Việt Nam vừa phát hiện 1 loài vật mới xuất hiện ở Quảng Trị: Hé lộ mối liên kết đặc biệt với quốc gia hàng xóm

Phát hiện mới đã hé lộ mối liên kết sinh thái vô cùng đặc biệt.

Theo Người lao động, ngày 25-7, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị), cho hay một loài cá mù đặc biệt đã được các chuyên gia phát hiện trong hệ thống sông ngầm của cụm di sản liên quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam) và Hin Nam No (Lào).

Loài cá này, tạm gọi là “cá mù hang động”, không có mắt – một đặc điểm thường gặp ở các sinh vật cư trú trong môi trường tối tuyệt đối, điển hình là các hang động đá vôi cổ có niên đại hàng trăm triệu năm. Thay vì dựa vào thị giác, chúng sử dụng hệ thống vây và râu cực kỳ nhạy để cảm nhận rung động và thay đổi áp suất trong môi trường nước.

Việt Nam vừa phát hiện 1 loài vật mới xuất hiện ở Quảng Trị: Hé lộ mối liên kết đặc biệt với quốc gia hàng xóm- Ảnh 1.

Loài cá mù vừa được phát hiện

Những cá thể đầu tiên được ghi nhận tại một số hang động thuộc khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng như Sơn Đoòng, Va và Hùng Thông; đồng thời, tại phía bên kia biên giới – trong hang Xê Băng Fai (thuộc khu bảo tồn Hin Nam No, Lào) – cũng phát hiện các cá thể tương tự.

Theo ông Thái, phát hiện này là bằng chứng quan trọng cho thấy sự kết nối chặt chẽ giữa hai khu vực di sản – vốn được hình thành từ một hệ thống hang động và sông ngầm liên tục, tạo điều kiện cho sự tiến hóa biệt lập của các loài sinh vật trong lòng đất.

Hiện các nhà nghiên cứu từ Việt Nam và Mỹ đang thu thập mẫu cá để phân tích ADN. Mục tiêu là xác định xem các quần thể ở hai bên biên giới có thuộc cùng một loài hay là kết quả của hai nhánh tiến hóa độc lập. Nếu được xác nhận là cùng loài, đây sẽ là một trong số rất ít sinh vật đặc hữu của hệ sinh thái xuyên quốc gia – mang giá trị đặc biệt đối với hoạt động bảo tồn và nghiên cứu tiến hóa trong khu vực.

Việt Nam vừa phát hiện 1 loài vật mới xuất hiện ở Quảng Trị: Hé lộ mối liên kết đặc biệt với quốc gia hàng xóm- Ảnh 2.

Cá mù hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam No

Vườn quốc gia Hin Nam No, tọa lạc tại tỉnh Khammouane (Lào), là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Với diện tích hơn 94.000 ha và tiếp giáp trực tiếp với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam), nơi đây là mái nhà của hơn 1.500 loài thực vật và 536 loài động vật có xương sống, trong đó có nhiều loài quý hiếm, đặc hữu và đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu.

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 13/7, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới diễn ra tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức thông qua quyết định điều chỉnh ranh giới Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình, Việt Nam) để bao gồm cả Vườn quốc gia Hin Nam No (Khammouane, Lào).

Tên gọi của di sản liên biên giới đầu tiên giữa hai quốc gia là “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No”. Quyết định mang tính bước ngoặt này không chỉ nâng tầm giá trị toàn cầu của khu vực dãy Trường Sơn, mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Hin Nam No nổi bật với địa hình đặc trưng là các dãy núi đá vôi sừng sững cao tới 300 mét, rải rác các thung lũng sâu biệt lập – môi trường lý tưởng cho quá trình tiến hóa độc lập của nhiều loài sinh vật trong hàng triệu năm. Cái tên “Hin Nam No” – có nghĩa là “đỉnh núi nhọn như măng tre” – cũng chính là hình ảnh mô tả chân thực về cảnh quan hiểm trở nhưng đầy kỳ vĩ của nơi này.

Việt Nam vừa phát hiện 1 loài vật mới xuất hiện ở Quảng Trị: Hé lộ mối liên kết đặc biệt với quốc gia hàng xóm- Ảnh 3.

Vườn quốc gia Hin Nam No, Lào. Ảnh: Ryan Deboodt

Nằm trong “điểm nóng đa dạng sinh học Indo-Burma”, một trong những khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao nhất hành tinh, Hin Nam No là nơi sinh sống của hàng loạt loài động vật quý hiếm như cu li nhỏ, cu li Bengal, voọc chà vá chân đỏ và tê tê Sunda. Việc khu bảo tồn này được đưa vào danh sách Di sản Thiên nhiên thế giới không chỉ ghi nhận giá trị sinh học và địa chất đặc biệt mà còn là lời kêu gọi mạnh mẽ cho các nỗ lực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới.

Với hệ sinh thái đặc hữu, giá trị sinh học độc đáo và văn hóa bản địa lâu đời, Hin Nam No không chỉ là báu vật của nước Lào mà còn là tài sản chung của nhân loại. Việc trở thành một phần trong Di sản Thiên nhiên Thế giới liên biên giới với Việt Nam là bước ngoặt quan trọng, mở ra tiềm năng hợp tác bảo tồn và phát triển bền vững.

(Tổng hợp)