Trần Anh Khoa (SN 2001) lớn lên ở Tôn Đản - nơi từng được coi là vùng “đất dữ” của Sài thành khi tập hợp toàn “dân anh chị” khét tiếng, nổi cộm là “ông trùm” Năm Cam. Khoa nhớ như in tuổi thơ chứng kiến các nhóm giang hồ rượt đuổi nhau tại khu nhà ổ chuột bên kia mé sông, tiếng cãi cọ phân bua của xóm chợ hay mùi tanh nồng bốc lên từ khu chợ cá. Hồi nhỏ, Khoa gần như không được tự do ra ngoài bởi bố mẹ sợ em khó tránh khỏi cám dỗ khi sống trong môi trường phức tạp. Vì thế, Khoa dùng toàn bộ thời gian để học tập, phát triển bản thân.
Cách đây 2 năm, Khoa nổi tiếng trong cộng đồng du học sinh khi trúng tuyển chương trình Thạc sĩ - Tiến sĩ tại Đại học Bắc Kinh. Nam sinh cũng là cử nhân ngành Luật và Nghiên cứu Pháp lý của Đại học New York Abu Dhabi.
Và mới đây, Khoa lại trúng tuyển thẳng chương trình Tiến sĩ, chuyên ngành Quản trị chiến lược (Strategic Management) tại INSEAD (The Business School for the World), nước Pháp. (#2 thế giới QS Ranking). Mỗi năm, ngành Quản trị chiến lược tại INSEAD chỉ nhận 2 ứng viên trong hơn 100 đơn ứng tuyển toàn cầu.

CHÚNG TA SẼ CÓ CƠ DUYÊN GẶP LẠI, KHÔNG LÀ THẦY TRÒ THÌ CŨNG LÀ… ĐỒNG NGHIỆP TƯƠNG LAI
- Trước đó, em đang học chương trình Tiến sĩ tại ĐH Bắc Kinh, vì sao em lại quyết định chuyển hướng sang Pháp?
Em đặt mục tiêu tương lai trở thành Giáo sư tại trường ĐH top đầu thế giới, đặc biệt tại Hoa Kỳ, các nước châu Âu hoặc Singapore. Khi em chia sẻ ước mơ với các Giáo sư tại ĐH Bắc Kinh, thầy cô ủng hộ và khích lệ em nộp lại chương trình Tiến sĩ thuộc nhóm trường top đầu quốc tế. Dù ĐH Bắc Kinh có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng tổng thể, nhưng trong lĩnh vực đào tạo Tiến sĩ ngành Kinh doanh, trường vẫn chưa nằm trong nhóm dẫn đầu.
Lý do thứ hai là do em không thành thạo tiếng Trung, trong khi các tài liệu được thu thập đều bằng ngôn ngữ Trung. Điều này vô tình gây ra rào cản khi phân tích và xử lý số liệu. Và điều cuối cùng là bạn gái của em cũng ở Pháp, chúng em muốn ở gần nhau, cùng học tập và phát triển sau quãng thời gian yêu xa kéo dài.
- Nhiều bạn trẻ lựa chọn vừa học vừa làm để có thu nhập ổn định, trải nghiệm thực tiễn. Còn em, vì sao lại quyết định học thẳng lên Tiến sĩ?
Em từng khởi nghiệp từ năm 16 tuổi, và hiện tại đang vận hành một dự án tạo nên thu nhập ổn định. Tuy nhiên, em chọn học lên Tiến sĩ không phải vì né tránh thực tế mà muốn đóng góp cho khoa học, cho giáo dục, và cho cả ngành công nghiệp em đam mê.
Làm trong doanh nghiệp có thể mang lại thu nhập cao nhưng con đường học thuật lại cho em cơ hội tạo ra tri thức mới. Em thực sự ngưỡng mộ những nhà nghiên cứu đã tạo ra những framework làm thay đổi cách doanh nghiệp vận hành. Họ không chỉ tư duy như nhà kinh doanh mà còn đặt nền móng cho cả một thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp mới.

