Một ngày tháng 11/2015, ông Đường, chủ một nhà máy ở quận Trấn Hải, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, bất ngờ nhận được thông báo số tiền gần 190.000 NDT (hơn 694 triệu đồng) trong tài khoản ngân hàng đã bị chuyển đi. Tài khoản này được liên kết với ứng dụng thanh toán WeChat, vốn là phương tiện ông thường dùng để giao dịch với khách hàng.
Điều khiến ông Đường không khỏi bối rối là thẻ ngân hàng vẫn nằm nguyên trong ví, điện thoại thì vẫn ở trên tay, vậy mà toàn bộ số tiền trong tài khoản lại “bốc hơi” một cách khó hiểu.
Theo lời người đàn ông này, đến sáng 18/11/2015, tài khoản liên kết với WeChat của ông có số dư hơn 190.000 NDT. Nhưng vào 18h40 cùng ngày, toàn bộ số tiền này bất ngờ bị chuyển đi chỉ trong một giao dịch, số dư chỉ còn 58 NDT (hơn 211.000 đồng), toàn bộ số tiền còn lại đã được rút. Khi kiểm tra lại, ông Đường xác nhận thẻ vẫn ở nguyên trong ví và không ai khác sử dụng điện thoại của mình.
Để xác định nguyên nhân sự việc, ông Đường quyết định báo sự việc cho ngân hàng và cảnh sát địa phương. Tuy nhiên trước khi thực hiện điều đó, người đàn ông này cùng vợ đến cây ATM gần nhất và thực hiện chuyển khoản gửi 100 NDT vào thẻ. Mục đích của việc này là để chứng minh rằng vị trí của chủ thẻ và thẻ ngân hàng khác với vị trí giao dịch rút tiền được thực hiện.
Sau khi nhận được tin báo của ông Đường, cảnh sát địa phương nhanh chóng xác định khoản tiền đã bị rút thông qua một thiết bị quẹt thẻ có yêu cầu nhập mật khẩu đặt tại thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc – cách xa nơi ông Đường sinh sống.
Dù liên hệ với ngân hàng để giải quyết nhưng không đạt được kết quả, ông Đường quyết định kiện ngân hàng ra Tòa án Nhân dân quận Trấn Hải, yêu cầu bồi thường toàn bộ số tiền bị mất.
Trước toà, người đàn ông này lập luận rằng khi gửi tiền vào ngân hàng, khách hàng có quyền được đảm bảo an toàn tài sản và ngân hàng với tư cách là đơn vị tài chính phải chịu trách nhiệm khi điều đó không được thực hiện.
Phía ngân hàng phản bác rằng ông Đường là người duy nhất biết mật khẩu thẻ, đồng thời đã được hướng dẫn đầy đủ các biện pháp bảo mật. Trong trường hợp này, họ cho rằng ông Đường đã để lộ mật khẩu, đặt mật khẩu quá đơn giản hoặc liên kết tài khoản với nền tảng bên thứ ba như WeChat khiến thông tin bị rò rỉ.
Ngoài ra, ngân hàng còn viện dẫn điều khoản in sẵn trong hợp đồng mở thẻ, quy định rằng:"Tất cả các giao dịch được thực hiện bằng mật khẩu giao dịch đều được coi là do chủ thẻ thực hiện", để thoái thác trách nhiệm và từ chối bồi thường.
Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ các tình tiết, Tòa án quận Trấn Hải bác bỏ lập luận của ngân hàng. Tòa kết luận có người đã sử dụng thẻ giả để thực hiện giao dịch và đánh cắp tiền từ tài khoản của ông Đường.

Ảnh minh hoạ: Internet
Tòa chỉ ra rằng, ngân hàng với tư cách là tổ chức phát hành thẻ đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm soát rủi ro và không thể phát hiện thẻ giả. Việc để xảy ra sự cố như vậy chứng minh ngân hàng có lỗi trong khâu quản lý kỹ thuật và bảo mật, gây tổn thất cho khách hàng.
Về điều khoản “mọi giao dịch có mật khẩu được coi là do chủ thẻ thực hiện”, tòa tuyên bố đây là điều khoản tiêu chuẩn in sẵn để miễn trừ trách nhiệm cho ngân hàng, không thể dùng làm bằng chứng hợp pháp nhằm chối bỏ trách nhiệm pháp lý.
Mặt khác, việc ngân hàng cho rằng ông Đường có thể tự để lộ mật khẩu, hoặc bị rò rỉ do bên thứ ba, cũng không được tòa chấp nhận do không có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào. Cuối cùng, tòa ra phán quyết yêu cầu đơn vị này phải bồi thường toàn bộ số tiền 190.000 NDT cho ông Đường.
Qua vụ việc trên, Thẩm phán Tòa án quận Trấn Hải khuyến nghị mọi người cần chủ động bảo vệ quyền lợi nếu rơi vào tình huống tương tự bằng cách thực hiện ngay ba việc:
Thứ nhất, gọi ngay đến tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để thông báo sự cố và yêu cầu phong tỏa tài khoản. Thứ hai, nhanh chóng trình báo cảnh sát và cung cấp các thông tin liên quan như số tiền bị mất, thời gian, địa điểm giao dịch và thông tin tài khoản. Thứ ba, đến cây ATM gần nhất để thực hiện một giao dịch nhằm chứng minh vị trí thực tế của chủ thẻ khác với nơi xảy ra giao dịch đáng ngờ – yếu tố có thể giúp xác định thẻ bị làm giả.
Nhờ kịp thời thực hiện đầy đủ ba bước trên, ông Đường đã có cơ sở pháp lý vững chắc trong quá trình khởi kiện và đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.
(Theo Sohu)