựa cao khoảng 40–45cm, miệng rộng chừng 40cm, bên trong chứa khoảng 10–15cm nước thải từ điều hòa. Chỉ ít phút sau, người thân phát hiện bé trong tình trạng tím tái, ngưng thở.

Nhiều vật dụng trong nhà trở thành “mồi bẫy” với trẻ nhỏ- Ảnh 1.
Nhiều vật dụng trong nhà trở thành “mồi bẫy” với trẻ nhỏ- Ảnh 2.

Xô nước bệnh nhi ngã vào.

Hoảng loạn, ông của bé bế dốc ngược và lắc mạnh. Rất may, trong nhà có người thân từng được đào tạo kiến thức y tế cơ bản đã kịp thời can thiệp, tiến hành sơ cứu theo đúng nguyên tắc: đặt trẻ nằm trên nền cứng, thổi ngạt, ép tim. Sau khoảng 5–7 phút, bé bắt đầu nôn ra nước và thức ăn, nhịp thở dần phục hồi dù vẫn còn hôn mê.

Bé nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện tuyến huyện để đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp bằng bóp bóng, sau đó chuyển gấp lên Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai để điều trị chuyên sâu. Kết quả X-quang cho thấy phổi bé bị tổn thương do hít sặc. Bệnh nhi được an thần, thở máy và hồi sức tích cực.

BSCKII Phạm Công Khắc (Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh: "Yếu tố quyết định cứu sống bệnh nhi chính là phát hiện sớm và sơ cứu ban đầu đúng cách. Gia đình bé có người làm trong ngành y nên đã xử trí kịp thời, đúng kỹ thuật".

Từ trẻ nhỏ đến cụ già: Cả nhà kéo nhau đi tiêm phòng cúm

Bác sĩ Khắc cảnh báo, vào mùa hè, trẻ nhỏ thường thích chơi nước. Không chỉ ao hồ, sông suối mới là nơi tiềm ẩn nguy hiểm, mà ngay cả các vật dụng quen thuộc trong nhà như xô, chậu, bể bơi mini, bể cá cảnh… cũng có thể trở thành "bẫy tử thần" nếu người lớn lơ là, thiếu giám sát. 

Vì vậy, phụ huynh tuyệt đối không để trẻ chơi một mình ở nơi có nước. Các vật dụng chứa nước nên đậy kín, đặt ở vị trí cao hoặc loại bỏ khi không sử dụng. 

Khi trẻ đi bơi, luôn cần có người lớn theo dõi sát sao. Đặc biệt, bác sĩ Khắc khuyến cáo không nên bế dốc ngược hay chạy vòng quanh khi trẻ gặp sự cố đuối nước, vì điều này không chỉ làm chậm quá trình sơ cứu mà còn có thể gây thêm tổn thương nghiêm trọng.

Trong những tình huống cấp cứu liên quan đến trẻ em, sơ cứu đúng cách là yếu tố then chốt quyết định sự sống còn. Theo bác sĩ Khắc, nguyên tắc sơ cứu cơ bản gồm ba bước: đảm bảo thông thoáng đường thở – thổi ngạt – ép tim.

Cụ thể, khi phát hiện trẻ đuối nước, cần lập tức đưa trẻ ra khỏi vùng nguy hiểm, đặt nằm trên nền cứng, giữ đầu ngửa ra sau và nâng cằm để mở đường thở. Sau đó, thổi ngạt 5 lần đầu tiên, tiếp tục chu kỳ 30 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt, lặp lại liên tục đến khi trẻ có phản ứng hoặc được chuyển đến cơ sở y tế.

"Càng nhiều người biết cách sơ cứu đúng, càng nhiều cơ hội sống được trao cho nạn nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Phụ huynh cũng nên cho trẻ học bơi sớm để trang bị kỹ năng sinh tồn cơ bản", bác sĩ Khắc nhấn mạnh.

Ngón tay suýt hoại tử vì chiếc vòng khóa cửa

Một trường hợp khác vừa được Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận cũng khiến nhiều phụ huynh không khỏi giật mình, một bé trai 6 tuổi nhập viện với ngón tay sưng nề, bầm tím, bị siết chặt bởi vòng kim loại – phần móc khóa cửa mà trẻ đã vô tình đưa tay vào khi chơi.

Theo lời kể của gia đình, trong lúc chơi một mình, trẻ đã đút ngón tay vào vòng khóa nhưng không rút ra được. Không có người lớn ở gần, bé mắc kẹt suốt một tiếng trước khi bố về. Gia đình đã cố gắng tháo vòng nhưng không thành, buộc phải cưa cả phần cửa mang theo đến viện.

Thời điểm nhập viện, bác sĩ ghi nhận vòng sắt ôm chặt gốc ngón III, ngón tay sưng to gấp 1,5 lần bình thường, ứ máu tĩnh mạch, da trầy xước do tác động tháo gỡ thô bạo trước đó. Đây là tình trạng nguy hiểm vì máu động mạch vẫn lên được nhưng máu tĩnh mạch không thoát ra, gây sưng nề nhanh chóng. Nếu không xử trí kịp thời, ngón tay có nguy cơ hoại tử.

Clip: Ngón tay của bé trai 6 tuổi suýt hoại tử vì chiếc vòng khóa cửa.

Ekip cấp cứu lập tức phối hợp với bác sĩ Ngoại khoa, nhanh chóng hoàn tất hồ sơ và đưa bé vào phòng mổ khẩn cấp. Dưới gây mê và gây tê vùng, các bác sĩ tiến hành giảm nề, dùng gel bôi trơn cùng dụng cụ chuyên dụng để gỡ vòng sắt ra trong khoảng 20 phút mà không gây thêm tổn thương. 

Sau thủ thuật, tuần hoàn ngón tay hồi phục, vận động linh hoạt. Trẻ tỉnh táo sau 2 giờ và được cho xuất viện trong ngày. Qua theo dõi 24h, ngón tay không có dấu hiệu tổn thương chức năng.

Theo các bác sĩ, đây là một ca cấp cứu thành công nhờ thời gian đưa trẻ đến viện kịp thời và xử trí đúng chuyên môn. Nếu chậm trễ, dị vật siết chặt có thể gây thiếu máu kéo dài, dẫn đến hoại tử ngón, thậm chí phải phẫu thuật phức tạp hoặc tháo bỏ.

Các bác sĩ cảnh báo khi trẻ gặp tai nạn như kẹt ngón tay, dị vật siết chặt tay/chân hoặc rơi vào tình huống đuối nước, phụ huynh tuyệt đối không nên tự xử lý bằng cách giật mạnh, tháo gỡ bằng lực hoặc bế dốc ngược trẻ. Những hành động thiếu hiểu biết có thể khiến tổn thương trầm trọng hơn.

Thay vào đó, cần bình tĩnh đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và can thiệp đúng cách. Đồng thời, việc trang bị kiến thức sơ cứu cơ bản và giám sát sát sao trẻ nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày là điều không thể xem nhẹ.