Trong một diễn biến có thể làm rung chuyển đế chế phần mềm của Apple, thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers đã chính thức kết luận rằng Apple đã vi phạm lệnh cấm hành vi cạnh tranh không lành mạnh được đưa ra từ năm 2021, và lần này bà không để họ có cơ hội sửa sai nữa. Thay vào đó, Apple bị buộc phải thực hiện những thay đổi cụ thể nhằm phá vỡ thế độc quyền trên App Store, nơi từng là nguồn lợi nhuận khổng lồ cho hãng công nghệ này.
Nguồn cơn của sự việc bắt đầu từ cuộc chiến pháp lý đình đám với Epic Games. Khi đó, dù Apple thắng phần lớn, tòa án vẫn ra phán quyết buộc hãng phải cho phép các nhà phát triển ứng dụng chèn liên kết trong app để dẫn người dùng tới các phương thức thanh toán bên ngoài, tránh hệ thống tính phí 30% của App Store – một điều được gọi là "anti-steering injunction".

Quảng cáo chế giễu Apple của Epic Games. Ảnh: Business Insider
Tuy nhiên, theo thẩm phán, thay vì tuân thủ tinh thần phán quyết, Apple lại mải tìm cách lách luật. Tài liệu nội bộ cho thấy hãng đã tổ chức các cuộc họp để "giới hạn tối đa tác động của lệnh này", thậm chí còn phân tích xem nên "làm thế nào để mất ít tiền nhất".
Cuối cùng, Apple chọn giải pháp tồi tệ nhất: vừa giữ lại cơ chế thu hoa hồng, vừa thu phí nhà phát triển, lại còn giới hạn vị trí hiển thị liên kết. Một sự kết hợp mà theo tòa là "phương án phản cạnh tranh nhất có thể".
CEO Tim Cook được cho là người trực tiếp chốt mức hoa hồng mới là 27%. Một số lãnh đạo nội bộ như Phil Schiller đã bày tỏ sự phản đối. Điều trớ trêu là chính Apple cũng biết mức phí này quá cao, sẽ khiến nhà phát triển từ bỏ ý định dùng liên kết ngoài, vì sau khi cộng thêm phí xử lý thẻ tín dụng thì lợi nhuận còn lại chẳng đáng là bao.
Không dừng lại ở đó, Apple còn thiết kế màn hình cảnh báo toàn màn hình để dọa người dùng mỗi khi họ nhấn vào liên kết ngoài. Một email nội bộ cho thấy đội ngũ thiết kế được chỉ đạo phải dùng ngôn ngữ "đáng sợ", và thậm chí thay vì ghi tên app, họ còn muốn hiện tên nhà phát triển để tăng phần răn đe. CEO Tim Cook sau đó yêu cầu bổ sung thêm cảnh báo về việc "Apple không còn đảm bảo quyền riêng tư khi bạn rời khỏi ứng dụng".

Tài liệu nội bộ cho thấy Apple đã cân nhắc dọa người dùng khi họ nhấn liên kết ngoài. Ảnh: The Verge
Khi bị đưa ra tòa, Apple cố gắng ngụy biện rằng từ "scary" không có nghĩa là hù dọa mà chỉ là "thuật ngữ chuyên ngành" nhằm "tăng cường nhận thức". Nhưng thẩm phán Rogers đã thẳng thừng bác bỏ, gọi lý lẽ này là "một sự xúc phạm đến lẽ thường".
Cuối cùng, bà kết luận Apple "đã chọn sai ở mọi bước", chỉ nhằm duy trì nguồn thu bất hợp pháp từ hệ sinh thái App Store. "Cook đã chọn sai," bà viết. Với phán quyết mới, Apple buộc phải cho phép các liên kết và nút mua hàng được tự do sử dụng, đồng thời không được thu phí trên các giao dịch qua web.
Apple, như thường lệ, phản đối và tuyên bố sẽ kháng cáo. Nhưng trong mắt dư luận, đây là một đòn đau với hình ảnh chính trực mà hãng đã dày công xây dựng, và có lẽ lần này họ sẽ khó thoát khỏi màn cảnh tỉnh từ công lý.
Theo The Verge