Indonesia sẽ ký MoU 34 nghìn tỷ USD để mua hàng Mỹ. Ảnh: Đồ Quyên
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto, trưởng đoàn đàm phán của Indonesia thông tin và đồng thời xác nhận hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia sẽ ký kết thỏa thuận trị giá 34 tỷ USD với các đối tác Mỹ, trong đó bao gồm kế hoạch mua thêm máy bay của hãng Boeing. Thỏa thuận này dự kiến sẽ được ký chính thức trong tuần tới.
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto khẳng định Indonesia mong muốn xây dựng mối quan hệ bình đẳng và công bằng với Mỹ, trong bối cảnh chính quyền Trump áp mức thuế nhập khẩu lên tới 32%.
Được biết, hiện Indonesia đang đối mặt với mức thuế nhập khẩu 32% tại thị trường Mỹ, dù nước này ghi nhận thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ lên tới 17,9 tỷ USD trong năm 2024, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Để giảm bớt áp lực và tạo thuận lợi cho đàm phán, Jakarta đã đề xuất tăng cường nhập khẩu từ Mỹ. “Chúng tôi đã đề nghị giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ, đặc biệt là nông sản, xuống gần như 0%, từ mức hiện tại 0–5%. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào việc Mỹ sẽ giảm thuế cho hàng hóa của chúng tôi ở mức nào”, ông Airlangga cho biết.
Kế hoạch mua 75 máy bay và 2 triệu tấn lúa mì từ Mỹ
Hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia đang thảo luận với Boeing về kế hoạch mua tới 75 máy bay mới. Dù phía Garuda chưa có phản hồi chính thức, đây được xem là một phần quan trọng trong gói hợp tác trị giá hàng chục tỷ USD mà Indonesia sẽ ký với các đối tác Mỹ.
Song song đó, ngành công nghiệp chế biến lúa mì Indonesia cũng vào cuộc. Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất bột mì Indonesia (APTINDO), ông Franciscus Welirang, cho biết các thành viên trong hiệp hội sẽ mua tổng cộng 2 triệu tấn lúa mì Mỹ thông qua các cuộc đấu thầu công khai với mức giá cạnh tranh.
Theo ông Welirang, hiện cũng là giám đốc tại tập đoàn thực phẩm Indofood thông tin: “Toàn bộ các thành viên trong hiệp hội sẽ cam kết mua lúa mì Mỹ". Các đối tác cung ứng phía Mỹ bao gồm những tên tuổi lớn như Cargill, Bunge Global, Pacificor, Archer-Daniels-Midland (ADM), Columbia Grain International và United Grain Corporation.
Bộ Kinh tế Indonesia sẽ ký một biên bản ghi nhớ (MoU) trị giá 34 nghìn tỷ USD với các đối tác thương mại trong tuần tới nhằm thúc đẩy việc mua hàng từ Mỹ. Đây được xem là một phần trong những nỗ lực của Indonesia nhằm đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trước thời hạn chót 09/7 tới.
Đổi lại, Indonesia kỳ vọng Mỹ sẽ giảm thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này, đặc biệt là điện tử, dệt may và giày dép, những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong cán cân thương mại song phương.
“Chúng tôi muốn Mỹ giảm mức thuế xuống thấp nhất có thể đối với các mặt hàng này”, ông Susiwijono Moegiarso, quan chức cấp cao của Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia cho hay.
Dữ liệu từ chính phủ Indonesia cho thấy các mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ sang Indonesia gồm đậu nành, khí dầu mỏ và máy bay.
Cầu vượt Semanggi ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Fadil Aziz
Khi được hỏi liệu các cuộc đàm phán có bao gồm nội dung liên quan đến quốc phòng hay không, Bộ trưởng Airlangga khẳng định: “Không có thỏa thuận quân sự nào là một phần trong đàm phán lần này”.
Ngoài thương mại hàng hóa, Indonesia cũng mở lời mời Mỹ đầu tư vào các dự án khai thác khoáng sản chiến lược, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Indonesia có lợi thế lớn như đồng, niken và bô-xít – những nguyên liệu quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo và công nghệ cao./.
Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và thành viên nhóm G20, Indonesia đang thể hiện sức mạnh kinh tế ấn tượng. Từ năm 2008, trừ hai năm 2020-2021 do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng GDP luôn duy trì ở mức khoảng 5%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán tiêu dùng cá nhân và đầu tư mạnh mẽ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 5,0% trong năm nay và năm tới. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, nền kinh tế Indonesia vẫn thể hiện tiềm lực và khả năng phục hồi đáng nể.
Hiện Indonesia là quốc gia đứng đầu về sản xuất các mặt hàng quan trọng như dầu cọ, cao su, than đá và khí tự nhiên, điều này cung cấp nền tảng vật chất và năng lượng vững chắc cho sự phát triển kinh tế. Indonesia cũng sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, là quốc gia sản xuất niken lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về sản xuất cobalt. Những yếu tố này khiến Indonesia giữ vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng năng lượng mới trên toàn cầu.
Năm 2024, Indonesia ghi nhận thặng dư thương mại 16,8 tỷ USD với Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, với kim ngạch xuất khẩu đạt 26,3 tỷ USD. Các mặt hàng chủ lực gồm: Điện tử, may mặc và giày dép.