Conic Boulevard

Vingroup, VietnamAirlines, Dabaco đang ra sức khai thác một thị trường mới nổi ở Đông Nam Á: Dân số gần 120 triệu người, GDP trên 400 tỷ USD

Đất nước này là một trong những thị trường tiêu dùng lớn tại Đông Nam Á và dự kiến tiềm năng kim ngạch thương mại với Việt Nam có thể lên tới 10 tỷ USD.
Vingroup, VietnamAirlines, Dabaco đang ra sức khai thác một thị trường mới nổi ở Đông Nam Á: Dân số gần 120 triệu người, GDP trên 400 tỷ USD- Ảnh 1.

Vingroup đã coi Philipines là một trong những thị trường mục tiêu để đẩy mạnh phát triển trong năm 2025.

Các "ông lớn" Việt Nam đang "mở đường"

Với dân số gần 120 triệu người và nền kinh tế có GDP trên 400 tỷ USD, Philippines là một trong những thị trường tiêu dùng lớn tại Đông Nam Á.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sản xuất trong nước Philipines còn hạn chế, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất cao, đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp, điện tử, phương tiện giao thông, sắt thép và hàng tiêu dùng. Việt Nam có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.

Nhận thấy tiềm năng Philippines, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang ra sức khai thác thị trường này.

Cái tên đầu tiên phải kể đến là Vingroup. Theo Thương vụ Việt Nam tại Philipines, thời điểm cuối năm 2022 đầu 2023, Tập đoàn Vingroup mặc dù có tham vọng khai thác các thị trường ngoài nước nhưng chỉ chú trọng vào một số thị trường trọng điểm, trong Asean chủ yếu là Indonesia và Thái Lan, không có kế hoạch với thị trường Philippines.

"Thậm chí, có những lần Thương vụ giới thiệu đối tác nhưng không đạt được kết quả do Tập đoàn Vingroup không đặt mục tiêu phát triển thị trường Philippines", Thương vụ cho biết.

Tuy nhiên, từ những thông tin do Thương vụ cung cấp, Tập đoàn Vingroup đã chuyển hướng sang thị trường Philippines và showroom đầu tiên của Vinfast được mở ra tại thị trường này. Đến nay Vinfast đã ký hợp đồng phát triển gần 60 đại lý tại thị trường Philippines.

Không chỉ dừng lại ở xuất khẩu xe ôtô, Vingroup còn tiến tới đưa dịch vụ taxi Xanh SM sang thị trường này. Lô hàng xe taxi Vinfast đầu tiên đã được đưa sang Philippines để chuẩn bị cho các sự kiện công bố, lễ ra mắt dịch vụ taxi Xanh SM tại đây trong năm 2025. Tập đoàn Vingroup cũng sẽ đầu tư hệ thống các trạm sạc tại Philippines để phục vụ cho các dòng xe của mình.

"Ông lớn" tiếp theo khai thác thị trường mới nổi này là VietnamAirlines. Thương vụ cho biết trước đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Philippines một phần còn bị cản trở bởi yếu tố tâm lý và sự bất tiện trong việc di chuyển giữa hai nước.

Các chuyến bay giữa Việt Nam và Philippines trước đây chủ yếu do 2 hãng hàng không Cebu và PhilippineAirlines khai thác với lịch bay không thuận lợi và giá vé cao, không có tính cạnh tranh. Từ năm 2024, nhận thấy tiềm năng lớn, VietnamAirlines đã nỗ lực xúc tiến mở lại các đường bay thẳng giữa Việt Nam và Philippines.

Từ 3 chuyến/tuần giữa Manila - Hà Nội và 4 chuyến/tuần giữa Manila – TP.HCM, đến nay, VietnamAirlines đã mở tuyến Manila - Hà Nội mỗi ngày một chuyến, đồng thời mở thêm chuyến bay thẳng Manila - Đà Nẵng.

