Chủ căn nhà 80m² từ chối hơn 1,5 tỷ đồng tiền đền bù, không chịu di dời suốt 12 năm: “Chưa được đền bù thỏa đáng thì tôi vẫn còn ở đây”

Khi chủ đầu tư Trung Quốc nâng mức đền bù lên gấp 8 lần, gia chủ mới đồng ý chuyển đi nơi khác.

Quá trình đô thị hóa tại nhiều thành phố của Trung Quốc trong nhiều năm qua đã kéo theo hàng loạt dự án giải tỏa, tái định cư nhằm phục vụ quy hoạch và phát triển hạ tầng. Trong bối cảnh đó, hiện tượng những “căn nhà đinh” đã thu hút sự chú ý không chỉ vì hình ảnh đặc biệt giữa lòng đô thị mới, mà còn bởi những câu chuyện pháp lý và thương lượng phía sau. Trường hợp dưới đây là một ví dụ:

Hơn 1 thập kỷ trước, một căn nhà 3 tầng hiên ngang nằm giữa công trường ngổn ngang ở đường Tương Xuân, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận. Theo Sina, ngôi nhà này được mệnh danh là “ngôi nhà đinh cứng đầu nhất Hồ Nam” vì kiên quyết không di dời suốt 12 năm, cản trở kế hoạch phát triển đô thị tại địa phương.

Ảnh: Rednet.cn

Mâu thuẫn bắt đầu từ năm 2009, chính quyền địa phương đưa khu vực này vào diện giải tỏa để xây dựng không gian xanh đô thị. Theo phương án giải tỏa, mỗi hộ dân sẽ nhận được mức đền bù hơn 2.000 NDT/m2. Hầu hết các hộ gia đình trong khu vực đều đã chấp nhận mức bồi thường này và đồng ý di dời, duy chỉ có căn nhà số 527 là cố thủ, không chịu chuyển đi. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc chủ đầu tư đưa ra mức đền bù 420.000 NDT (hơn 1,5 tỷ đồng) cho diện tích 80m² – con số mà gia đình sở hữu căn nhà cho là không thỏa đáng.

Theo Sohu, chủ nhân của ngôi nhà là ông Tống, đã qua đời. Người này để lại tài sản cho 7 người con trong gia đình. Khi đem số tiền đền bù ra chia đều, mỗi người con của ông chỉ nhận được khoảng 60.000 NDT. Con số này quá ít nên họ quyết định đàm phán với chủ đầu tư để đòi mức hỗ trợ cao hơn. Người tiếp nhận nhiệm vụ đàm phán là Tống Ổn Triều. Tuy nhiên, việc thương lượng không có kết quả nên người đàn ông này đã tìm mọi cách để giữ lại căn nhà: “Chưa được đền bù thỏa đáng thì tôi vẫn còn ở đây.”

Ảnh: Rednet.cn

Theo đó, Tống Ổn Triều đã nghỉ việc để toàn tâm bảo vệ ngôi nhà khỏi nguy cơ bị cưỡng chế tháo dỡ. Khi không còn thu nhập, ông sống nhờ sự hỗ trợ của người thân. Người đàn ông này còn chủ động lắp 18 camera quanh nhà, nuôi 4 con chó để canh gác và tự nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan. Cũng từ đó, ngôi nhà này trở thành “pháo đài” bất khả xâm phạm suốt nhiều năm liền.

Tháng 8 năm 2011, phía chủ đầu tư đã nộp đơn yêu cầu cưỡng chế phá dỡ căn nhà này. Một cuộc đàm phán giữa hai bên diễn ra nhưng không có kết quả khi chưa thống nhất được một số vấn đề then chốt. Trong khi khu vực xung quanh đã hoàn tất giải tỏa và khởi công xây dựng từ năm 2012, ngôi nhà của gia đình họ Tống vẫn sừng sững giữa công trường ngổn ngang nhiều năm sau đó.

Ảnh: Rednet.cn

Phải đến năm 2021, sau hàng loạt nỗ lực thỏa thuận, phía chủ đầu tư mới đồng ý nâng mức bồi thường lên 3,5 triệu NDT (hơn 12,5 tỷ đồng). Lúc này, gia đình họ Tống mới chấp nhận chuyển đi. Cứ như vậy, căn nhà đinh nổi tiếng bậc nhất Hồ Nam được tháo dỡ vào chiều ngày 5/1 cùng năm, khép lại hành trình 12 năm bám trụ đầy tranh cãi.

Câu chuyện nêu trên phản ánh thực tế rằng trong các dự án phát triển hạ tầng ở Trung Quốc, việc đạt được sự đồng thuận giữa các bên liên quan là yếu tố then chốt. Sự chênh lệch trong kỳ vọng về bồi thường hoặc hỗ trợ có thể dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng đến cả tiến độ công trình và đời sống của cư dân. 

(Theo Sina)