Conic Boulevard

Từng nổ 100 đơn/ngày sau khi nghỉ việc làm chủ shop, giờ chỉ muốn quay lại đi làm thuê

Ai đã từng trong tình cảnh này thì xin giơ tay!

“Tôi chán cảnh làm công ăn lương này lắm rồi”, “Công việc này không phù hợp với tôi”, “Tôi muốn khởi nghiệp và làm chủ của chính mình”, “Tôi muốn thoát ra khỏi vòng an toàn của bản thân”,...

Bạn thấy những suy nghĩ này có quen không? Ắt hẳn chúng đã từng nhen nhóm đâu đó trong đầu chúng ta - những người đang đều đặn sáng xách xe lên công ty, chiều chạy xe về. Có người mãi mãi dừng lại ở bước nghĩ nhưng cũng có người đã thực sự nghỉ việc để khởi nghiệp, kinh doanh riêng.

Nhưng khởi nghiệp có this, có that và có cả những cú lừa!

Cú lừa khởi nghiệp đôi khi đến từ hào quang ngắn ngủi: ngày nổ trăm đơn, rep tin nhắn của khách không ngơi tay, doanh thu là những con số dài dằng dặc,... khiến người ta nghĩ rằng mình đã thành công, đã sáng suốt khi nghỉ việc. Để rồi ngay sau đó thực tế khắc nghiệt dần dần phơi bày, dội những gáo nước lạnh như đơn thưa thớt, thị trường cạnh tranh khốc liệt, chi phí vận hành và nguyên vật liệu cao,... và họ chỉ ước được quay lại làm thuê.

Từng nổ 100 đơn/ngày sau khi nghỉ việc làm chủ shop, giờ chỉ muốn quay lại đi làm thuê- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Từng nổ ầm ầm 100 đơn/ngày, giờ ế ẩm

Đây chính là nội dung chia sẻ của một bài đăng viral trên Threads cách đây không lâu. Chủ nhân câu chuyện vốn làm văn phòng và đã nghỉ việc để kinh doanh giày dép, có thời điểm cô bán được cả trăm đơn mỗi ngày. Hiện tại buôn bán ế ẩm, đơn lác đác nên cô muốn quay lại cuộc sống dân văn phòng.

“Đã từng 100 đơn 1 ngày và những ngày đó thấy từ bỏ công việc văn phòng thật xứng đáng. Cho tới những ngày ế ẩm lác đác đơn như hiện tại, đôi lúc lại muốn bỏ cuộc và muốn quay trở lại cuộc sống văn phòng ổn định bớt đau đầu của trước kia. Không biết phải tính sao cho vừa chiếc lòng này luôn…”

Chia sẻ này nhận được nhiều sự đồng cảm từ cư dân mạng, nhất là những người đã và đang chọn con đường kinh doanh.

Ai nấy đều đồng tình rằng thời gian đầu khởi nghiệp sẽ hào hứng vì chuyển môi trường làm việc mới nên dù phải làm việc quần quật, làm chủ và làm cả chủ nhật cũng thấy phấn khởi. Nhưng thời gian sau sẽ cần rất nhiều sự kiên trì, cần có định hướng lâu dài bởi việc buôn bán không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đó là khoảnh khắc dễ nản chí nhất.

“Tui từng khởi nghiệp từ 3 triệu, lên được 2 cửa hàng doanh thu 200 triệu/ tháng. Xong rồi lại dẹp tiệm về làm tại nhà đây. Đã kinh doanh là không ổn đâu nhưng khi đạt được sẽ nhiều hơn so với đi làm thuê. Quan trọng là hãy tự tin lên. Tui vẫn luôn dặn bản thân mỗi ngày vậy đó!” - một cư dân mạng động viên.

Một người khác lại bày tỏ: “Giống tui luôn, nhiều lúc nghĩ nản muốn đi làm công ăn lương cho khoẻ, không phải đau đầu nghĩ cách kiếm tiền mỗi ngày. Nhưng mà bỏ thì uổng nên vẫn cố nè”.

Từng nổ 100 đơn/ngày sau khi nghỉ việc làm chủ shop, giờ chỉ muốn quay lại đi làm thuê- Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Trong thực tế, cảm giác hối hận sau khi nghỉ việc để khởi nghiệp không hiếm.

Ngọc Châu (25 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi) làm việc trong bộ phận nhân sự tại một công ty công nghệ. Mức lương làng nhàng mãi không khá lên nổi trong khi kinh tế khó khăn nên đầu năm ngoái, cô ấy đã xin nghỉ việc để tự kinh doanh quần áo.

