Conic Boulevard

Thuế quan của ông Trump gây tổn hại đến ví tiền của người Mỹ thế nào?

Không chỉ có thị trường tài chính toàn cầu lao dốc do chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump mà người Mỹ cũng phải vật lộn với tác động lâu dài.

Ngày 2/4 được Tổng thống Donald Trump tuyên bố là “Ngày Giải phóng” của nước Mỹ và công bố mức thuế quan đối ứng với hầu hết quốc gia trên thế giới. Chính sách này của ông Trump có thể đẩy giá của nhiều vật dụng gia đình ở Mỹ lên cao và làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), quốc gia này nhập khẩu ngày càng nhiều trái cây và rau quả tươi mỗi năm. Những mặt hàng này chủ yếu đến từ Canada và Mexico, hai quốc gia không bị ảnh hưởng ngay lập tức bởi chính sách thuế quan công bố hôm thứ 2/4.

Tuy nhiên, nhiều hàng hóa khác không thể nằm ngoài việc bị ảnh hưởng bởi khoản thuế được thiết lập có hiệu lực ngay trong tháng này. Ví dụ, Mỹ nhập khẩu lượng lớn chuối từ các quốc gia Mỹ Latinh như Guatemala, Ecuador và Costa Rica, tất cả đều phải đối mặt với mức thuế 10% từ ngày 5/4.

Cà phê cũng có khả năng tăng giá, vì nhiều nhà xuất khẩu hàng đầu Brazil và Colombia phải đối mặt với tỷ lệ 10% mức thuế mới. Nhập khẩu dầu ô liu và rượu từ Italia, Tây Ban Nha và Hy Lạp sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế 20% mới đối với Liên minh châu Âu từ ngày 9/4.

Thuế quan của ông Trump gây tổn hại đến ví tiền của người Mỹ thế nào?- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng. ( Ảnh: Bloomberg)

Tương tự, gạo hoa nhài Thái Lan và gạo basmati Ấn Độ đối mặt với mức thuế lần lượt là 36% và 26%. Trong khi tôm Ấn Độ được Mỹ nhập khẩu với số lượng lớn sẽ đối mặt với mức thuế tương tự là 26%.

Các thiết bị điện tử tiêu dùng cũng bị đánh thuế cao trong tháng này, do có nhiều sản phẩm được sản xuất hoặc lắp ráp tại Ấn Độ và Trung Quốc.

Bất chấp các động thái mở rộng chuỗi cung ứng của mình, Apple vẫn sản xuất phần lớn iPhone ở Trung Quốc thông qua nhà cung cấp Foxconn - nơi xuất khẩu phần cứng sẽ bị ảnh hưởng với mức thuế tổng cộng 54% từ ngày 9/4.

Nhà phân tích Ming-Chi Kuo của Apple dự đoán những người mua iPhone cao cấp ở Mỹ chiếm tới 70% doanh số bán hàng và phải chấp nhận việc tăng giá.

Ngoài những biện pháp công bố hôm 2/2, chính quyền ông Trump còn áp dụng mức thuế 25% đối với phương tiện không sản xuất tại Mỹ - bước đi mà nhiều nhà phân tích cảnh báo có thể khiến chi phí sản xuất xe tăng thêm.

Trong khi đó, thị phần của công ty quần áo và dệt may, vốn dựa vào lao động giá rẻ ở các quốc gia bao gồm Trung Quốc và Việt Nam giảm mạnh. Trong đó, Nike giảm hơn 13% và Gap giảm hơn 20%.

Phòng thí nghiệm Ngân sách của Đại học Yale (Mỹ) ước tính ảnh hưởng của thuế quan sẽ khiến chi phí quần áo và hàng dệt may tăng 17%. Đồng thời, tổn thất trung bình trên mỗi hộ gia đình là 3.800 USD.

Phát biểu với các phóng viên hôm 3/4, ông Trump khẳng định thuế quan sẽ khiến Mỹ "rất giàu có". Tổng thống Trump nói: "Mọi thứ đã kết thúc và bây giờ chúng tôi sẽ để nó ổn định".