"Thương hiệu Mỹ" có còn hấp hẫn giới đầu tư?

Một chuyến đi đầy thăng trầm của thị trường trong 100 ngày đầu tiên của chính quyền ông Trump khi chứng kiến một số nhà đầu tư rời xa tài sản Mỹ và sự dịch chuyển đầu tư.

Ngày 30/4 sẽ đánh dấu ngày thứ 100 kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống

Thị trường đã chứng kiến những đợt tăng giá đáng kể được thúc đẩy một phần bởi sự lạc quan về đàm phán thương mại, nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại về tính lâu dài và sức mạnh của bất kỳ đợt phục hồi nào về giá tài sản. Một số đang đa dạng hóa sang tài sản quốc tế hoặc đảm bảo rằng họ không quá chú trọng vào tài sản Mỹ vì họ tìm kiếm sự chắc chắn hơn về chính sách.

Các mức thuế “gần như toàn cầu” mà ông Trump áp đặt không chỉ gây bất ổn kinh tế Mỹ, mà còn làm xói mòn uy tín của Mỹ với tư cách là đối tác thương mại đáng tin cậy.

Liz Ann Sonders, chiến lược gia đầu tư trưởng của Charles Schwab & Co. cho biết: "Câu hỏi liệu điều này có gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với thị trường và hệ thống kinh tế Mỹ hay không là câu hỏi hiện hữu, nhưng chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời dài hạn. Chúng tôi biết rằng nó đã gây ra thiệt hại rất lớn và các đối tác của chúng tôi đang đặt câu hỏi liệu chúng tôi có đáng tin cậy hay không khi nói đến thương mại hoặc những vấn đề khác".

Sự điều chỉnh gần đây trong diễn ngôn về thương mại đã khiến cổ phiếu tăng trở lại gần mức ngày 2/4 và đồng USD phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, trong gần 100 ngày kể từ lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1, S&P 500 đã giảm khoảng 8% và chỉ số USD đã giảm khoảng 9%. 

Sự biến động xảy ra khi các nhà đầu tư lo ngại rằng việc ông Trump cải tổ thương mại toàn cầu có thể gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ, gây ra sự tái cân bằng. Sự chỉ trích đối với chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng gây ra một đợt bán tháo mạnh khi các nhà đầu tư lo ngại về sự độc lập của Fed. Một số người cũng lo ngại rằng có thể có thiệt hại sâu sắc hơn.

"Chính quyền cần phải cẩn thận về thiệt hại tiềm tàng đối với trái phiếu Kho bạc Mỹ", người sáng lập và giám đốc điều hành của Citadel, Kenneth Griffin, phát biểu tại hội nghị Semafor hôm 24/4.

Biểu đồ cho thấy chứng khoán được lưu ký cho các tài khoản nước ngoài và quốc tế tại Fed

Người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai cho biết chính quyền ông Trump cam kết bảo vệ sức mạnh và quyền lực của đồng USD. Desai nhấn mạnh: "Hàng nghìn tỷ cam kết đầu tư mang tính lịch sử kể từ khi Tổng thống Trump đắc cử từ các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp bao gồm TSMC, Apple và Roche cho thấy sự tin tưởng mạnh mẽ vào nền kinh tế Mỹ và đồng USD dưới chính quyền này".

Đồng USD liệu có giữ được ngôi vương?

Các nhà chiến lược đã chỉ ra nhiều bằng chứng cho thấy, sự phân bổ lại tài sản của Mỹ. Jens Nordvig, người sáng lập Exante Data cho biết trong một ghi chú hoogm 24/4, việc ghép lại một bức tranh thông tin đã giúp ông kết luận rằng "một sự thay đổi về mặt cấu trúc trong phân bổ tài sản đang diễn ra" khi các nhà đầu tư trên khắp thế giới "đang tìm kiếm các loại tiền dự trữ thay thế".

Trong hơn bảy thập kỷ qua, đồng USD gần như bất khả xâm phạm trên vị thế tiền tệ dự trữ và phương tiện thanh toán toàn cầu. Tuy nhiên, với cách tiếp cận cứng rắn và nhiều thay đổi đột ngột trong chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump, lần đầu tiên sau nhiều thế hệ, vị thế “vô địch” của đồng USD đang đứng trước những thách thức đáng kể.

Mặc dù Nordvig không dự đoán rằng đồng USD sẽ mất đi vị thế là đồng tiền dự trữ, nhưng "điều đó có nghĩa là một danh sách dài các loại nhà đầu tư khác nhau sẽ tìm cách giảm mức độ tiếp xúc với USD nếu họ có thể tìm ra cách để làm như vậy".