Đây là cửa hàng sang nhượng, phí chuyển nhượng cộng với tiền thuê nhà là khoảng 300 triệu/ năm. Cô cũng đồng ý bán tiếp hàng hoá từ người chủ cũ với tổng giá trị khoảng 100 triệu. Tổng cộng, cô đầu tư khoảng 400 triệu cho cửa hàng của mình.

Với sự tâm huyết và chăm chỉ, Ngọc Châu làm việc từ sáng đến tối, từ thứ 2 đến chủ nhật. Cô không dám nghỉ ngơi vào cuối tuần, không dám ra ngoài vào các ngày trong tuần. Suy cho cùng mở cửa hàng thì dễ nhưng duy trì mới khó, cô làm việc từ 8h sáng đến 10h tối.

Tuy nhiên doanh thu không đúng như mong đợi, chỉ ở mức trung bình. Muốn đáp ứng yêu cầu của khách hàng nên Châu đầu tư rất nhiều vào nguồn hàng, lùng đủ size và mẫu mã. Sau 1 năm kiên trì, cô chỉ kiếm lại được khoảng 1 nửa số vốn đã bỏ ra, cảm giác như đã làm việc vô ích suốt 1 năm, thậm chí còn lỗ.

Cuối cùng, không còn lựa chọn nào khác, Ngọc Châu quyết định dừng bước trên con đường khởi nghiệp. Cô thi thêm một vài chứng chỉ chuyên ngành bổ sung vào CV để quay lại làm thuê.

Quay lại văn phòng có phải là phương án tốt?

Tốt hay không còn tùy thuộc vào tình huống cụ thể, khó có một đáp án chung cho tất cả mọi người.

Phía dưới bài đăng của cô gái nghỉ việc đi bán giày dép nói trên, một netizen bình luận: “Thật ra bây giờ quay lại văn phòng cũng áp lực lắm, nhất là khi bạn đã tự kinh doanh riêng rồi nên cố thêm xíu để qua giai đoạn kinh tế biến động này. Mình cũng từng đắn đo rồi quyết định quay lại văn phòng và tới giờ vẫn còn hối hận vì đã không cố tiếp mà bỏ đây”.

Từng nổ 100 đơn/ngày sau khi nghỉ việc làm chủ shop, giờ chỉ muốn quay lại đi làm thuê- Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Trong khi đó Ngọc Châu hoàn toàn thấy nhẹ nhõm sau khi đóng cửa hàng, quay lại đi làm thuê. Bởi bây giờ cô không phải lo lắng về những con số, có thời gian cho bản thân và gia đình.

“Sau khi hoàn tất mọi việc và trở về nhịp sống văn phòng, tôi cảm thấy như được giải thoát, quẳng được gánh nặng trên vai. Tôi cũng nhận ra sai lầm của mình là quá hấp tấp, đầu tư quá nhiều vào thứ mà mình không giỏi để rồi phải mang nợ. Có thể sau này tôi sẽ suy nghĩ khác, sẽ lại khởi nghiệp nhưng đây là bài học đáng nhớ cho tôi” - cô nói.

Thực tế, người đã ra khởi nghiệp rồi quay lại làm việc văn phòng sẽ có những rào cản nhất định.

Bạn tự kinh doanh, làm chủ, tự đưa ra quyết định và tự chịu trách nhiệm mọi thứ nên tư duy và kỳ vọng với công việc cũng khác với đi làm thuê. Khi là nhân viên công ty, làm việc dưới trướng người khác, bạn phải thích nghi lại với quy trình, với sự quản lý và đôi khi cảm thấy không được tự do. Điều này có thể tạo cảm giác gò bó hoặc mất đi động lực.

Cũng chính sự kỳ vọng này mà người ta thường mong đợi vị trí và mức lương cao hơn dựa trên kinh nghiệm tự làm chủ. Trong khi đó, nhà tuyển dụng thường đánh giá dựa trên kinh nghiệm làm thuê trước đó, dẫn đến sự không khớp về kỳ vọng.

Khi trở lại đi làm thuê, nhà tuyển dụng có khả năng đặt câu hỏi về khoảng trống trong CV mà bạn nghỉ việc để khởi nghiệp. Giải thích lý do nghỉ việc khởi nghiệp và chứng minh kỹ năng bạn tích lũy được trong giai đoạn đó là một thách thức lớn. Bởi lúc này nhà tuyển dụng còn cân nhắc đến vấn đề bạn có thể không muốn gắn bó lâu dài với công ty, trở lại con đường khởi nghiệp bất cứ lúc nào.