Một tập đoàn lớn khác cũng đang bước chân vào thị trường Philipines là Dabaco. Mới đây, Dabaco khánh thành Nhà máy vắc xin DACOVET tại Bắc Ninh và công bố thương mại sản phẩm vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi DACOVAC-ASF2. Nhà máy có công suất lên đến 200 triệu liều/năm, ngoài phục vụ trong nước, sản phẩm vắc xin còn có thể xuất khẩu.

Thương vụ cho biết sẽ hỗ trợ các bên có thể thương thảo thành công và tiến tới nhập thử nghiệm vắc xin dịch tả lợn châu Phi Dacovac ASF-2 tại Philippines. Nếu thành công, sản phẩm vắc xin dịch tả lợn châu Phi của Tập đoàn Dabaco và Công ty AVAC nghiên cứu, sản xuất sẽ chiếm lĩnh thị trường Philippines.

Tháng 6 năm 2024, gần 70 doanh nhân, đại diện cho khoảng 50 doanh nghiệp Philippines sang Việt Nam tham dự Sự kiện kết nối chuỗi cung ứng quốc tế (Vietnam International Sourcing Expo), đây là con số kỷ lục.

Tháng 3 và 4 năm nay, tiếp tục có thêm đoàn gần 40 người từ Bộ Nông nghiệp Philippines và đại diện 20 doanh nghiệp Philippines sang Việt Nam tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

"Các đại biểu sau khi được tận mắt chứng kiến đề có đánh giá, nhìn nhận và dành lời khen cho các sản phẩm, hàng hóa do Việt Nam", Thương vụ Việt Nam tại Philippines nhấn mạnh.

Một thị trường giàu tiềm năng

Vingroup, VietnamAirlines, Dabaco đang ra sức khai thác một thị trường mới nổi ở Đông Nam Á: Dân số gần 120 triệu người, GDP trên 400 tỷ USD- Ảnh 2.

Cuối tháng 4, trong cuộc gặp với Đại sứ Cộng hòa Philippines tại Việt Nam Meynardo Los Banos Montealegre, Tổng Bí thư khẳng định cần đẩy mạnh kết nối, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 10 tỷ USD.

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippines năm 2024 chính thức vượt 8 tỷ USD, đạt 8,66 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023. Xuất khẩu lần đầu vượt mức trên 6 tỷ USD, đạt mức 6,19 tỷ USD, tăng 20,2% so với năm 2023, xuất siêu của Việt Nam sang thị trường này lần đầu đạt 3,72 tỷ USD, cao hơn mức kỳ vọng là 3,5 tỷ USD.

Quý đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên giảm nhẹ nhưng một số nhóm hàng nông sản có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước như hạt điều tăng 35,8%, cà phê tăng 47%, hạt tiêu tăng 39,6%.

 Nhóm hàng công nghiệp, chế biến, với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như hàng dệt may tăng 30,9%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 67,3%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 51,8% so với cùng kỳ năm 2024.

Một số nhóm ngành hàng tăng trưởng ấn tượng như sản phẩm từ chất dẻo tăng 51,2%, xơ, sợi dệt các loại tăng 30%, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 132,8%, sản phẩm gốm, sứ tăng 325,4%, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 371,4%, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 157,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Thương vụ Việt Nam tại Philipines cho biết người dân Philippines vẫn đánh giá cao hàng hóa  từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… và chưa thật sự tin tưởng, đánh giá chưa cao về hàng Việt và uy tín của doanh nghiệp Việt.

Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa đánh giá đúng tiềm năng, chưa thực sự quan tâm tới thị trường Philippines nên việc xuất khẩu các mặt hàng sản xuất, chế biến, sản phẩm công nghiệp, công nghệ cao còn rất hạn chế. Do đó việc "cởi trói" tư duy, tư tưởng sẽ giúp thúc đẩy giao thương, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước trong thời gian tới.