Để có bằng chứng về xu hướng phi USD hóa, các nhà đầu tư sẽ theo dõi bất kỳ thay đổi đáng kể nào về tỷ lệ dự trữ ngoại hối toàn cầu được nắm giữ bằng USD và tỷ trọng của USD trong thanh toán toàn cầu, mặc dù các nhà phân tích và nhà đầu tư cho rằng có thể mất nhiều năm để thấy được bằng chứng thuyết phục.

Theo dữ liệu của IMF, tỷ lệ nắm giữ USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu - tài sản nước ngoài do nhiều ngân hàng trung ương nắm giữ - đã giảm xuống 57,80% trong quý IV năm 2024, giảm so với mức 66% của 10 năm trước .

Gary Smith, giám đốc danh mục đầu tư khách hàng tại Columbia Threadneedle Investments cho biết: "Sự gia tăng của tình trạng chia rẽ địa chính trị sẽ phần nào thuyết phục một số ngân hàng trung ương đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa khỏi đồng USD".

Đợt bán tháo gần đây trên thị trường trái phiếu kho bạc, nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu, đã làm dấy lên lo ngại về việc bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài - những người nắm giữ khoảng 30% trong thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 29 nghìn tỷ USD, mặc dù các nhà phân tích cho rằng cho đến nay vẫn có rất ít bằng chứng.

Oxford Economics cho biết trong một lưu ý nghiên cứu vào hôm 24/4 rằng, các động thái của thị trường cho thấy sự dịch chuyển rộng rãi hơn ra khỏi Mỹ từ "các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần".

Trong số những người thay đổi chiến lược của họ có Spencer Hakimian, CEO của Tolou Capital Management, một quỹ đầu cơ vĩ mô có trụ sở tại New York. Quỹ của ông đang tăng phân bổ vào vàng và giảm phân bổ vào trái phiếu kho bạc dài hạn vì "chúng tôi tin rằng một cuộc khủng hoảng niềm tin hiện đang nhen nhóm đối với các tài sản trú ẩn an toàn được định giá bằng USD".

Evan Russo, Giám đốc điều hành quản lý tài sản tại Lazard cho biết rằng ông hy vọng phần còn lại của năm nay sẽ chứng kiếnsự tái cân bằng danh mục đầu tư khỏi Mỹ. "Đầu tư toàn cầu sẽ tiếp tục là chủ đề thảo luận rất nổi bật", Russo phát biểu trong cuộc họp báo cáo thu nhập.

Nuri Katz, chủ tịch của APEX Capital Partners tại Antigua, công ty tư vấn cho khách hàng về việc nhập quốc tịch ở nước ngoài cho biết, những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao đang lo ngại. Ngày càng có nhiều khách hàng "muốn đa dạng hóa tài sản tài chính của họ ra ngoài Mỹ và con số đó đang tăng lên gần như hàng ngày".

Nghiên cứu chiến lược danh mục đầu tư của Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý nghiên cứu rằng họ ước tính các nhà đầu tư nước ngoài đã bán khoảng 60 tỷ USD cổ phiếu Mỹ kể từ đầu tháng 3 với các nhà đầu tư châu Âu thúc đẩy việc bán ra. Một báo cáo của Barclays có thông điệp tương tự, cho biết các nhà đầu tư quốc tế đã hồi hương tài sản của Mỹ, nhưng nói thêm rằng "có rất ít bằng chứng cho thấy quyền bá chủ của Mỹ đã bắt đầu đảo ngược mãi mãi".

Biểu đồ cho thấy lượng nợ công của Mỹ mà nước ngoài nắm giữ theo thời gian

Todd Rabold, đối tác tại Callan Family Office, một công ty quản lý tài sản cho biết: "Đồng USD đã được định giá rất cao trong nhiều năm cho đến gần đây và có thể lập luận rằng đồng tiền này đang quay trở lại mức định giá hợp lý hơn".

Jitania Kandhari, Phó giám đốc thông tin của Nhóm giải pháp và tài sản đa dạng tại Morgan Stanley Investment Management cho biết, định giá cổ phiếu Mỹ và USD đã tăng mạnh ngay cả trước khi chính quyền ông Trump áp thuế.

Trong bối cảnh đó, một số người cũng tin rằng bất kỳ sự rút lui nào khỏi Mỹ cũng chỉ là tạm thời, vì quy mô và tính thanh khoản của thị trường và nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục hạn chế sức hấp dẫn của các điểm đến đầu tư thay thế như Châu Âu và Trung Quốc.

Tara Hariharan, giám đốc điều hành quỹ đầu cơ vĩ mô toàn cầu NWI Management cho rằng, một số trụ cột của cái gọi là "chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ" vẫn còn nguyên vẹn. Theo thời gian, các điều chỉnh về cơ cấu, chính sách tài khóa và bãi bỏ quy định có lợi cho doanh nghiệp sẽ củng cố lợi thế so sánh mà Mỹ đang có và đảm bảo nước này vẫn là nam châm thu hút vốn toàn cầu trong những thập kỷ tới./.