Ngoài lý tưởng, con đường này cũng rất thực tế. Ở Mỹ, giáo sư ngành Quản trị Chiến lược tại các trường đại học hàng đầu có thu nhập từ 200.000 USD trở lên, cùng cơ hội nhận tài trợ nghiên cứu (funding) để theo đuổi đề tài mình yêu thích - khác với công việc doanh nghiệp, nơi phải chạy theo yêu cầu của khách hàng hay đối tác. Khi đã có được biên chế (tenure), cuộc sống sẽ ổn định, an toàn, và em có thể tự do sáng tạo, giảng dạy, nghiên cứu mà không bị áp lực "giữ việc".
- Hành trình nộp hồ sơ chương trình Tiến sĩ có gì đặc biệt?
Tại INSEAD, mỗi khoa chỉ nhận 2 - 3 học viên, thậm chí có năm chỉ nhận 1 người duy nhất nên tỷ lệ chọi là siêu cao. Năm nay, INSEAD nhận 2 nghiên cứu sinh Tiến sĩ cho ngành Chiến lược. Cạnh tranh khốc liệt nên em không thể chỉ nộp hồ sơ vào một trường mà em đã rải gần 20 trường khác nhau, đều thuộc các trường top thế giới.
Em đã trải qua các vòng như chuẩn bị và nộp hồ sơ gồm bảng điểm, thư giới thiệu, kết quả học tập, kết quả nghiên cứu khoa học và các kỳ thi chuẩn hóa. Em được 4 Giáo sư thuộc các trường ĐH Bắc Kinh, ĐH New York, ĐH Cambridge, và ĐH Stanford viết thư giới thiệu.
Tiếp đến em sẽ nộp bài viết luận cho 16 trường với hàng chục bài, quá trình kéo dài 3 tháng. Sau đó, em được 9/16 trường gửi lời mời tham gia buổi phỏng vấn - cũng là vòng cuối cùng diễn ra vào đúng Tết Nguyên đán. Quãng thời gian đó khá áp lực vì em là ứng viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu so với các anh chị lớn tuổi hơn.
- Trước nhiều sự lựa chọn hấp dẫn, vì sao cuối cùng em quyết định theo học tại INSEAD?
Em may mắn vào vòng phỏng vấn cuối chinh phục thành công nhiều trường trong số nhóm 15 trường hàng đầu. Sau giai đoạn khó khăn là giai đoạn chọn trường. Trong thời gian ấy, việc tương tác với các giáo sư tại London Business School (#2 Châu Âu FT Ranking), University of Virginia Darden (#10 Hoa Kỳ US News Ranking) và INSEAD (#1 Châu Âu FT Ranking) để lại cho em nhiều ấn tượng.
London Business School là trường đầu tiên đưa ra thư mời nhập học vào cuối tháng 1 và đã sắp xếp để em được gặp và trò chuyện với 4 giáo sư và 5 nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Giáo sư Xia Li chia sẻ, em là ứng viên có số phiếu bầu cao nhất và được toàn bộ hội đồng tuyển sinh của khoa Quản trị Chiến lược và Khởi nghiệp đồng thuận cấp học bổng nghiên cứu Tiến sĩ tại trường.
Với University of Virginia Darden, các Giáo sư đã gọi điện thông báo khi có kết quả. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho em được nghiên cứu và trở thành đồng tác giả của GS. R. Edward Freeman, người được coi là cha đẻ của Lý thuyết về các bên liên quan (Stakeholder Theory) và có hơn 160.000 lược trích dẫn. Thầy là một trong những giáo sư có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành Quản trị kinh doanh hiện đại.
Khi em quyết định học tại INSEAD, Giáo sư Saras D. Sarasvathy, người nổi tiếng toàn cầu với việc phát triển phương pháp tư duy hướng tới hiệu quả (Effectuation), đã gửi lời nhắn đầy ấm áp. Giáo sư chia sẻ rất tiếc vì em không thể đến Darden, nhưng cô tin rằng sẽ có cơ duyên gặp lại, khi đó không phải là thầy trò thì cũng là… đồng nghiệp tương lai!

INSEAD là một trường kinh doanh toàn cầu, với các cơ sở tại nhiều quốc gia. Trong chương trình Tiến sĩ, sinh viên sẽ được luân phiên học tập giữa các chi nhánh, tiêu biểu là tại Pháp và Singapore. Theo kế hoạch ban đầu, em sẽ học 2 năm đầu tại cơ sở Singapore.
Thế nhưng, khi em chia sẻ rằng, bạn gái em vừa được nhận vào chương trình Tiến sĩ tại Pháp và em mong muốn ở gần bạn, nhà trường đã linh hoạt cho em học tại cơ sở Paris. Giáo sư Ilze Kivleniece cho biết, nhà trường chưa từng có tiền lệ cho việc này, nhưng INSEAD mong muốn em trở thành một phần của cộng đồng học thuật tại đây nên sẽ tạo điều kiện tốt nhất để em được ở gần người thân.

- Là người có uy tín trong cộng đồng du học sinh, em có thể tóm gọn bí quyết thành công của mình?
Điều quan trọng đầu tiên là các bạn phải xác định rõ mục tiêu. Hãy tự đặt ra những câu hỏi như: "Mình muốn phát triển sự nghiệp theo hướng nào?", "Giá trị mình tạo ra cho cộng đồng là gì?", hay "Mình muốn trở thành ai trong 5 hay 10 năm tới?".
Bên cạnh mục tiêu, một yếu tố khác cũng rất quan trọng: Hãy tìm cho mình những người bạn đồng hành. Việc có một nhóm bạn cùng chí hướng để cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau giải bài, trao đổi ý tưởng nghiên cứu hay góp ý cách viết luận sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh hơn và bền vững hơn.
VÀI PHÚT CHIA SẺ XÚC ĐỘNG
VỚI PHÓ CHỦ TỊCH NƯỚC
- Được biết Khoa từng gặp gỡ nhiều doanh nhân, chính khách nổi tiếng thế giới. Em có thể chia sẻ về những cơ hội đặc biệt này không?
Ngay từ năm nhất, năm hai đại học, em đã may mắn có cơ hội tham dự các buổi gặp gỡ cấp cao, nơi em được lắng nghe, học hỏi trực tiếp từ những doanh nhân và chính khách hàng đầu thế giới như cựu Tổng thống Colombia, người đoạt giải Nobel Hòa bình, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.
Đến năm ba, năm tư, vai trò của em đã dần mở rộng: em được mời tham dự với tư cách đại biểu, có dịp trình bày kết quả nghiên cứu và trao đổi học thuật cùng các tác giả, nhà lãnh đạo, nhà khoa học đoạt giải Nobel.