Vấn đề kỹ năng chuyên môn cũng rất đáng lưu tâm. Nếu khởi nghiệp đòi hỏi tập trung vào kỹ năng như quản lý, bán hàng,... thì trong thời gian đó bạn có thể bỏ lỡ việc cập nhật vấn đề chuyên môn - điều thay đổi hàng ngày trong thị trường lao động hiện đại.

Cuối cùng là tâm lý “tôi đã thử và thất bại”, sợ bị đánh giá. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự tự tin khi phỏng vấn hoặc hòa nhập vào môi trường làm thuê.

Từng nổ 100 đơn/ngày sau khi nghỉ việc làm chủ shop, giờ chỉ muốn quay lại đi làm thuê- Ảnh 4.

(Ảnh minh họa)

3 “chìa khóa” mà đi làm thuê hay đi khởi nghiệp đều cần trả lời

Dù nghỉ việc để khởi nghiệp hay từ bỏ kinh doanh để quay lại làm thuê thì trước khi quyết định, hãy nghĩ kỹ 3 câu hỏi này:

1. Tại sao lại nghỉ việc để kinh doanh?/ Tại sao từ bỏ kinh doanh để quay lại làm thuê?

Đừng nói về những lý tưởng lớn lao bởi thực ra điều cần thiết đầu tiên vẫn là tiền. Bạn khao khát giàu có hoặc khao khát giàu có để được tự do. Nhưng liệu bạn có thể tự do nếu ngồi lì một chỗ làm việc từ 9h sáng đến 5h chiều không?

Từ dân văn phòng sang kinh doanh hay từ kinh doanh sang dân văn phòng về cơ bản vẫn chỉ là một kiểu nhảy việc. Chỉ là bạn nhảy từ công việc có lương cơ bản hàng tháng, có giờ giấc làm việc sang công việc không có lương cố định, không có quy định nghỉ lễ nhưng được tự do.

Nhìn chung cả hai đều có những cái ưu - nhược nhất định nên cần phải cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định.

2. Bạn có quen thuộc với lĩnh vực sắp khởi nghiệp/ sắp đi làm thuê trở lại không?

Trên thực tế, nhiều người mở shop chỉ vì mục đích mở shop, muốn thoát khỏi sự kìm hãm và thiếu tự do tại nơi làm việc cũ. Họ cho phép mình khởi nghiệp hoặc vội vã bước vào một ngành hoàn toàn không quen thuộc, bắt đầu từ con số 0 trong một lĩnh vực mà họ không giỏi.

Chẳng hạn một nhân viên ngân hàng muốn nghỉ việc mở quán trà sữa thì bước đầu tiên không phải là gọi điện đến thương hiệu đó để mua nhượng quyền. Thay vào đó là đi học pha chế, làm nhân viên part-time ở cửa hàng. Lúc này mức lương không quan trọng, quan trọng là bạn phải tìm hiểu xem liệu có thể kiếm được tiền ở đây, có thể làm được công việc đó hay không.

Ngược lại khi từ khởi nghiệp trở lại văn phòng thì cũng cần phải tìm hiểu thị trường chung và cập nhật kỹ năng công việc riêng. Giống như Ngọc Châu trước khi trở lại văn phòng đã đi thi chứng chỉ liên quan đến nhân sự để cập nhật thay đổi của ngành nghề trong thời gian cô nghỉ việc. Nhờ vậy mà cô tìm được việc không quá khó khăn.

3. Bạn có đủ khả năng chấp nhận thất bại, chịu trách nhiệm cho quyết định của mình?

Trong mọi tình huống, biết suy nghĩ thiệt hơn và tự chịu trách nhiệm cho quyết định của mình là một thái độ quan trọng.

Khi bắt đầu kinh doanh, không nên đầu tư quá nhiều tiền hay dựa vào toàn bộ tiền vay. Việc này rất rủi ro và một khi thất bại, bạn sẽ hoàn toàn mất khả năng chi trả. Vậy nên cần cân nhắc xem mình có thể đối mặt với những vấn đề đó hay không.

Trái lại khi đang khởi nghiệp mà quay lại làm công ăn lương, bạn sẽ phải lường trước những việc như lương cố định, môi trường gò bó hơn so với trước đây,... tránh thái độ cả thèm chóng chán.

(Tổng hợp)