Điều khiến em ấn tượng nhất khi tiếp xúc với những người thành công không chỉ là kiến thức hay tầm nhìn của họ, mà còn là thái độ sống. Họ không né tránh khó khăn, không đổ lỗi cho quá khứ, mà xem việc đối mặt và vượt qua thử thách là một phần tất yếu trong hành trình phát triển. Họ luôn giữ được sự điềm đạm, khiêm tốn, và gần gũi đến bất ngờ dù vị trí xã hội của họ có thể khiến người khác dễ cảm thấy xa cách. Chính sự giản dị là điều khiến em nể trọng và học hỏi nhiều nhất.
Em nhận ra mình còn rất nhỏ bé trong thế giới rộng lớn, và mỗi cuộc gặp gỡ là một lời nhắc nhở: Con đường tri thức là hành trình không bao giờ có điểm dừng.
- Cuộc trò chuyện với ai để lại cho em nhiều ấn tượng, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát trình phát triển bản thân?
Em từng có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với Phó Chủ Tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Em vô cùng xúc động. Em đã đặt câu hỏi về vấn đề chảy máu chất xám tại và cách Chính phủ Việt Nam giữ chân nhân tài.
Cô Ánh Xuân dặn dò, người Việt Nam ở đâu không quan trọng, miễn là sống trách nhiệm, có đạo đức, tầm nhìn, đóng góp tài năng cho xã hội, chứ không nhất thiết phải về nước nếu Việt Nam chưa mang lại cho họ cơ hội phát triển tốt nhất. Trí tuệ của Việt Nam cũng là trí tuệ của nhân loại.

Nhìn lại bản thân mình, em nghĩ rằng, dù em học ở Mỹ, Trung Quốc, Pháp hay mai sau làm việc ở quốc gia nào vẫn luôn hướng về quê hương. Em đã giúp nhiều học sinh Việt Nam có cơ hội tham gia ngoại khóa, chuẩn bị hồ sơ du học, săn học bổng, tạo đề tài nghiên cứu,... Đặc biệt, có những trường hợp khó khăn về tài chính, em vẫn cố gắng hỗ trợ để các em học sinh được thực hiện ước mơ du học.
- Đặt chân tới 4 châu lục, hàng chục quốc gia, em có thể đưa ra vài lời khuyên hữu ích cho các bạn trẻ?
Em nhận ra một điều quan trọng: Cơ hội không thiếu, vấn đề là chúng ta có đủ chủ động để nắm bắt hay không. Hiện nay, hơn 70% người Việt Nam sử dụng Internet và máy tính, tức là phần lớn chúng ta đều đang tiếp cận kho tri thức khổng lồ. Điều quan trọng là các bạn trẻ cần vượt qua giới hạn của bản thân như sự ngại thay đổi, sợ thất bại, hay tâm lý chờ đợi người khác chỉ đường.
Một điều em học được từ các nền giáo dục tiên tiến là cách họ hướng dẫn học sinh tư duy thay vì chỉ đưa ra lời giải. Thầy cô không cho sẵn đáp án, mà tạo điều kiện để học sinh tự đặt câu hỏi, phản biện và tự tìm hướng giải quyết. Chính điều đó giúp người học phát triển khả năng phân tích, so sánh thông tin và đưa ra những giải pháp thông minh, sáng tạo hơn.

- Với khối lượng công việc nhiều, chắc hẳn quỹ thời gian dành cho sở thích cá nhân của em bị thu hẹp?
Em vẫn ngủ đủ 7 tiếng/ngày, vẫn xem hoạt hình, đọc truyện tranh, đi du lịch, theo đuổi các sở thích khác. Mỗi người đều chỉ có 24 tiếng mỗi ngày và bí quyết của em là có đồng đội giỏi hỗ trợ. Em chỉ lên kế hoạch, còn việc triển khai mọi thứ sẽ dành cho nhân viên.
Ngoài ra, em cũng áp dụng AI trong mọi việc. Dùng AI thông minh sẽ giúp chúng ta có thời gian nghỉ ngơi, giảm thiểu khối lượng công việc. Một vị Giáo sư em biết có dự án thú vị “Khởi nghiệp một người” - nghĩa là dùng AI vận hành mọi khâu trong doanh nghiệp, giúp tối ưu chi phí, nhân sự mà vẫn mang lại hiệu quả.
Cảm ơn em vì buổi trò chuyện thú vị!